Bệnh lý nguyên bào nuôi do thai nghén (Gestational Trophoblastic Disease: GTD) là một thuật ngữ chỉ một nhóm bệnh lý xuất phát từ tế bào nhau thai phát triển bất thường gây nên bao gồm: Thai trứng toàn phần, Thai trứng bán phần, Thai trứng xâm nhập, Ung thư nguyên bào nuôi, U nguyên bào nuôi tại vị trí nhau bám.
Năm 2000 FIGO và IGCS họp tại Wasington DC thống nhất dùng thuật ngữ bệnh lý tăng sản nguyên bào nuôi (Gestational Trophoblastic Neoplasia: GTN) để chỉ nhóm bệnh lý nguyên bào nuôi ác tính thay thế cho các thuật ngữ cũ (Chorioadenoma destruens, Metastasizing mole và Choriocarcinoma).
Bệnh lý nguyên bào nuôi do thai nghén (ảnh minh họa)
Tỷ lệ thai trứng thay đổi theo chủng tộc, vùng địa lý khác nhau. Tỷ lệ thai trứng ở Mỹ khoảng 1/1500 – 1/2000 phụ nữ có thai, thai trứng bán phần chiếm khoảng 10%, tỷ lệ tiến triển thành thai trứng xâm nhập sau thai trứng toàn phần khoảng 10 – 15 %, tỷ lệ tiến triển thành ung thư nguyên bào nuôi khoảng 1/40 sau thai trứng, 1/150000 sau đẻ. Ở châu Âu tỷ lệ thai trứng 1/1000 phụ nữ mang thai, thai trứng xâm nhập 1/12000, ung thư nguyên bào nuôi là 1/40000. Tại Trung Quốc tỷ lệ thai trứng 0,78 -0,81/1000 phụ nữ có thai, tỷ lệ này đặc biệt cao ở phía nam Trung Quốc. Tại Nhật Bản tỷ lệ thai trứng 3,05/1000 phụ nữ có thai.
Khoảng trên 80% các trường hợp sau hút thai trứng sẽ trở về bình thường, trong khoảng 20% còn lại nguyên bào nuôi tiếp tục phát triển xâm lấn cơ tử cung (thai trứng xâm lấn: invasion mole), hoặc kèm theo di căn các cơ quan khác (ung thư nguyên bào nuôi: choriocarcinoma).
Tỷ lệ thai trứng biến thể thành bệnh lý nguyên bào nuôi ác tính thay đổi theo từng tác giả. Theo Novak 5%, Robert – Palmer 10%, Kisner 2,5%. Ở Việt Nam ung thư nguyên bào nuôi chủ yếu gặp sau thai trứng chiếm 93%, sau sẩy thai và thai lưu 7%.
Những khối u này có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng hóa trị liệu, ngay cả giai đoạn đang tiến triển. Hiện nay có thể điều trị khỏi hoàn toàn 100% các trường hợp nguy cơ thấp, trên 90% các trường hợp nguy cơ cao. βhCG là chất chỉ điểm sinh học có giá trị trong chẩn đoán và theo dõi và tiên lượng điều trị.
ThS. BS Võ Xuân Phúc – Trưởng khoa Phụ – Ung bướu