Những vụ sạc pin làm chết người đã xảy ra khá nhiều. Tình huống này còn nguy hiểm hơn đối với trẻ vì trẻ em cũng rất hiếu động, tay chân lúc nào cũng ra mồ hôi thậm trí là nước. Trẻ em lại không ý thức được sự nguy hiểm của các thiết bị này vì vậy tai nạn là rất khó tránh khỏi nếu các bé tiếp xúc với các bộ sạc lỗi hoặc bị hỏng.
Những vụ tai nạn khi dùng điện thoại đang sạc pin, mà gần đây nhất là vụ một bé trai 13 tuổi, ở Quảng Ngãi tử vong, là hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của các thiết bị sạc với trẻ em.
Ông Nguyễn Cao Cường, chuyên gia tư vấn an toàn của Trung tâm Khoa học Kỹ thuật an toàn Việt Nam Visatech, cho biết người sử dụng điện thoại di động bị điện giật chủ yếu liên quan đến thiết bị sạc pin. Nguyên nhân trực tiếp là do khi sạc bị truyền điện ra vỏ hoặc viền của thiết bị di động, nhất là các loại điện thoại có vỏ kim loại, chất dẫn điện tốt. Khi người sử dụng tiếp xúc với phần kim loại của thiết bị, điện truyền qua người và khép mạch xuống đất, gây điện giật.
Điện áp càng cao sẽ có mức độ nguy hiểm càng lớn. Theo nghiên cứu, điện áp 24V và dòng điện 10mA trở lên có thể gây ra chết người. Khi dòng điện đạt ngưỡng 25mA, nạn nhân bị điện giật không thể rời tay ra khỏi vật dẫn điện.
Sạc pin nguy hiểm với trẻ em như thế nào?
Không nên cho trẻ đến gần các thiết bị đang sạc pin, đồng thời cũng nên hạn chế cho trẻ chơi các thiết bị công nghệ.
Bình thường, thiết bị sạc điện thoại được cấu tạo có đầu vào 220V, đầu ra 5V. Nếu đúng theo tiêu chuẩn, điện áp đầu ra rất thấp, tức 5V, không thể gây tổn thương cho người sử dụng như bỏng hay chết người.
Tuy nhiên, khi thiết bị không đảm bảo yêu cầu an toàn cách ly nguồn điện hoặc bị hư hỏng phần cách điện bên trong, phần đầu ra có thể sẽ được nối thông điện với phần đầu vào. Tức điện áp đầu ra sẽ chính là điện áp nguồn 220V thay vì 5V.
Khi đó, ngoài khả năng gây cháy điện thoại do điện áp cao, người dùng có thể bị điện giật nếu chạm vào. Đặc biệt là khi tay ướt, dính mồ hôi, chân trần chạm đất, thì người dùng sẽ bị điện giật, nạn nhân có thể bị mất tri giác, tay cầm chặt vật dẫn điện không rời ra được, và khi dòng điện qua người đủ lớn và thời gian tiếp xúc đủ lâu thì cái chết sẽ xảy ra.
Hiện nay các gia đình sử dụng khá nhiều các thiết bị sạc, từ điện thoại di động cho đến máy tính bảng, máy tính xách tay… Đặc biệt các thiết bị sạc thường xuyên ở trong tầm của trẻ, như ở trên giường, bàn, nơi trẻ vui chơi. Thậm chí có bố mẹ còn để trẻ chơi với điện thoại đang sạc hoặc nhờ con trẻ sạc hộ hoặc rút hộ điện thoại.
Các khuyến cáo để tránh tai nạn cho trẻ khi sạc điện thoại
- Không nên vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại.
- Hạn chế cho trẻ em sử dụng điện thoại di động.
- Đặc biệt, không nên để trẻ có thói quen tự sạc pin mỗi khi thiết bị công nghệ như điện thoại, ipad, máy tính xách tay hết pin.
- Khi phát hiện có dấu hiện rò rỉ điện ra vỏ thiết bị di động dù ít, hay nhiều cũng cần phải cảnh giác.
- Sử dụng thiết bị chính hãng đã qua kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nguy cơ bị giật dễ xảy ra khi dùng các bộ sạc không đạt tiêu chuẩn hoặc không tương thích cho điện thoại của mình. Một số bộ sạc nhái không có những quy chuẩn thích hợp, còn có khả năng gây bỏng hay điện giật cho người sử dụng hoặc gây hỏa hoạn.
Chuyên gia Nguyễn Cao Cường
Trung tâm Khoa học Kĩ thuật an toàn Việt Nam Visatech