Bì heo, tóp mỡ, bì heo chiên phồng, khô tẩm gia vị là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người nhưng nếu được một lần tận mắt chứng kiến các công đoạn chế biến những “đặc sản” ấy chắc chắn nhiều người sẽ cảm thấy rùng mình và không còn muốn ăn.
Mục lục
Cơ sở sản xuất ra những đặc sản này là những cơ sở chui, không có sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan chức năng nào nên rất dơ bẩn và sử dụng những nguyên liệu rẻ tiền, hôi thối. Và để đưa vào chế biến mà không bị phát hiện chúng đã được người bán xử lý bằng rất nhiều hóa chất, gia vị độc hại.
Cơ sở sản xuất bì heo chiền giòn bẩn vẫn hoạt động dù bị đình chỉ.
Choáng váng với công nghệ siêu bẩn
Khi vào lò sản xuất của ông Sơn Chiều (hẻm thuộc ấp 4, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM) chúng tôi không thể tưởng tượng đây là cơ sở chế biến thực phẩm cho người vì mùi hôi tanh, dơ dáy; khắp sân, hàng rào từng miếng “khô bò” được đem phơi như giẻ lau nhà thu hút ruồi, nhặng bâu về đánh chén.
Bò khô siêu rẻ
Công nghệ sản xuất khô bò đen siêu rẻ (giá sỉ 40.000-50.000 đồng/kg) được chủ cơ sở khai là dùng phổi heo (loại phế thải, hôi thối, nhiều lá phổi còn lưu bệnh tích của heo giá 13.000 đồng/kg) luộc chín rồi xắt miếng, tẩm ướp gia vị, phụ gia, sau đó ngào đường, sả ớt… Phần vụn thì thành “khô bò đen”, loại miếng lớn được đem phơi sau đó chiên lại thành “khô bò miếng”.
Thành phẩm làm ra, chủ cơ sở đổ ra sàn nhà, ngay cạnh ổ chó và chó, gà thì đi lại tung tăng. Tại khu vực sản xuất, còn có một số bịch bột các màu nghi là hóa chất dùng trong chế biến.
Da heo chiên phồng
Tại cơ sở làm da heo phồng không phép nằm trong con hẻm nhỏ trên Quốc lộ 50 (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh), mọi người ở đây làm việc náo nhiệt dù cơ sở này đã bị đình chỉ hoạt động. Hai nồi luộc da sôi sùng sục, bên trong đen ngòm. Cạnh đấy là mấy thanh niên ở trần lôi da heo ngâm từ thùng ra để cạo lớp mỡ, lúc này da heo có màu trắng, sạch bong chứ không như hiện trạng khi trong nồi luộc. Bên dưới là rạch nước đen ngòm, hôi hám đầy rác thải.
Nơi chế biến khô bò – thực phẩm cho người rất mất vệ sinh.
Xử phạt cơ sở ra sao ?
Được biết, cơ sở này bị phạt 17,65 triệu đồng, tuy nhiên chưa có tiền đóng phạt và cũng không thể thực hiện đúng theo hướng dẫn của thú y vì không có vốn và nếu ông bỏ nghề thì không biết làm gì để mưu sinh!
Theo TS-BS Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam – Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, các loại “đặc sản” bình dân có điểm chung là giá rất rẻ. Ai cũng biết là những nguyên liệu như tôm, thịt bò, heo, mực đều đắt tiền. Do đó, một là, người sản xuất dùng nguyên liệu giả; hai là, hàng thật nhưng là loại phế thải.
Nguy cơ của các loại thực phẩm bẩn này
Để xử lý các nguyên liệu này, người ta phải dùng rất nhiều loại hóa chất độc hại ở tất cả các công đoạn sản xuất như ngâm, tẩy, rửa, tẩm ướp, bảo quản. Bí quyết của những món ăn này chính là các loại gia vị tạo cảm giác thèm ăn, càng ăn lại càng thấy ngon. Gia vị, phụ gia có loại được phép dùng, có loại cấm nhưng chắc chắn những nơi sản xuất không đăng ký sẽ dùng loại cấm để tiết giảm chi phí và đều là những chất độc hại cho người dùng.
Khi ăn các loại “đặc sản” vỉa hè này, nếu bị tiêu chảy là may vì độc chất được tống ra ngoài. Còn không, chúng sẽ được tích tụ trong cơ thể, đến một ngày bùng phát ra thì không thể cứu chữa được vì ung thư, suy gan, thận mạn tính…
Các loại “đặc sản” bình dân như bì heo chiên giòn, khô tẩm gia vị…là những món khoái khẩu của học sinh, những người có thu nhập thấp vì giá của nó khá rẻ nhưng nguyên liệu để chế biến thì vô cùng độc hại vì được xử lý bằng rất nhiều hóa chất.
Lời kết
Nếu sử dụng những món ăn này thường xuyên cơ thể sẽ tích tụ độc tố lâu dần gây ung thư. Vì vậy, mọi người nên nâng cao ý thức trong việc lựa chọn thực phẩm, không ăn các thực phẩm không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan ở vỉa hè lề đường để tránh mắc bệnh và gây hại cho sức khỏe.