Tại Việt Nam, tùy địa phương chuột được chế biến thành nhiều món ăn theo phong tục và sở thích của người dân ở đó. Khi chuột trở thành đặc sản, rất nhiều thợ săn chuột không đủ hàng để cung cấp đã đi săn chuột cống chuyển đến nhà hàng chế biến thành chuột đồng. Những người ưa khám phá, thích những món ăn lạ và trót nghiện thứ đặc sản này ít ai ngờ được rằng họ đang nhậu chuột cống và phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh dịch hạch và nhiều thứ bệnh khác.
Mục lục
Tìm hiểu về thịt chuột
Đặc điểm thịt chuột đồng
Thịt chuột đồng có màu trắng và thơm ngon như thịt gà, được sử dụng như một nguyên liệu chính, kết hợp với các phụ gia để chế biến nhiều món ăn từ đơn giản đến cầu kỳ.
Các món ăn được chế biến từ thịt chuột
Các món ăn thịt chuột đặc biệt về hương vị và cách thức thực hiện có thể được liệt kê: chuột xắt miếng to khìa nước dừa và sả ớt, chuột xào sả ớt, chuột ram mặn với muối, chuột xào lá cách, chuột nấu canh chua, chuột ướp sả nướng, chuột băm nhỏ xào lá quýt, chuột xào lá mò om cuộn bánh tráng nướng, chuột xào bầu, chuột luộc rắc lá chanh thái chỉ, chuột nấu giả cầy, chuột xào chua ngọt, chuột sốt cà chua, chuột ướp tỏi ớt kẹp lá chanh nướng, tiết canh chuột, chuột ướp lá lốt phơi hay sấy khô tương tự món bò khô hay mực khô, chuột ướp hành tỏi bỏ lò, chuột xào lăn, chuột làm mắm, chuột nấu đông, chuột bao tử hấp thuốc bắc.
Chế biến thịt chuột
Chuột bắt về thường được sơ chế bằng cách lột da, cắt bỏ tứ chi, đuôi, hạch cổ hạch bẹn, vứt ruột chỉ lấy tim gan cật, treo lên cho ráo nước (thành ngữ ướt như chuột lột chỉ những con chuột ướt nước khi bị lột da), sau đó mới được chế biến thành các món ăn tùy thích. Tuy vậy, các món thịt chuột thơm ngon nhất khi chuột được sơ chế với phương thức thui vàng lột da để tránh bị sình vì nước có trong thịt.
Cách bảo quản
Thịt chuột nếu quá nhiều, ăn không hết có thể bảo quản bằng cách ướp muối trong các lu, khạp để giữ thịt tươi ngon; bên cạnh đó có thể làm mắm thịt chuột hay sấy khô ăn dần.
Thịt chuột được dùng phổ biến ở nhiều nước
Đài Loan
Tại Đài Loan, những cặp vợ chồng hiếm muộn “thi nhau ăn chuột với mục đích cháy bỏng là sớm có thai”, tuy rằng chính xác hơn, bài báo nói cụ thể rằng các cặp vợ chồng thường tìm ăn bộ phận sinh dục của chuột. Lý do để các cặp vợ chồng lựa chọn thịt chuột không ngoài niềm tin sẽ “mắn” như chuột, vì loài chuột đẻ nhanh và nhiều.
Liên Xô
Theo bài báo tóm lược về những năm tháng đấu tranh giai cấp tại Liên Xô, những năm 1930 tại Liên Xô khi tiến trình tập thể hóa đã kéo theo hệ quả là tình trạng trâu bò lợn gà chết hàng loạt và nạn đói xảy ra tại rất nhiều địa phương, người dân đã phải ăn cả thịt chuột, côn trùng và vỏ cây.
Bắc Cực
Các dân tộc ở miền Bắc Cực chế biến thịt chuột thành một món ăn độc đáo, bằng cách đem thịt chuột đã làm xong ngâm vào rượu vài giờ, sau đó vớt thịt chuột ra lăn bột rồi đem chiên ăn rất ngon và lạ miệng.
Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ
Tại Campuchia món thịt chuột đồng cay với tỏi đặc biệt được ưa chuộng. Do lạm phát lên cao, trong năm 2008 giá thịt chuột tại quốc gia này đã tăng gấp 4 lần so với năm trước. Bên cạnh đó, các quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ cũng thịnh hành thịt chuột. Nhằm chống chọi với giá lương thực tăng nhanh, chính quyền một bang ở Đông Ấn Độ đã khuyến khích người dân ăn thịt chuột.
Việt Nam
Tại Việt Nam có ý kiến cho rằng trong nạn đói năm 1945, sự thiếu thốn lương thực trong thời bao cấp do đói quá chuột mới được sử dụng làm thức ăn, nhưng trong thực tế từ trước tới nay rất nhiều địa phương trên đất nước ta vẫn sử dụng thịt chuột như một trong những món ăn phổ thông, món ăn đặc sản. Thậm chí có một số địa phương tại miền Bắc Việt Nam như Từ Sơn Bắc Ninh, Thạch Thất, Hoài Đức Hà Tây thịt chuột là một phần không thể thiếu của mâm cỗ trong đó có cả cỗ cưới.
Hiểm họa cho sức khỏe từ thịt chuột cống
Đặc sản thịt chuột ở các vùng quê nổi tiếng lâu nay thường là chuột đồng. Chuột đồng ăn lúa ở cánh đồng nên thịt rất thơm ngon không bị hôi hay có chất độc hại. Thế nhưng chuột đồng không phải lúc nào cũng có mà món đặc sản này lại được bán với giá cao nên rất nhiều người đã vì lợi nhuận mà bắt chuột cống giả làm chuột đồng bán cho người mua với giá như vậy.
Chuột cống tiềm ẩn nhiều dịch bệnh
Những người săn chuột cống thường đặt bẫy ở những khu ẩm thấp nhiều rác rưỡi, cống rãnh, hay khu tập kết rác thải y tế của các bệnh viện sẽ bắt được vô vàn chuột cống.
Những con chuột to bằng bắp chân, nặng đến cả kilogam, lông lá, bẩn thỉu, hôi hám, chúng thường xuyên ăn các mẫu bệnh phẩm hay chất thải, rác của các bệnh viện, rác thải của các khu dân cư và mang trong mình hàng ngàn mầm mống bệnh dịch nguy hiểm.
Chuột cống cũng chính là thủ phạm gây nên nạn dịch hạch kinh hoàng với tỉ lệ tử vong rất cao trong lịch sử nhân loại.
Chuột cống được “hô biến” thành chuột đồng
Những chú chuột cống, sau khi được tuốt lông, làm sạch sẽ được chặt bỏ đầu, phanh thây để biến thành chuột đồng với những món xào, nướng mà thực khách không thể kiểm chứng. Những món ăn hấp dẫn từ chuột như: chuột rán, xào, nấu đông, giả cầy, luộc rắc lá chanh, rang muối trắng, nướng trên than hoa đủ cả.
Ý kiến từ chuyên gia
TS Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) – đã phát biểu trên báo chí: “Chuột cống là động vật chưa được cơ quan chức năng kiểm soát vì không coi đây là thực phẩm, không đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm.Nếu người dân cố tình sử dụng động vật này là vô trách nhiệm với sức khoẻ bản thân. Người cung cấp những sản phẩm này cũng vô trách nhiệm với sức khoẻ cộng đồng. Nếu người kinh doanh vì lợi nhuận cố tình kinh doanh thực phẩm không an toàn, không đảm bảo vệ sinh là đã vi phạm Luật An toàn thực phẩm, vì sử dụng nguyên liệu không đảm bảo an toàn để chế biến”.
Lời kết
Vẫn biết thịt chuột đồng là một món ăn nổi tiếng lạ và thơm ngon nhưng giữa thời buổi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bao giờ trở nên nghiêm trọng như hiện nay chúng ta cần xem xét kỹ và cân nhắc trước khi có ý định ăn chúng. Tìm hiểu rõ ràng về thận trọng về các loại thực phẩm trước khi đưa vào cơ thể là chúng ta đang từ bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình.
Benh.vn tổng hợp