Bệnh dại là một bệnh virus nguy hiểm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Bệnh lây qua nước bọt của động vật bị nhiễm, thường là do bị cắn. Triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 1 – 3 tháng sau khi nhiễm virus. Khi đã lên cơn dại bệnh nhân hầu như chắc chắn sẽ tử vong.
Mục lục
Khi bị chó mèo cắn ta có thể đi tiêm phòng ngay lặp tức sẽ an toàn cho sức khỏe nhưng cũng không ít trường hợp chúng ta còn phân vân vậy chúng ta sẽ làm gì trong những trường hợp này? Cần làm gì để phát hiện bệnh dại?
Theo dõi chó
Theo dõi chó sau khi cắn là quan trọng nhất để phát hiện bệnh dại
Chó vẫn sống hay bề ngoài vẫn khoẻ mạnh
Cần phải tiến hành việc theo dõi và không được giết chó trong bất kỳ trường hợp nào. Nếu chó đang trong thời gian ủ bệnh thì các triệu chứng sẽ xuất hiện thường là khoảng 2 ngày sau nhưng có thể lâu hơn. Có thể tiến hành xét nghiệm mô não của con vật để xem nó có bị dại không. Khi xuất hiện những biểu hiện đầu tiên của bệnh, chúng ta sẽ bước sang trường hợp thứ hai.
Chó bị bệnh dại
Dựa vào những triệu chứng lâm sàng để kết luận. Đối với thể bại liệt, con vật thường bị bại liệt phần thân sau hay bại hàm. Còn đối với thể dại điên cuồng, con vật có những cơn hung dữ, chảy nhiều nước bọt và tiếng sủa khan. Con vật sẽ chết 2 – 3 ngày sau đó. Khi đó chúng ta sẽ gặp trường hợp thứ 3.
Chó đã chết
Lấy mẫu là những phần ở não để tiến hành xét nghiệm.
Hiện nay có 3 phương pháp thông dụng nhất để chẩn đoán xét nghiệm bệnh dại, đó là phương pháp miễn dịch huỳnh quang, phương pháp tiêm truyền trên động vật thí nghiệm và phương pháp giải phẫu bệnh.
Phương pháp xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang tìm virus dại
Miễn dịch huỳnh quang giúp tìm virus Dại
Phương pháp này gồm có các bước sau: đánh dấu kháng thể bằng một chất nhuộm màu là fluorochrome, làm cho kháng thể phản ứng với kháng nguyên đặc hiệu (nếu hiện diện) và sau đó quan sát dưới kính hiển vi huỳnh quang. Một chất được gọi là có tính huỳnh quang, nếu sau khi hấp thu năng lượng ánh sáng ở một độ dài sóng nào đó, sẽ phát ra ánh sáng ở một độ dài sóng khác.
Trong trường hợp của bệnh dại, khi kháng nguyên kết hợp với kháng thể được đánh dấu bằng isothiocynat fluoroxin (là một chất nhuộm màu được sử dụng nhiều nhất) sẽ thấy xuất hiện những tiểu phần phát sáng màu xanh của quả táo hoặc vàng xanh lá cây nhạt trên một nền đen. Nền đen này có thể chứa hoặc không chứa vật có tính huỳnh quang không đặc trưng. Tính chất và đậm độ của màu sắc có thể thay đổi tuỳ theo việc sử dụng các loại kính lọc màu khác nhau.
Hiện nay, phương pháp miễn dịch huỳnh quang là một phương pháp cho kết quả chẩn đoán xét nghiệm nhanh nhất (có thể chỉ vài giờ sau khi nhận mẫu) và chính xác nhất (98 – 99,4%) so với các phương pháp khác. Do đó phương pháp này cần được sử dụng trong tất cả các phòng xét nghiệm chuyên về bệnh dại.
Phương pháp tiêm truyền qua động vật thí nghiệm
Ngày nay người ta thường sử dụng chuột bạch để chẩn đoán xét nghiệm bệnh dại. Một số phòng xét nghiệm sử dụng chuột con mới đẻ, còn một số phòng thí nghiệm khác thì dùng chuột lẻ bầy. Bệnh phẩm là não của con vật nghi dại được lấy ở các phần sau sừng Ammon, hai bên bán cầu não và tiểu não. Bệnh phẩm phải được lấy từ những con vật nghi dại vừa mới chết hoặc chế chưa quá 24 giờ và phải được ướp đá kỹ lưỡng. Đối với con vật lớn có thể cắt lấy đầu còn với con vật nhỏ phải để nguyên con và trong cả 2 trường hợp phải giữ cho hộp sọ còn nguyên vẹn.
