Bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp ồ ạt nhập viện, bệnh viện quá tải nên cuống cuồng đẩy bệnh nhi ra ngoài điều trị ngoại trú. Tình trạng này còn dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp hơn vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 tới. Các bệnh viện nhi ở TP.HCM đang phải căng mình “chịu đựng”.
Mục lục
Do quá tải bệnh nhi nội trú phải chuyển sang điều trị ngoại trú
Trong những ngày qua, sức chứa của khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1,TP.HCM với gần 200 giường bệnh được xem là khoa có số lượng giường bệnh nhiều nhất ở bệnh viện này gần như đã “tung cờ trắng”. Các bệnh nhi nằm lúc nhúc 4 đến 5 trẻ/giường, nằm la liệt từ hành làng đến cầu thang không còn một chỗ chen chân.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn- Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 tỏ ra khá lo lắng trước tình hình bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp nhập viện đông như vậy.
Cơ sở vật chất có hạn
Bác sĩ Tuấn cho biết, khoa chỉ có gần 200 giường bệnh, kể cà giường dịch vụ nhưng bệnh nhi nội trú lên đến trên 400, nên phải nằm ghép giường. Ngay cả phòng cấp cứu dành cho bệnh nhi nặng của khoa này, bệnh nhi cũng phải nằm 2 đến 3 trẻ/giường. “Khoa chỉ có 2 phòng cấp cứu, khoảng 14 giường, nhưng hiện tại có hơn 40 bệnh nhi nặng phải nằm điều trị. Nếu không nằm ghép 2 đến 3 trẻ/giường thì không còn biết lấy đâu ra chổ”, bác sĩ Tuấn phân trần.
Những ngày này các khoa hô hấp ở Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 không chỉ quá tải trong phòng điều trị mà còn quá tải ở cả hàng lang và cầu thang của bệnh viện.
Một không khí ngột ngạt, nóng bức, con đường dẫn từ cầu thang bộ dưới tầng trệt lên đến tầng 3 của khoa hô Hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, không còn một chỗ chen chân. Bệnh nhi và người nhà bệnh nhi nằm la liệt, kín mít cả hàng lang và chân cầu thang.
Theo một điều dưỡng của khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, do bệnh nhi đông quá, bệnh viện đã phải “đẩy” cả trăm bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp lẽ ra phải điều trị nội trú nhưng do nhẹ hơn sang điều trị ngoại trú.
Dù đã cố gắng khắc phục
Tuy nhiên, đường vào khoa Hô hấp đang bị ken cứng, các bậc phụ huynh rất khó khăn để mỗi ngày đưa trẻ đến đây khám, tiêm thuốc sẽ gây nên tình trạng ùn tắc. Do đó, khoa Hô hấp đã cắt cử một số bác sĩ, điều dưỡng ra tận phòng khám trực tiếp khám, tiêm thuốc luôn tại đây, thay vì bệnh nhi phải vào bên trong khoa để khám và tiêm thuốc.
“Đành rằng, đây là thời điểm vào mùa của các bệnh về đường hô hấp, nhưng chưa năm nào bệnh lại đông đến như vậy. Đợt cao điểm của dịch bệnh về đường hô hấp năm ngoái được xem là có số lượng cao nhất chưa từng có cũng chỉ khoảng 300 bệnh nhi điều trị nội trú, nhưng hiện nay con số này đã lên đến trên 400 bệnh nhi. Thật không thể tin nổi”, bác sĩ Tuấn lo lắng.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, cao điểm của các bệnh về đường hô hấp thường vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Do đó, tiên lượng các bệnh về hô hấp sắp tới sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều, đặc biệt là bước vào năm học mới. Nhiều trẻ mắc bệnh khi đi học sẽ lây lan cho những trẻ khác trong lớp, khiến cho tình hình dịch bệnh này càng trở nên khó lường hơn bao giờ hết.
Bệnh đường hô hấp gia tăng đột biến là do thời tiết thay đổi
Chia sẻ của các phụ huynh
“Do cháu sinh thiếu tháng, lại không có sữa mẹ, nên thời tiết thay đổi là cháu hay ho, nhất là những lúc mưa nắng thất thường. Nhưng mấy lần trước, cứ mỗi lần bị ho, gia đình đưa đến khám bác sĩ tư gần nhà, uống thuốc khoảng 1 tuần là cháu hết bệnh, lần này uống thuốc cả tuần chẳng thấy giảm, vẫn cứ ho khù khụ cả đêm”
Đang loay hoay làm thủ tục nhập viện cho con trai là cháu Nguyễn Công Hậu (2 tuổi, ngụ ở quận 12, TP.HCM) chị Hồng cho biết, mấy ngay qua cháu ho dữ dội, gia đình đưa đến phòng khám tư, bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm tiểu phế quản. Bác sĩ cho thuốc uống gần cả tuần nhưng không thấy thuyên giảm. Gia đình lo quá, đến đây khám, bác sĩ cho chụp X. quang phổi phát hiện cháu bị viêm phổi đề nghị nhập viện.
