Các bệnh về phụ khoa thường rất đa dạng: viêm âm đạo, viêm tử cung, viêm cơ tử cung, viêm cấp tính, mãn tính… Vậy, làm thế nào để phân biệt các loại bệnh trên?
Mục lục
Thế nào là viêm tử cung
Viêm tử cung là loại viêm nhiễm do vi khuẩn gây nên tại tử cung với nhiều hình thái khác nhau: có loại viêm cấp, có loại viêm mạn tính; có loại chỉ viêm khu trú ở niêm mạc, có loại vi khuẩn xâm lấn sâu vào lớp cơ tử cung.
Thế nào là viêm tử cung cấp tính
Viêm tử cung cấp tính thường do vi khuẩn xâm nhập ồ ạt vào tử cung nhân cơ hội thuận lợi như sau sẩy thay, phá thai (với dụng cụ không vô khuẩn), sau đẻ, thậm chí sau đặt vòng tránh thai nếu công việc này không đảm bảo vô khuẩn.
Viêm tử cung cấp cũng có thể do thiếu vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh giao hợp … tổn thương chủ yếu của viêm tử cung cấp ở lớp niêm mạc làm nó phù nề, dày lên, mủn nát và hóa mủ. Dịch, mủ và các tổn thương mủn nát của niêm mạc trở thành khí hư với mùi hôi hám khó chịu nhiều hay ít tùy loại vi khuẩn gây bệnh. Kèm ra khí hư như vậy, người bệnh còn thấy đau ở vùng bụng dưới và có thể sốt nhiều hay ít.
Viêm tử cung là loại viêm nhiễm do vi khuẩn gây nên tại tử cung với nhiều hình thái khác nhau
Thế nào là viêm tử cung mãn tính
Viêm tử cung mãn tính ít gặp hơn vì niêm mạc tử cung hàng tháng rụng đi trong lúc hành kinh. Bệnh thường là hậu quả của viêm niêm mạc tử cung cấp tính nhưng không được điều trị đến nơi đến chốn và cũng thường do các vi khuẩn đặc hiệu như vi khuẩn lao, vi khuẩn clamydia Trachomatis.
Triệu chứng của viêm niêm mạc tử cung mạn tính cũng là đau bụng âm ỉ, có khí hư lẫn mủ chảy từ tử cung ra. Có thể sốt nhẹ hoặc không sốt nhưng thường có rối loạn kinh nguyệt (kinh không đều, rong kinh, rong huyết, thống kinh).
Riêng với loại vi khuẩn Clamydia Trachomats, các triệu chứng để phát hiện bệnh rất ít và không rõ ràng nhưng loại vi khuẩn này lại gây dính, tắc ống dẫn trứng, có thể lan ra ổ bụng gây viêm dính tiểu khung và là thủ phạm trong nhiều trường hợp vô sinh do viêm nhiễm.
Viêm cơ tử cung
Viêm cơ tử cung thường do viêm niêm mạc trước đó không được điều trị, tiến triển nặng lên. Vi khuẩn xâm lấn hết bề dầy lớp niêm mạc rồi tiếp tục tấn công vào lớp cơ tử cung. Đây là loại nhiễm khuẩn rất nặng, thường hay gặp sau khi đẻ (nhiễm khuẩn hậu sản), nếu không điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
Người bệnh thường sốt cao, có những cơn rét run, người gầy sút, hốc hác rất nhanh do nhiễm khuẩn và độc tố của vi khuẩn. Bụng có thể trướng, nắn thấy tử cung to và rất đau. Khí hư thường có mủ lẫn máu mùi hôi thối. Từ tử cung vi khuẩn có thể lan vào máu gây nhiễm khuẩn máu, rồi từ máu làn đi khắp nơi gây các ổ nhiễm khuẩn ở phổi, ở thận, ở gan, ở não hoặc vào ổ bụng gây viêm phúc mạc. Tất cả các biến chứng đó đều rất dễ dàng làm chết người bệnh.
Viêm cơ tử cung khiến người bệnh thường sốt cao, có những cơn rét run, người gầy sút, hốc hác rất nhanh do nhiễm khuẩn và độc tố của vi khuẩn.
Phân biệt viêm tử cung với viêm âm đạo
Để phân biệt viêm tử cung với viêm âm đạo, thầy thuốc phải dựa vào tiền sử bệnh (sau sẩy, đẻ, quan hệ tình dục với người nghi ngờ, tình trạng giữ vệ sinh bộ phận sinh dục…), vào thương tổn tại chỗ và đặc biệt là nơi có khí hư chảy ra.
Viêm âm đạo là các viêm nhiễm ở phần ngoài, dễ điều trị khỏi. Còn viêm tử cung là những viêm nhiễm ở trong sâu, dễ gây các biến chứng nặng có thể chết người. Tuy vậy nếu viêm âm đạo không được phát hiện và điều trị đầy đủ thì vi khuẩn có thể ngược dòng đi lên gây viêm tử cung và còn có thể đi xa hơn nữa.
Viêm âm đạo và viêm tử cung do Clamydia Trachomatis còn được xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục và có thể truyền từ người đàn ông có mầm bệnh quan hệ tình dục với người phụ nữ.
Kết luận
Để phòng các bệnh về phụ khoa, chị em cần vệ sinh sạch sẽ phần phụ trong thời gian hành kinh, sau sinh nở…đặc biệt không nên có quá nhiều bạn tình, dùng bao cao su khi sinh hoạt tình dục…
Benh.vn