Dù rất hoảng loạn khi thấy con trai 2 tuổi rưỡi hóc hạt vải, chị L vẫn kịp nhớ lại cách xử trí khi trẻ hóc dị vật xem được trên ti vi để làm theo, nhờ đó may mắn cứu được con thoát khỏi nguy hiểm.
Bệnh nhân là cháu B.G.H, được đưa vào khoa Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng xuất tiết đờm dãi nhiều, xây xước vùng miệng.
Theo lời kể của gia đình, khi đang ăn vải cùng mọi người, đột nhiên cháu bé ho sặc sụa, tím tái và khó thở. Mẹ cháu hoảng hốt theo phản xạ vội móc tay vào miệng con, vô tình khiến cháu càng khó thở, tím tái và chảy máu vùng miệng.
“Dù khi ấy vô cùng sợ hãi nhưng tôi chợt nhớ đến kỹ thuật xử trí dị vật đã từng được xem trên ti vi. Tôi liền cho cháu nằm sấp đầu thấp đồng thời vỗ vào lưng, sau đó cho cháu nằm ngửa và ấn vào vùng ngực của bé mấy nhát. Sau khi thực hiện 2 động tác trên, hạt vải bật ra ngoài, cháu khóc to, đỡ khó thở và tím tái”. Mẹ bé kể lại.
Khi thăm khám, kết quả cho thấy cháu bé hồng hào, không khó thở, chỉ số bão hòa oxy máu trong giới hạn bình thường. Bé H được hút dịch mũi miệng, cầm máu vết thương vùng miệng, chụp X quang phổi. Sau kiểm tra, tình trạng sức khỏe của bé đã ổn định.
Trẻ bị suy hô hấp do dị vật đường thở hoàn toàn có thể tử vong nếu không được xử trí kịp thời và đúng kỹ thuật. Trong trường hợp này, điều may mắn là mẹ cháu bé đã kịp nhớ ra cách xử trí và thực hiện đúng cách, cứu sống con mình. Do đó, gia đình cần lưu ý:
Các dấu hiệu cảnh báo
Nếu trẻ đột ngột ho sặc sụa, khó thở và tím tái sau khi ăn uống, bố mẹ phải nghĩ đến trường hợp trẻ bị dị vật đường thở.
Lứa tuổi thường gặp
Dị vật đường thở thường gặp ở trẻ nhỏ từ 1 – 3 tuổi. Các loại dị vật thường gặp là các loại hạt, mảnh xương (lợn, cá), thạch hoặc 1 số đồ vật như nắp bút, kim băng… Ở độ tuổi này trẻ thường tò mò, thích cho vào miệng những vật đang cầm trên tay
Phòng tránh
Tránh cho trẻ nhỏ ăn các dễ hóc như vải, lạc, đỗ … đặc biệt là thạch, tránh cho trẻ ngậm đồ ăn vào miệng. Không nên ép trẻ ăn uống khi trẻ đang khóc. Không đùa giỡn với trẻ khi trẻ đang ngậm thức ăn trong miệng.
Cách xử trí
Khi nghĩ tới bị dị vật đường thở, phải nhanh chóng xử trí để tránh trẻ bị ngạt thở.
- Nếu trẻ tỉnh táo, không khó thở, không tím tái và ho có hiệu quả thì nên khuyến khích trẻ ho để tống dị vật ra ngoài.
- Nếu trẻ khó thở, tím tái, ho không hiệu quả ( ho yếu) thì ngay lập tức tiến hành thực hiện động tác vỗ lưng và ấn ngực. Đặt trẻ dọc theo tay người cấp cứu cho trẻ nằm sấp đầu thấp đồng thời tiến hành vỗ lưng 5 lần và nếu di vật vẫn không bật ra ngoài được thì lật ngược cho trẻ nằm ngửa đầu thấp và ấn ngực trẻ 5 lần cho đến khi di vật được đẩy ra ngoài.
- Tránh móc dị vật nếu không quan sát được rõ vì có thể làm dị vật xâm nhập sâu hơn vào đường thở và làm cho trẻ suy hô hấp nặng hơn.
Cấp cứu dị vật đường thở: kỹ thuật vỗ lưng và ấn ngực
Benh.vn (Theo BV Nhi trung ương)