Bà Dung ngồi ôm đứa cháu nội Nguyễn Thu Thủy (16 tháng tuổi, quê ở Sóc Trăng) trong lòng, còn tay quạt quạt cho cháu bớt nóng, bà phân bua:“Cháu bị chẩn đoán viêm phổi và sốt đã vào Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị được 5 ngày. Hôm qua cháu đã hết sốt, nhưng sao không biết sao từ sáng đến giờ cháu bị sốt trở lại, thỉnh thoảng lại co giật mình, bụng cháu lại có dấu hiệu không tiêu”.
Theo bà Dung, cháu gái của bà từ ngày sinh ra đến nay rất ít bị bệnh, chỉ ho, sổ mũi mua thuốc bên ngoài uống là hết. Không biết sao giờ lại lại bệnh nặng thế.“Tui lo quá, không biết sao, cháu cứ trở đi trở lại”, bà Dung nói với giọng buồn buồn.
Ý kiến của bác sĩ
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, hiện nay thời tiết lúc nắng, lúc mưa kết hợp với độ ẩm trong không khí cao. Đây chính là điều kiện thuận lợi để vi rút, vi khuẩn phát triển. Trong khi đó, trẻ em sức đề kháng kém, việc thích nghi với thời tiết như trên rất yếu. Trong thời điểm này những trẻ sơ sinh, trẻ mắc một số bệnh mạn tính (gan, tim mạch, hen suyễn, bại não…) càng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp và bệnh cũng nặng hơn.
….Và tình trạng bệnh nhi nằm dày đặc ở hành lang, cầu thang
Khuyến cáo cho các phụ huynh về môi trường
Trước tình hình dịch bệnh về các đường hô hấp đang bùng phát dữ dội, có nguy cơ tiếp tục tăng lên. Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, trước mắt các bậc phụ huynh cần bảo vệ trẻ không bị tác động bởi thời tiết xấu như hiện nay, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mắc các bệnh mạn tính.
Các phụ huynh lưu ý, khi trời mưa phải mặt quần áo ấm để bé tránh bị gió lùa; còn khi trời nóng nên sử dụng máy lạnh, máy quạt hợp lý để không bị tác động xấu của việc sử dụng máy lạnh, máy quạt. Trong trường hợp không cần thiết không nên cho trẻ ra đường khi trời đang chuyển mưa, nếu lỡ gặp mưa tốt nhất nên trú mưa hơn là mặt áo mưa về nhà.
Bảo vệ các con bằng những thói quen đơn giản
Bên cạnh đó, cần tăng cường rửa tay. Việc rửa tay không chỉ phòng ngừa các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy… mà còn ngừa được cả bệnh hô hấp.
“Con đường lây lan chính của các mầm bệnh là từ bàn tay bị nhiễm bẩn. Nếu làm tốt việc rửa tay thì sẽ giảm nguy cơ bị viêm phổi, giảm nguy cơ viêm tiểu phế quản. Đây là 2 bệnh liên quan về đường hô hấp có số lượng trẻ nhập viện cao nhất hiện nay. Đặc biệt, tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người lớn khi bị ho, cảm thông thường. Bệnh viêm tiểu phế quản lây lan rất nhiều ở người lớn, nhưng người lớn chỉ bị cảm ho nhẹ. Nếu lây cho trẻ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi thì chắc chắn 90% trẻ sẽ bị viêm tiểu phế quản. Riêng những trẻ mắc các bệnh mạn tính, bệnh sẽ nặng hơn và nguy hiểm hơn ”, bác sĩ Tuấn nói.
Bên cạnh việc thực hiện các phòng ngừa trên, bác sĩ Tuấn cũng khuyến cáo, trong thời điểm này nên cho trẻ ăn nhiều rau quả để tăng thêm sức đề kháng. Về lâu dài phải thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đảm bảo đủ dinh dưỡng, nhưng không bị béo phì để trẻ có đủ khả năng đề kháng các bệnh, trong đó có các bệnh về đường hô hấp cấp tính, đặc biệt là bệnh viêm phổi cấp và bệnh viêm tiểu phế quản cấp.
Benh.vn (Theo Motthegioi)