Thế giới hiện đại dường như đã mang đến cho cuộc sống của con người nhiều tiện ích và tiện nghi hơn. Thế nhưng, bạn có biết nó có những mặt trái nào ảnh hưởng đến sức khỏe không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể hơn qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Thiếu ngủ
Một sự thật hiển nhiên của xã hội hiện đại ngày nay là “hội chứng” thiếu ngủ. Nhịp sống sôi động, cơ chế thị trường, áp lực công việc, cuộc sống cạnh tranh… đã đẩy con người vào trạng thái “căng như dây đàn”, thiếu cả thời gian ngủ nghỉ hoặc ngủ không đủ giấc.
Theo một vài nghiên cứu, đàn ông mắc chứng mất ngủ kinh niên, ngủ dưới 6 tiếng mỗi đêm thì rủi ro chết trẻ cao hơn so với những người ngủ bình thường.
Thực tế thiếu ngủ, mất ngủ không gây chết người ngay tức thì mà diễn ra từ từ, đặc biệt là gây tổn thương não, triệt tiêu tế bào thần kinh. Vì lý do sức khỏe, giới chuyên môn khuyến cáo, dù khó khăn đến đâu, công việc bận rộn đến mấy thì cũng nên duy trì 7-8 tiếng ngủ chất lượng mỗi ngày, nếu phải làm ca kíp thì nhất thiết phải ngủ bù vào ban ngày.
Nghỉ hưu nhưng vẫn bị áp lực
Nhiều người có quan niệm, làm việc chăm chỉ để khi nghỉ hưu mong được an nhàn, nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Theo nhiều nghiên cứu, nhóm người nghỉ hưu có sự suy giảm đáng kể về sức khỏe tâm thần. Cụ thể, có tới 40% số người bị trầm cảm ở mức độ khác nhau, 60% được chẩn đoán là mắc ít nhất một loại bệnh trở lên, đặc biệt là nhóm nghỉ hưu sớm.
Tuy cơ chế gây bệnh ở nhóm nghỉ hưu sớm chưa được nghiên cứu đầy đủ, song thực tế thì nhiều người khi nghỉ hưu vẫn tham gia làm việc. Riêng người Nhật, họ không chỉ làm việc chuyên cần mà đôi khi còn “nghiện” công việc, thậm chí họ coi việc nghỉ hưu muộn là tiêu chí giúp tăng tuổi thọ cho dù Nhật Bản là một cường quốc về kinh tế.
Thuốc kháng sinh làm suy giảm khuẩn hữu ích
Sự ra đời của thuốc kháng sinh là một trong những bước đột phá quan trọng nhất trong lịch sử y học của nhân loại, nhưng đi kèm với nó là những tác dụng phụ bất lợi cho cơ thể.
Để tồn tại, con người phải phụ thuộc nhiều vào vi khuẩn, bằng chứng là số lượng tế bào vi khuẩn nhiều gấp 10 lần so với các tế bào của cơ thể. Trong khi đó, kháng sinh lại tiêu diệt vi khuẩn, kể cả khuẩn thân thiện lẫn khuẩn xấu. Ví dụ, khuẩn trong ruột giúp tiêu hóa thức ăn và tăng cường hệ thống miễn dịch, vì vậy mới có hiện tượng bị tiêu chảy và bệnh dạ dày do kháng sinh gây ra.
Lạm dụng kháng sinh ngay từ khi còn nhỏ có thể gây bệnh béo phì và tiểu đường khi trưởng thành. Vì lý do sức khỏe, hãy sử dụng thuốc kháng sinh một cách khôn ngoan, tuyệt đối không được lạm dụng, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Ô nhiễm tiếng ồn và ánh sáng
Ô nhiễm tiếng ồn là một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp, bệnh mất ngủ, khó thở, tăng nhịp tim nhanh hay thậm chí là thay đổi não và nhiều tác động tiêu cực đến khả năng nhận thức.
Ô nhiễm ánh sáng cũng nguy hiểm không kém, chẳng hạn như ánh sáng từ các thiết bị điện tử, đèn LED, màn hình TV, máy tính… Bên cạnh đó, vốn dĩ con người sinh ra chỉ cần dung nạp một lượng ánh sáng nhất định, nếu quá nhiều ánh sáng vào ban đêm và ít bóng tối sẽ khiến cho đồng hồ sinh học làm sai chức năng và lâu dần dễ bị rối loạn giấc ngủ, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì, trầm cảm, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú…
Lạm dụng chất ngọt
Một trong những mối nguy của xã hội hiện đại đó là tình trạng lạm dụng thực phẩm chứa nhiều đường, mỡ, chất phụ gia. Tiêu thụ đường không phải là xấu bởi nó giúp tạo năng lượng, đặc biệt là não bộ nhưng thực tế, tiêu thụ nhiều đường sẽ phát sinh nhiều căn bệnh mới, đặc biệt là béo phì và tiểu đường týp 1 ở trẻ em.
Đường còn làm tăng bệnh cholesterol, tiểu đường týp 2 ở người trưởng thành, béo phì, lão hóa da sớm, sa sút trí tuệ, tổn thương não, gây suy giảm trao đổi chất và tổn thương gan… Tệ hơn, đường còn gây tổn thương ADN và gây hại không khác gì rượu và thuốc lá.
Benh.vn (Theo Listverse)