Chúng ta có thể cảm giác được một làn gió mát trong ngày hè oi bức mà không cần nhìn thấy nó hay cảm giác thật ấm áp bên bếp lửa hồng giữa đêm đông giá rét,… Có cái cảm giác đó chính là nhờ chiếc “áo da người”.
Da đúng là một cơ quan cảm giác quan trọng, chẳng thế mà Páp-lốp – nhà sinh lí học người Nga cho rằng da là “cơ quan phân tích ngoại vi kì diệu”. Nhờ da, con người có những cảm giác thật khác nhau: tiếp xúc, sức ép, nóng, lạnh, đau đớn,…
Khả năng cảm nhận tuyệt vời của làn da
Cảm giác của da rất nhạy. Bạn hãy thử hơ tay lên ngọn lửa xem, bạn sẽ thấy rất nóng và sẽ rụt tay lại ngay. Vào mùa đông, khi sờ tay vào một cục đá thì ta sẽ thấy lạnh thấu xương. Và khi vô tình giẫm chân phải cái gai hay một vật gì đó chúng ta lập tức thấy được cảm giác đau đớn và phản ứng của cơ thể là rụt lại ngay.
Tất cả những hiện tượng mà chúng ta cảm nhận được đó xảy ra là vì trên da có rất nhiều bộ phận cảm thụ xúc giác (chúng là những đầu mút thần kinh rất nhỏ bé nằm xen kẽ các chân lông). Những đầu mút thần kinh này nằm rải rác trên các phần của da, chúng nằm nhiều nhất là ở đầu các ngón tay, đầu lưỡi, quanh môi, đầu mũi, rồi đến má, mí mắt, vòm họng…
Con người có thể phân biệt nhưng cảm giác nóng, lạnh khác nhau trong phạm vi nhiệt độ 2 độ C – 45 độ C. Ngoài phạm vi nhiệt độ này chúng ta không còn phân biệt rõ được nóng hay lạnh nữa mà chỉ còn cảm giác đau, rát.
Tuy nhiên khả năng cảm nhận này còn tuỳ thuộc và mỗi con người. Có người thấy nóng nhiều, lạnh nhiều có người thấy nóng ít, lạnh ít. Sự tinh tế của các cơ quan xúc giác còn do rèn luyện. Đặc biệt có những người còn phân biết được cả màu sắc và chữ viết bằng đầu ngón tay.