Than hoạt tính là một loại thuốc rẻ tiền nhưng là loại thuốc đặc biệt để điều trị ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc nấm độc. Tuy nhiên, sử dụng than hoạt tính khi bị ngộ độc thực phẩm như thế nào? Những lưu ý khi sử dụng than hoạt tính ra sao? Chúng ta sẽ cùng Benh.vn tìm hiểu vấn đề này.
Mục lục
Tìm hiểu về than hoạt tính
Than hoạt tính là sản phẩm của quá trình hoạt hóa than bằng những loại khí có tính oxy hóa mạnh ở nhiệt độ cao và được điều khiển chặt chẽ.
Than hoạt tính được biết đến rộng rãi với vai trò là một chất khử độc do nó có thể hấp thụ hầu hết những chất độc hữu cơ, các hóa chất trước khi chúng làm tổn hại đến cơ thể.
Than hoạt tính được dùng trong các bệnh viện để điều trị các trường hợp ngộ độc, ngộ độc thực phẩm trong trường hợp bệnh nhân nuốt phải hoặc bị hấp thụ bất kỳ loại hóa chất nào.
Than hoạt tính dùng để khử độc cho cơ thể.
Cách sử dụng than hoạt tính khi bị ngộ độc
Nguyên tắc sử dụng than hoạt tính
+ Sử dụng than hoạt tính càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 1-3 giờ sau khi chất độc được đưa vào cơ thể (thuốc sẽ không còn tác dụng khi chất độc đã ngấm vào máu). Vì vậy, khi nghi ngờ ăn phải chất độc, cần uống thuốc ngay.
+ Than hoạt tính không độc nhưng cần cẩn trọng với những tác dụng phụ của thuốc, vì vậy cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
+ Không nên lạm dụng than hoạt tính vì có thể gây táo bón, buồn nôn, nôn mửa.
Sử dụng than hoạt tính khi bị ngộ độc thực phẩm cấp tính do vi sinh vật và độc tố
+ Khi phát hiện người bị ngộ độc do vi sinh vật và độc tố, cho người bị ngộ độc uống than hoạt tính ở dạng viên nén nhai, viên nang, viên bao đường.
+ Liều dùng từ 62,5- 125 mg/1 lần x 2-3 lần/ngày (sau bữa ăn) trong 4 – 5 ngày. Trường hợp ăn khó tiêu có thể dùng 125mg/1 lần x 2-3 lần/ngày.
Sử dụng than hoạt tính khi bị ngộ độc thực phẩm cấp tính do hóa chất
+ Cho người bị ngộ độc dùng thuốc ở dạng bột mịn hoặc dạng nhũ dịch.
+ Liều dùng ở dạng bột mịn: hòa 50 gam trong 250 ml nước sau đó lắc kỹ trước khi uống, (có thể dùng ống thông dạ dày). Trẻ em dùng 1g/kg thể trọng, trường hợp nặng có thể lặp lại 4-6 giờ.
+ Liều dùng dạng nhũ dịch: người lớn là 200 ml, trẻ em 100 ml (lượng dùng theo chỉ định của bác sỹ tùy vào mức độ ngộ độc).
Than hoạt tính dùng để điều trị ngộ độc thực phẩm
Sử dụng than hoạt tính khi bị ngộ độc thực phẩm do nấm độc
+ Liều dùng người lớn 1g/kg thể trọng, trẻ em 1-2 g/kg thể trọng. Trường hợp nặng cho uống than hoạt tính nhiều lần (3- 4 giờ/1 lần).
+ Bổ sung sorbitol – thuốc nhuận tràng (người lớn 6 gói, trẻ em 2-4 gói) trong vòng 3 đến 5 ngày.
Những lưu ý khi sử dụng than hoạt tính
+ Không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi.
+ Không dùng trong trường hợp bệnh nhân hôn mê sâu, đang cơn co giật, người uống phải xăng dầu, các hóa chất có sắt, axit hay kiềm mạnh..
+ Không uống than hoạt tính cùng một lúc với các thuốc khác (uống cách nhau khoảng 2 giờ), do thanh hoạt tính có thể hấp phụ loại thuốc dùng chung, dẫn đến làm giảm sự hấp thu thuốc vào máu và làm thuốc kém tác dụng.
+ Không dùng than hoạt tính thường xuyên và lâu dài (trong đường tiêu hóa than hoạt tính không chỉ liên kết các chất độc mà còn làm giảm tác dụng của nhiều chất có lợi trong cơ thể như các men, vitamin, acid amin…)
Không uống than hoạt tính cùng một lúc với các thuốc khác
Lời kết
Than hoạt tính không chỉ là hóa chất dùng trong công nghiệp, các thiết bị máy móc, mà còn có nhiều ứng dụng trong mỗi gia đình như để lọc nước, lọc không khí, làm mỹ phẩm…Đặc biệt than hoạt tính còn là một loại thuốc để điều trị ngộ độc thực phẩm, ngộ độc nấm độc…
Tuy nhiên, khi sử dụng than hoạt tính để điều trị ngộ độc, người bệnh cần uống than hoạt tính càng sớm càng tốt, không uống than hoạt tính cùng một lúc với các thuốc khác, không cho trẻ em dưới 2 tuổi uống than hoạt tính, không lạm dụng than hoạt tính và phải theo sự chỉ định của bác sĩ.
Benh.vn