Sản phụ mắc bệnh bạch cầu đã buộc phải mổ bắt thai hy hữu để cứu cả mẹ và con được thực hiện ngay tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
Mục lục
Trường hợp hy hữu vô cùng nguy hiểm
Chưa kịp chuyển viện Phụ sản TƯ để sinh con theo chỉ định, sản phụ mắc bệnh bạch cầu cấp thể M3 đột ngột bị xuất huyết não. Ca mổ bắt thai 34 tuần tuổi hy hữu được thực hiện ngay tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để cứu cả mẹ và con.
Anh Đ.T.H., chồng của sản phụ V.T.H. (29 tuổi, con gái đầu 3 tuổi, ở tại Thái Bình) cho biết: cách đây 2-3 tuần, chân vợ anh xuất hiện 1 số vết bầm tím không rõ nguyên nhân. Sau nhiều lần thăm khám, bệnh viện Đa khoa thành phố Thái Bình đã chuyển bệnh nhân lên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ngày 30/9.
Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp thể M3 với tình trạng tế bào bạch cầu tăng rất cao (hơn 100 giga/lít trong khi mức thông thường là 4-10giga/lít) và rối loạn đông máu nặng.
Các bác sĩ khoa H7, Viện Huyết học – Truyền máu Trung Ương đang tiến hành điều trị rối loạn đông máu cho bệnh nhân về mức chấp nhận được để thực hiện phẫu thuật lấy thai dự kiến vào sáng ngày 3/10 tại bệnh viện Phụ sản TƯ.
Sự cố ngoài ý muốn
Tuy nhiên, vào lúc 22h ngày 2/10, bệnh nhân đột ngột bị xuất huyết não, rơi vào hôn mê. Trước nguy cơ tử vong của bệnh nhân lên tới 90-95%, BS Bạch Quốc Khánh đã lập tức kết nối với các bác sĩ bệnh viện Phụ sản TƯ để bàn phương án cứu thai nhi. Hội chẩn liên viện đã đi đến quyết định thực hiện ca mổ bắt con ngay tại khoa Khám bệnh của Viện huyết học – Truyền máu trung ương. Bởi nếu chuyển bệnh nhân lên bệnh viện Phụ sản TƯ thì nguy cơ thai phụ tử vong rất cao hơn nữa việc điều trị cho bệnh nhân sau phẫu thuật cần tới các chế phẩm máu đặc biệt.
Trẻ vừa chào đời đã khóc lớn
24h5 cùng ngày, TS.BS Lê Thiện Thái, Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản TƯ cùng ê kíp 7 người đã có mặt tại bệnh viện huyết học và tiến hành ca mổ.
Gần 20 bác sĩ và nhân viên y tế của 2 bệnh viện đã tham gia vào ca mổ chỉ diễn ra trong vài phút và cứu thành công em bé nặng 1,8kg với các chỉ số sinh tồn của sản phụ được đảm bảo, tình trạng xuất huyết máu có xu hướng tạm dừng.
Hiện con của sản phụ H. đang được hồi sức sơ sinh tại bệnh viện Phụ sản TƯ, thở máy hỗ trợ và có tiên lượng rất tốt.
Đánh giá về ca cấp cứu hy hữu lần đầu tiên tại Viện Huyết học – Truyền máu TƯ, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TƯ, cho biết: “Đã có sự phối hợp tốt giữa 2 bệnh viện; 2 đồng chí phó viện trưởng đã kịp thời hội chẩn, kịp thời đưa ra quyết định đúng đắn. cho 1 ca cấp cứu chưa từng thực hiện tại viện với trình độ chuyên môn cao”.
Đánh giá của các chuyên gia
GS.TS Nguyễn Anh Trí (phải) đánh giá cao sự phối hợp giữa khoa Cấp cứu và khoa H7 của Viện trong điều trị và cấp cứu cho bệnh nhân H.
GS.TS Nguyễn Anh Trí khẳng định: “Ê kíp trực đã có quyết định sáng suốt là mổ lấy thai ngay tại bệnh viện, cứu được cháu bé và thực hiện mổ an toàn tại 1 nơi không phải là phòng mổ trên 1 bệnh nhân bị ung thư máu thể nặng; điều trị huyết học tốt để cầm giữ được bệnh ung thư máu (bệnh nhân đã được truyền 17 đơn vị máu và các chế phẩm máu từ khi phẫu thuật đến 11h sáng nay)”.
Bệnh nhân mắc bạch cầu cấp có thai chiếm 5-10% số trường hợp đến khám tại viện huyết học & Truyền máu TƯ và đa phần là phát hiện khi có thai. Với các trường hợp không quá nặng, có thể điều trị cầm cự để đủ ngày đủ tháng sẽ mổ bắt con.
Benh.vn (Theo SKĐS)2