Thông tin rau cải xoong nhiễm giun sán đang làm xôn xao trong dư luận. Ai cũng hoang mang lo lắng. Vậy thực hư về chuyện này như thế nào ? Hãy cùng Benh.vn tìm hiểu.
Mục lục
Kinh hoàng rau cải xoong nhiễm sán
Giun sán làm ổ trong thân rau cải xoong (Ảnh minh họa)
Tìm hiểu về giun sán
Giun – sán là loài ký sinh ở người có thể chiếm tới một phần tư dân số thế giới, tập trung chủ yếu ở các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hiện nay, người ta đã xác định được trên 100 loài giun tròn và 140 loài sán có khả năng gây bệnh cho người.
Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm giun sán cũng rất cao, nhiều trường hợp gây biến chứng nguy hiểm, có thể tử vong, như: ho ra máu do sán lá phổi (Paragonimus sp), áp xe gan do sán lá gan lớn (Fasciola sp), viêm màng não có tăng bạch cầu ái toan do giun tròn (A. cantonnensis)..
Hầu hết giun sán không gây được miễn dịch bảo vệ, sau khi khỏi người bệnh vẫn bị tái nhiễm.
Chia sẻ từ người dân
Một bà nội trợ chia sẻ: “Khi làm salad cải xoong, tôi tách cọng thấy bên có một loại giun sán không rõ có thân màu đỏ làm ổ rất nhiều. Nếu chúng ta vô ý chỉ vặt rau làm món rau sống trộn & sốt cà chua , mặc dù rửa sạch bên ngoài bằng thuốc tím, ngâm nước muối cũng chẳng ăn thua gì nên mọi người cẩn thận nhé…”
Chính những thông tin và hình ảnh này đã gây hoang mang, lo lắng cho nhiều người. Có nhiều người vì vậy mà tẩy chay món cải xoong nhiều chất dinh dưỡng vì sợ giun sán.
Chị Minh Nguyệt (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: “Cải xoong là món tôi và các thành viên trong gia đình yêu thích, nhưng từ khi nhìn thấy hình ảnh giun sán bám đầy trên cọng rau cải xoong, tôi tẩy chay luôn và nghĩ sẽ không bao giờ mua loại rau này nữa….”
Ý kiến của chuyên gia
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng mà bỏ qua rau xanh – thức ăn không thể thiếu trong các bữa ăn.
Để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình, người tiêu dùng có thể chế biến thức ăn chín kỹ trước khi ăn, mua những loại rau rõ nguồn gốc (nếu được). Tốt nhất nên ngâm muối trước khi chế biến, đặc biệt là các loại rau sống. Nên hạn chế ăn các loại rau sống vì tiềm ẩn nguy cơ sán rất cao. Đây là cách tốt nhất để phòng tránh và hạn chế được nguồn vi khuẩn gây bệnh cho sức khỏe.
Hình ảnh sán bò trên cọng rau cải xoong (Ảnh minh họa)
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội)
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, các loại rau trồng ở dưới nước, đặc biệt ở những vùng nước thải, nước ô nhiễm có nguy cơ chứa rất nhiều những loại giun sán, ký sinh trùng mắt thường có thể phát hiện. Loại này khi vào cơ thể người chúng sẽ bị chết (bất kể ăn rau sống, tái hay chín) vì môi trường cơ thể không thích hợp.
Đối với trứng giun sán, ấu trùng mắt thường không thể nhìn được. Sau khi ăn sống, nấu tái, chín (qua 100 độ C) các loại trứng giun sán giảm bớt nhiều, nhưng chúng vẫn có thể còn bám vào rổ rá, vật dụng nhà bếp, hoặc dính ở tay và con người vô tình đưa lên miệng là chúng vào cơ thể người.
Một bệnh nhân bị nhiễm sán
Theo các chuyên gia y tế, trứng giun sán, ấu trùng bám vào rau khi vào cơ thể sẽ bám vào ruột rồi chui qua thành ruột, vào trong máu và đi tới các bộ phận trong cơ thể… và nở thành giun sán và nằm đó sẽ gây hại cho cơ thể. Nhiều ca bệnh đã mắc bệnh hiểm nghèo do nhiễm giun sán qua đường ăn uống.
Benh.vn. (Theo GĐXH)