Ngày nay, ai cũng biết rằng não và đường ruột có thể tác động qua lại lẫn nhau, mặc dù cách chúng tương tác vẫn còn là điều bí ẩn. Một nghiên cứu mới đây đã tìm hiểu xem stress có thể tác động gì tới hệ vi khuẩn bên trong đường ruột. Câu hỏi mà nhóm nghiên cứu đặt ra là: liệu có sự khác biệt gì giữa “kẻ chiến thắng” và “người thua cuộc” sau các căng thẳng xã hội?
Kết quả của nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Nghiên cứu Não bộ Hành vi (Behavioural Brain Research).
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng stress có thể tác động tới cơ thể theo vô số cách, và tác động tới mọi mặt của sức khỏe từ hệ tim mạch với đường ruột.
Các bệnh về tâm lý cũng thường liên quan tới nhiều triệu chứng thực thể, trong đó có rối loạn tiêu hóa. Điều này đã được nhận thấy qua nhiều nghiên cứu.
Nhưng một vài khía cạnh của mối quan hệ não – ruột vẫn chưa rõ ràng. Ví dụ, nếu stress bắt nguồn từ những căng thẳng xã hội, thì vị trí cuối cùng của chúng ta sau căng thẳng ấy – “kẻ chiến thắng” hay “người thua cuộc” – sẽ có tác động như thế nào lên hệ vi sinh vật đường ruột bên trong cơ thể?
Các nhà khoa học từ Đại học Bang Georgia ở Atlanta đã tiến hành nghiên cứu dựa trên câu hỏi này. Họ đã phân tích những thay đổi sinh lý xảy ra ở chuột hamster Syrian khi chúng phải đối mặt với các tình huống căng thẳng.
Không chỉ là một loài thú nuôi đáng yêu trong nhà, những con chuột hamster này còn là một đối tượng nghiên cứu rất phù hợp bởi chúng có phản ứng sinh học đáp ứng với căng thẳng xã hội. Khi sống gần nhau, chúng cạnh tranh để phân định thứ bậc, chia ra thành con thống trị (“kẻ chiến thắng”) và con bị trị (“kẻ thua cuộc”).
Tiến sỹ Kim Huhman và các cộng sự đã nghiên cứu trên chuột hamster đực trưởng thành và quan sát xem các căng thẳng xã hội sẽ thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột của chúng như thế nào. Họ dự đoán rằng các con chuột “thua cuộc” sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất – nhưng kết quả nghiên cứu lại cho thấy nhiều điều bất ngờ.
Câu hỏi về “kẻ chiến thắng” và “người thua cuộc”
Tiến sỹ Huhman và cộng sự đã phân tích hệ vi khuẩn đường ruột của các con chuột hamster ở thời điểm ban đầu trước khi chúng sống cùng nhau, và ở thời điểm sau cùng, khi chúng đã định vị được thứ bậc trong nhóm.
Các nhà khoa học so sánh những mẫu này với nhóm chứng là những con chuột hamster đã quen nhau từ trước và không bị căng thẳng xã hội.
Giáo sư Huhman nói: “Chúng tôi thấy rằng dù chỉ một chút căng thẳng xã hội cũng sẽ dẫn tới sự thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột. Điều này gây ra nhiều căng thẳng thể chất trầm trọng hơn, từ đó lại dẫn tới những căng thẳng xã hội lớn hơn.”
Bà nhận định thêm: “Bởi vì “kẻ thua cuộc” sản sinh ra nhiều hormon stress hơn “kẻ thắng cuộc”, chúng tôi bước đầu đặt ra giả thuyết rằng sự thay đổi hệ vi sinh vật rõ ràng ở những con thua cuộc hơn những con thắng cuộc.”
Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu lại khá bất ngờ khi so sánh mẫu vi khuẩn đường ruột từ những con hamster “chiến thắng” với mẫu của những con “thua cuộc”. Kết quả là không có sự khác biệt nào như họ giả thuyết ban đầu.
Cả con “chiến thắng” lẫn “thua cuộc” đều bị suy giảm hệ vi sinh vật đường ruột. Điều khác biệt duy nhất đáng chú ý là loại vi khuẩn còn lại trong đường ruột của những con hamster này.
Tiến sỹ Huhman nói “Thật thú vị. Chúng tôi đã thấy rằng căng thẳng xã hội, dù thắng hay thua, đều dẫn tới sự thay đổi toàn diện trong hệ vi sinh vật đường ruột. Mặc dù vậy, các chủng vi khuẩn bị tác động sẽ hơi khác nhau giữa con thắng và con thua cuộc.
“Có thể tác động của các căng thẳng xã hội tới con thua cuộc mạnh hơn so với con thắng cuộc, nhưng chúng tôi chưa thể khẳng định chắc chắn điều đó.”
Ảnh minh họa: Chuột hamster Syrian – đối tượng nghiên cứu của nhóm tác giả
Các mẫu vi sinh vật đường ruột lấy từ những con hamster trước khi gặp phải căng thẳng xã hội cũng tiếp tục gây bất ngờ cho nhóm nghiên cứu.
Họ phát hiện ra rằng: quần thể vi khuẩn đường ruột của chuột hamster có thể dự đoán con nào sẽ chiến thắng, và con nào sẽ thành kẻ thua cuộc.
Tiến sỹ Huhman giải thích: “Đây là một phát hiện rất hấp dẫn. Như vậy, một vài loài vi khuẩn trong đường ruột có thể giúp dự đoán xem con vật sẽ chiến thắng hay thua cuộc sau căng thẳng xã hội.”
Đồng tác giả, tiến sỹ Benoit Chassaing nhận định: “Những phát hiện này gợi ý rằng tương tác hai chiều giữa stress và hệ vi sinh vật đường ruột đang xảy ra. Stress tác động lên hệ vi sinh vật đường ruột, và ngược lại, một vài chủng vi khuẩn đặc biệt sẽ tác động lên cách chúng ta phản ứng với stress.”
Nhóm tác giả đề xuất rằng: những nghiên cứu trong tương lai nên nhắm tới việc phân tích mối liên quan giữa vi khuẩn đường ruột và các đáp ứng của một cá thể với căng thẳng xã hội.