Phản ứng tái kích hoạt Herpes zoster – hay còn gọi là bệnh Zona – sau khi được tiêm vắc xin COVID-19 ở 6 bệnh nhân bị mắc các bệnh tự miễn hoặc bệnh lý viêm có thể là tác dụng bất lợi liên quan tới vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech mRNA, một báo cáo cho biết.
Tại hai trung tâm ở Israel, có 6 trường hợp bị Herpes zoster phát hiện sớm sau khi được cho tiêm vắc xin Covid-19 của Pfizer ở những bệnh nhân có các bệnh lý sẵn có như viêm khớp dạng thấp từ tháng 12 năm 2020, theo Victoria Furer, MD, Đại học Tel Aviv, và các cộng sự.
Tới nay, chúng ta vẫn còn biết rất ít về mức độ an toàn cũng như hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19 trong số những bệnh nhân bệnh thấp khớp, bởi vì những cá thể bị ức chế miễn dịch không được đưa vào trong các thử nghiệm lâm sàng ban đầu.
Theo đó, một nghiên cứu quan sát được tiến hành tại Trung tâm Y khoa Tel Aviv và Trung tâm Y khoa Carmel ở Haifa, theo dõi những tác dụng bất lợi sau khi tiêm vắc xin ở những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp, thoái hóa đốt sống, bệnh mô liên kết, viêm mạch, viêm cơ. Phân tích tạm thời này bao gồm 491 bệnh nhân và 99 chứng, các sự kiện được báo cáo trong suốt thời gian theo dõi 6 tuần sau khi tiêm vắc xin. Tỷ lệ mắc ở các bệnh nhân là 1.2% cao hơn so với nhóm chứng, Furer và các cộng sự báo cáo trong tạp chí Thấp khớp học.
“Chúng tôi không thấy có các ca nào bổ sung cho tới thời điểm này,” Furer đã phát biểu với MedPage Today. Tuy nhiên, “các hoạt động giám sát tiếp theo đối với tác dụng bất lợi tiềm tàng sau khi tiêm vắc xin Covid-19 ở bệnh nhân viêm khớp là rất cần thiết,” bà bổ sung.
Xem thêm nghiên cứu đầy đủ tại đây: Herpes zoster following BNT162b2 mRNA Covid-19 vaccination in patients with autoimmune inflammatory rheumatic diseases: a case series
Các ca bệnh được theo dõi
Ca thứ nhất là một phụ nữ 44 tuổi mắc hội chứng Sjogren, đang được điều trị với Hydroxychloroquine. Cô có tiền sử mắc Thủy đậu và chưa được tiêm chủng vắc xin thủy đậu. 3 ngày sau khi tiêm mũi vắc xin đầu tiên, cô bị phát ban trên da kèm theo ngứa, đau thắt lưng và đau đầu. Các triệu chứng đều cùng hết sau 3 tuần mà không cần điều trị gì, cô được tiêm mũi vắc xin thứ 2 sau mũi thứ nhất 4 tuần.
Trường hợp thứ hai là một phụ nữ 56 tuổi với tiền sử lâu dài mắc viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính được điều trị với các thuốc sinh học khác nhau và bệnh tình giảm với thuốc Tofacitinib (Xeljanz) từ năm 2014. Cô có lịch sử bị thủy đậu và chưa được chủng ngừa.
Sau mũi tiêm vắc xin thứ nhất, cô báo cáo tình trạng khó chịu và đau đầu, sau đó 4 ngày cô thấy rất đau ở mắt trái và phần trán, cùng với đó là nổi các nốt phân bổ quanh mắt dọc dây thần kinh sọ não số 5 – herpes zoster ophthalmicus (HZO). Khám đáy mắt phát hiện thấy bệnh nhân bị viêm kết mạc xung huyết gây viêm giác mạc. Bệnh nhân được sử dụng 2 tuần thuốc acyclovir và giảm đau, các triệu chứng giảm dần và rõ rệt sau 6 tuần. Trong 2 tuần, bệnh nhân ngưng thuốc Tofacitinib nhưng không bị phát bệnh viêm khớp. Bệnh nhân từ chối tiêm mũi vắc xin thứ 2.
Trường hợp thứ 3 là một phụ nữ 59 tuổi với viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính không đáp ứng với liệu pháp điều trị sinh học và baricitinib (Olumiant), nhưng 6 tháng trước đó cô bắt đầu được điều trị với upadacitinib (Rinvoq) cùng prednisone 5mg/ngày và đáp ứng một phần với điều trị. Bệnh nhân có tiền sử bị thủy đậu và được tiêm vắc xin sống giảm độc lực vào năm 2019.
Hai ngày sau khi tiêm mũi vắc xin Covid thứ 2, bệnh nhân báo cáo đau và có nổi mụn nước ở vùng bụng dưới, bẹn, mông, đùi và được cho thuốc valacyclovir. Thuốc kháng virus được uống trong 3 ngày nhưng sau đó ngưng dùng vì tác dụng phụ các mụn nước trên da tự lành trong 6 tuần.
Thuốc upadacitinib không được sử dụng trong thời gian bị Zona và bệnh nhân trải qua tình trạng tái phát viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng, đau đa khớp, sau đó cô phải sử dụng thuốc điều trị viêm khớp là etanercept (Enbrel)
Trường hợp thứ 4 là một phụ nữ 36 tuổi với tiền sử bị viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính kèm theo bệnh phổi kẽ. 2 năm trước bệnh nhân được điều trị với rituximab (Rituxan), mycophenolate mofetil (Cellcept), và prednisone liều 7mg/ngày. Bệnh nhân có tiền sử thủy đậu và chưa được tiêm vắc xin tái tổ hợp.
