Đo đường máu theo đúng qui trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc chẩn đoán đúng bệnh lý tiểu đường nói riêng, theo dõi sức khỏe nói chung. Chính vì vậy, Bệnh viện Bạch Mai đã ban hành Quy trình kỹ thuật đo đường máu mao mạch đảm bảo chẩn đoán đúng bệnh, chăm sóc đúng cách cho bệnh nhân.
Mục lục
1. Đặt vấn đề
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hoá đang có tốc độ phát triển nhanh chóng trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Việc theo dõi điều trị bệnh hiện có nhiều phương pháp khác nhau, trong đó xét nghiệm đường máu mao mạch (ĐMMM) là một kĩ thuật rất đơn giản dễ làm dễ áp dụng. Tuy vậy, nó cũng cần đòi hỏi phải tuân thủ một số quy trình kĩ thuật cơ bản. Nếu không làm đúng quy trình thì kết quả ĐMMM sẽ không chính xác ảnh hưởng rất lớn tới kết quả điều trị.
Xuất phát từ thực tế trên, cùng với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh và để thống nhất một quy trình chuẩn áp dụng cho tất cả các đơn vị lâm sàng trong bệnh viện. Được sự đồng ý của Ban giám đốc Bệnh viện, phòng Điều dưỡng phối hợp với tiểu ban Đào tạo và điều dưỡng trưởng các đơn vị xây dựng “Quy trình đo đường máu mao mạch cho người bệnh”.
2. Chỉ định và chống chỉ định
2.1 Chỉ định
– Số lần đo ĐMMM trong ngày, trong tuần cũng như các thời điểm đo được bác sỹ điều trị ra chỉ định dựa trên tình trạng bệnh và nhu cầu bệnh lý của người bệnh.
Các trường hợp NB đang điều trị với Insulin, đang điều chỉnh liều thuốc hạ đường máu, phụ nữ mang thai có chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ có thể thử một đến nhiều lần trong ngày (thường trước các bữa ăn và sau các bữa ăn 1 hoặc 2 giờ).
Nếu các trường hợp đang dùng ổn định các thuốc viên hạ đường máu có thể thử đường máu 2 đến 3 lần trong tuần vào trước, sau các giờ ăn và trước giờ đi ngủ.
– Các thời điểm khác: Người bệnh đái tháo đường có thể thử bất kể khi nào có các triệu chứng bất thường như: khát nhiều, tiểu nhiều, đói, bủn rủn tay chân, vã mồ hôi hoặc trước và sau khi luyện tập thể lực.
2.2 Chống chỉ định
Không có chống chỉ định tuyệt đối với việc thử đường máu.
3. Chuẩn bị .
3.1 Chuẩn bị người bệnh.
– Kiểm tra họ tên NB, số giường, giờ chỉ định thử đường máu.
– Thông báo, hướng dẫn, giải thích để NB hợp tác.
– Đề nghị NB rửa sạch và lau khô tay hoặc sát trùng bằng bông cồn rồi để khô.
– Để NB ở tư thế thích hợp (ngồi hoặc nằm).
3.2 Chuẩn bị dụng cụ.
– Máy thử đường máu, que thử đường máu, kim chích máu, bút chích máu, bảng theo dõi đường máu.
– Kiểm tra que thử đường máu (Hạn dùng, thời gian sử dụng kể từ khi mở hộp que thử), kiểm tra máy thử (Tình trạng máy, pin).
– Hộp đựng bông cồn 700, bông khô.
– Hộp đựng que thử, kim chích máu đã sử dụng.
4. Các bước tiến hành
Bước 1: Điều dưỡng rửa tay, đội mũ, đeo khẩu trang.
Bước 2: Lắp kim vào bút chích máu, chỉnh độ sâu tùy thuộc vào độ dày của da người bệnh.
Bước 3: Lấy que thử ra khỏi hộp (đậy nắp hộp lại ngay).
Bước 4: Đưa que thử vào máy để máy tự khởi động hoặc và bật máy thử đường máu, đối chiếu code hiện trên máy có trùng với code của que thử không (nếu không trùng phải chỉnh lại cho đúng).
Bước 5: Điều dưỡng cầm tay người bệnh vuốt nhẹ dồn máu từ gốc ngón tay lên đầu ngón tay (một trong bốn ngón, ngón 2, 3, 4, 5), đưa đầu bút chích máu vào mép ngoài cạnh đầu ngón và bấm bút chích máu, nặn nhẹ để lấy đủ giọt máu (tùy theo từng loại máy mà lấy ít hay nhiều máu)
Bước 6: Thấm máu vào giấy thử rồi cắm vào máy, hoặc để cạnh để que thử hút máu (tùy từng loại máy lấy máu ở ngoài hay loại mao dẫn).
Bước 7: Lau sạch máu trên tay người bệnh bằng bông khô.
Bước 8: Đợi máy hiện kết quả (từ 5- 45 giây), đọc kết quả, thông báo kết quả cho NB, dặn dò NB những điều cần thiết (như ăn ngay nếu đường máu thấp…).
Bước 9: Bỏ ngay kim và que thử đã sử dụng vào hộp đựng rác thải y tế phù hợp.
Bước 10: Thu dọn dụng cụ, rửa tay.
Lưu ý: Một số lỗi có thể gặp
– Ngón tay bị ướt (do cồn, nước) làm loãng và không tạo được giọt máu dẫn đến làm sai kết quả đường máu.
– Không chỉnh code máy cho phù hợp với que thử.
– Que thử bị ẩm hoặc hết hạn sử dụng.
– Lấy máu, giọt máu không đủ dẫn đến hỏng que thử hoặc cho kết quả không chính xác.
5. Đánh giá , ghi phiếu theo dõi – chăm sóc.
5.1 Đánh giá kết quả
– Mục tiêu của kết quả ĐMMM còn tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể. Theo khuyến cáo của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2015 ĐMMM trước ăn từ 4,4 – 7,2 mmol/l và ĐMMM sau ăn 2 giờ < 10 mmol/l là đạt mục tiêu.
– Đối với phụ nữ mang thai có chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì mục tiêu đường máu đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ hơn.
+ Trước ăn: < 5,3 mmol/L.
+ Sau ăn 1h: < 7,8 mmol/L.
+ Sau ăn 2h: < 6,7 mmol/L.
– Báo bác sỹ và kịp thời xử trí khi kết quả đường máu bất thường quá cao (HI) hoặc quá thấp (LO).
5.2 Ghi phiếu điều dưỡng
– Ngày, giờ đo đường máu
– Ghi kết quả vào sổ theo dõi đường máu hoặc phiếu theo dõi- chăm sóc