Căn cứ những điểm tương đồng giữa người và heo về DNA và hệ tiêu hóa, trước đây đã có quốc gia đề xuất sử dụng nội tạng lợn vào cơ thể người nhưng chưa nhận được sự đồng thuận. Mới đây, Mỹ tiếp tục phát kiến tạo bạo này bởi đây là một hướng đi khả thi đối với loài người trong cấy ghép tạng.
Mục lục
Nguồn tạng cấy ghép khan hiếm
Theo cơ quan quản trị dịch vụ và nguồn lực y tế, tại Mỹ có hơn 118.000 người đang chờ được cấy ghép nội tạng và khoảng 22 người tử vong mỗi ngày vì không có bộ phận cấy ghép kịp thời.
Thống kê trong năm 2016, số ca cấy ghép lên tới 33,500 ca. Do đó, việc đưa nội tạng lợn vào cơ thể người tạo một bước đột phá cho ngành cấy ghép.
Ý tưởng đưa nội tạng lợn vào cơ thể con người
Công ty sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới – Smithfield đã đưa ra một phát kiến táo bạo về sứ mệnh của lợn đối với ngành y học bằng cách cấy ghép các cơ quan của chúng vào cơ thể con người.
Mặc dù chưa có thí nghiệm thành công trong việc cấy ghép một cơ quan của loài vật này vào con người vì để sử dụng các bộ phận như tim, phổi vào việc cấp ghép, các nhà khoa học cần điều chỉnh một số mã gen. Tuy nhiên, những đột phá khoa học gần đây và công nghệ tiên tiến như công cụ chỉnh sửa gen cho phép hỗ trợ cải thiện những khó khăn này.
Trên Business Insider, Courtney Stanton, Phó Chủ tịch của Smithfield Bioscience chia sẻ rằng, họ hy vọng có thể sử dụng những bộ phận thường bị lãng phí như tim, phổi để phát triển các cơ quan cho con người.
Tháng 4, Smithfield đã tham gia vào một liên hiệp tư nhân và nhà nước về kỹ thuật mô, được tài trợ bởi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ với trị giá 80 triệu đô la Mỹ. Công ty này cũng thành lập một phòng ban riêng biệt gọi là Smithfield Bioscience để giám sát các dự án y tế.
Mỗi năm, Smithfield tiêu thụ 16 triệu con lợn, và hy vọng sẽ bắt đầu bán các bộ phận lợn trực tiếp cho các nhà nghiên cứu cũng như các công ty y dược để tiến hành nghiên cứu về việc cấy ghép nội tạng lợn.
Stanton đánh giá, dựa trên các điểm tương đồng giữa người và heo về DNA và hệ tiêu hóa, công ty sẽ sớm lên kế hoạch nghiên cứu khả năng cấy ghép tương thích của da cũng như các bộ phận còn lại.
Khó khăn và những thách thức
Mặc dù cấy ghép nội tạng lợn là hướng đi khả thi nhưng việc làm này gặp khó khăn lớn nhất khi nguồn gen của chúng có mã hoá với virut và có thể truyền bệnh cho người. Thách thức thứ hai là cơ chế miễn dịch – nếu bác sĩ đưa một cơ quan của lợn vào cơ thể người, hệ thống miễn dịch có thể từ chối cơ quan này và đào thải nó.
Tại thị trường Mỹ, các sản phẩm từ lợn – sử dụng cho y tế, thức ăn thú nuôi và các mục đích khác không liên quan đến thực phẩm – có giá trị hơn 100 tỷ đô la Mỹ. Và hầu như các sản phẩm được Smithfield cung ứng được sử dụng để làm thành phần trong các loại thuốc điều trị các tình trạng như khó tiêu và suy giáp.
Cụ thể, công ty này cung cấp màng nhầy (màng ruột của lợn) cho các công ty dược phẩm để tạo ra Heparin, chất làm loãng máu ngăn ngừa đông máu trong các cuộc giải phẫu. Tuy nhiên, các bộ phận này vẫn chưa được sử dụng để phát triển tế bào người.
Ngoài Smithfield thấy được tiềm năng về việc kỹ thuật cấy ghéo nội tạng lợn, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực sinh học – Egenesis – cũng vừa kêu gọi được nguồn vốn tới 38 triệu đô la Mỹ vào tháng 3, nhằm phát triển một công cụ chỉnh sửa gien để làm cho các cơ quan lợn có thể cấy ghép được.
Tương tự, Revivicor một công ty chuyên nghiên cứu về công nghệ tái tạo cũng đang nuôi lợn giống có một số điểm tương đồng về gen với con người tại một trang trại ở Virginia. Nhóm nghiên cứu này đã bổ sung 5 gen người vào gan, thận và tim của lợn.
Được biết, đây không phải lần đầu Smithfield tham gia vào lĩnh vực y học. Trước đây, công ty này đã từng hợp tác với các tổ chức y tế cung cấp tuyến tụy, tuyến gan cho mục đích nghiên cứu y học. Do đó, trong tương lai, Smithfield sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào nghiên cứu với hy vọng cung cấp các yếu tố giúp tạo ra nhiều loại cấy ghép nội tạng và các giải pháp phục hồi tổn thương.
Benh.vn (Theo khampha.vn & Science Alert)