10 ngày sau khi tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên, bệnh nhân báo cáo đau và có mụn nước ở bụng và lưng dọc vùng da T10, và được cho sử dụng acyclovir trong 7 ngày. Các mụn nước giảm hết trong vòng 6 tuần, và bệnh nhân được tiêm mũi thứ 2 sau 4 tuần kể từ khi tiêm mũi thứ nhất. Bệnh nhân không thấy tác dụng bất lợi của vắc xin nữa và không bị phát bệnh viêm khớp.
Trường hợp thứ 5 là một phụ nữ 38 tuổi bị bệnh mô liên kết không biệt hóa và hội chứng kháng phospholipid đã được điều trị với thuốc aspirin và hydroxychloroquin. Bệnh nhân đã từng bị Thủy đậu và không tiêm vắc xin tái tổ hợp.
Hai tuần sau khi tiêm mũi vắc xin thứ nhất, bệnh nhân nổi mụn nước ngứa ở ngực phải và được cho sử dụng thuốc Acyclovir 1 tuần. Triệu chứng Zona được giải quyết trong 3 tuần và bệnh nhân được tiêm mũi vắc xin Covid-19 thứ 2 theo lịch trình mà không bị tác dụng phụ hay phát bệnh trở lại.
Trường hợp thứ 6 là một phụ nữ 61 tuổi với tiền sử viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính lâu năm, đã được điều trị với thuốc Tocilizumab (Acetemra) và prednisone 5mg/ngày tại thời điểm được tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên. Hai tuần sau đó, mụn nước xuất hiện ở vùng da T6, và bệnh nhân được cho sử dụng valacyclovir trong 1 tuần, các triệu chứng Zona hết trong 10 ngày.
Tuy nhiên, bệnh nhân đã báo cáo tình trạng viêm khớp tăng nhẹ và được tăng liều prednisone lên 7.5mg/ngày. Liều vắc xin thứ hai được tiêm không theo đúng lịch trình.
Mô hình và cơ chế gây tác dụng bất lợi của vắc xin Covid-19 mRNA
Furer và các cộng sự đã lưu ý rằng chưa có báo cáo về Herpes zoster trong các thử nghiệm lâm sàng của vắc xin COVID-19 mRNA, và do đó, với hiểu biết của nhóm nghiên cứu thì đây là những ca đầu tiên trong số các bệnh nhân với nền bệnh tự miễn, hoặc bệnh lý viêm.
Dạng bệnh tương đối nhẹ, không có bệnh nhân nào bị lan tỏa hoặc đau dây thần kinh sau khi mắc Herpes. Điều đáng lưu ý, các nhà nghiên cứu chỉ ra có một trường hợp bệnh nhân đã tiêm vắc xin tái tổ hợp 2 năm trước khi được chủng ngừa COVID-19.
“Miễn dịch trung gian tế bào đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa bệnh Zona tái phát. Tình trạng giảm miễn dịch qua trung gian tế bào theo tuổi tác hoặc theo thể bệnh có mối liên hệ với việc giảm tế bào T đặc hiệu với virus Varicella zoster, làm gián đoạn giám sát miễn dịch và tăng nguy cơ tái phát Zona, cùng với tuổi tác là tác nhân nguy cơ chính chiếm tới 90% trường hợp Zona,” các nhà nghiên cứu nhận xét. Tuy nhiên, các ca bệnh này nằm trong độ tuổi trung niên, trung bình 49 tuổi và có bệnh lý viêm khớp nhẹ, kéo dài.
Các tác nhân khác có thể liên quan. Ví dụ, nguy cơ Herpes zoster ở nhóm bệnh nhân thấp khớp cao hơn so với người khỏe mạnh, với tỷ lệ mắc gộp là 2.9% (95% CI 2.4-3.3). Thêm vào đó, nguy cơ trong nhóm bệnh nhân viêm khớp dạng thấp còn cao hơn gấp khoảng 2 lần so với nhóm dân cư phổ thông.
Các nguy cơ khác là mức độ hoạt động của bệnh và liều cao của prednisone được bệnh nhân sử dụng. Hơn nữa, nhóm bệnh nhân được điều trị với thuốc ức chế JAK như tofacitinib cũng có nguy cơ mắc herpes cao gấp 2 lần, trong số 6 trường hợp trên có 2 trường hợp dùng thuốc này.
COVID-19 bản thân nó cũng có mối liên hệ với các nốt Zona, điều này gợi ý rằng bệnh có thể cản trở sự hoạt hóa và chức năng của CD4+ và CD8+, điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch chống lại virus.
“Các cơ chế tiềm năng có thể giải thích mối liên hệ bệnh học giữa vắc xin mRNA-COVID-19 và tái phát Zona là sự kích thích miễn dịch bẩm sinh thông qua các thụ thể giống toll (toll-like receptors),” các nhà nghiên cứu viết.
Họ cũng lưu ý rằng vắc xin có thể kích thích interferons tuýp I và cytokines làm ảnh hưởng tới khả năng biểu hiện kháng nguyên.
Một hạn chế của phân tích này là chẩn đoán Herpes zoster được thực hiện chỉ trong môi trường lâm sàng. Với một số lượng mẫu nhỏ, không thể khẳng định có thể suy đoán với các trường hợp thông thường khác.