Não sau khi lấy ra khỏi hộp sọ phải cho ngay vào dung dịch Glycerin để bảo quản. Tại phòng xét nghiệm, não phải được lấy ra để rửa sạch, đem nghiền nát và xử lý kháng sinh để diệt vi trùng tạo nhiễm. Sau đó tiêm huyền dịch đã pha vào não của chuột bạch con với liều lượng là 0,02 ml cho mỗi con và tiến hành theo dõi trong một thời gian tối thiểu là 4 tuần.
Nếu trong bệnh phẩm có chứa virus dại thì sau một thời gian nung bệnh 10 – 15 ngày, chuột sẽ có những biểu hiện mắc bệnh. Những dấu hiệu thường thấy là bỏ ăn, xù lông, phản ứng có phần chậm chạp hoặc hốt hoảng thái quá khi khua động bocal, khả năng vận động lanh lợi của chuột đã mất thăng bằng và ngã xuống. Biểu hiện này xảy ra trong vòng 1 – 2 ngày. Sau đó chuột sẽ bị bại liệt, bắt đầu là 2 chân sau, kế đến lan dần ra toàn thân. Chuột nằm nghiêng, co giật mạnh, co rúm thân mình lại khi dùng panh chạm vào thân hay gõ vào thành bocal. Ban đầu chuột còn thở mạnh, sau đó thoi thóp và cuối cùng chuột sẽ chết. Giai đoạn từ khi bị bại liệt đến lúc chết thường trong vòng 1 – 2 ngày. Tuy nhiên biểu hiện bại liệt có thể xuất hiện trong một thời gian rất ngắn hay không xuất hiện tức là chuột sẽ bị chết đột ngột.
Nếu trong 4 tuần theo dõi, chuột tiêm không có biểu hiện nào bất thường thì sẽ kết luận âm tính, bệnh phẩm không chứa virus dại.
Mức độ chính xác của phương pháp này khá cao: 98,3 – 98,79%, tương đương với phương pháp miễn dịch huỳnh quang. Theo các chuyên gia về bệnh dại của Tổ chức Y tế Thế giới, ở các phòng xét nghiệm có trình độ chuyên môn cao, sự tương đồng về các kết quả của phương pháp này gần như đạt đến 100%. Với phương pháp tiêm truyền trên động vật thí nghiệm, còn giúp phát hiện đến 20% các trường hợp sai sót của phương pháp giải phẫu bệnh thể Negri.
Phương pháp giải phẫu bệnh
Giải phẫu bệnh tìm thể Negri trong não động vật nghi ngờ bị bệnh
Dùng để phát hiện thể Negri – là bệnh tích đặc trưng của bệnh dại, nhờ một chất nhuộm màu thích hợp. Thuốc nhuộm của Sellers, Giemsa được sử dụng rộng rãi và tỏ ra khá tốt. Dù có sử dụng loại thuốc nhuộm nào, cũng phải chú ý tránh để không nhầm lẫn thể Negri với các thể ẩn nhập của những bệnh do virus khác hay với những vật thể khác. Sự phân biệt này rất tế nhị nên cần đến một người làm công tác xét nghiệm có trình độ chuyên môn cao.
Với phương pháp này, có thể cho kết quả chẩn đoán dương tính trong vòng vài ngày. Trong trường hợp kiểm tra thể Negri âm tính, cần tiếp tục tiến hành các phương pháp chẩn đoán khác như phương pháp miễn dịch huỳnh quang và phương pháp tiêm truyền trên động vật thí nghiệm. Ngày nay, có nhiều kỹ thuật giải phẫu học chẩn đoán nhanh dựa vào việc sử dụng những coupe đông lạnh, nhưng việc sử dụng phương pháp này ngày càng ít đi vì hiện tại phương pháp chẩn đoán nhanh chính là kỹ thuật huỳnh quang. Tuy vậy, phương pháp này vẫn còn có ích nếu mô não bị mềm và nếu muốn giữ lâu để nghiên cứu.
Mức độ chính xác của phương pháp này vào khoảng 65,8 – 75,4%.
Điều trị bệnh dại
Điều trị bệnh sau khi tiếp xúc với động vật nghi dại gồm tiêm 1 liều huyết thanh kháng dại và 5 liều vaccin phòng dại trong thời gian 28 ngày. Huyết thanh kháng dại và liều vaccin đầu tiên cần được tiêm càng sớm càng tốt sau khi có tiếp xúc. Huyết thanh kháng dại sẽ được tiêm vào vùng quanh vết cắn và vaccin được tiêm vào bắp tay.
Tìm hiểu thêm: Đặc điểm và triệu chứng của bệnh Dại
Benh.vn (Theo ykhoa.net)