Theo ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế, cho đến ngày 10/8 ghi nhận 1779 trường hợp nhiễm virus Ebola trên thế giới, 961 trường hợp đã tử vong tại 4 nước vùng Tây Phi. Đồng thời tổ chức Y tế thế giới WHO cũng đã ghi nhận hơn 200 cán bộ y tế lây nhiễm loại virus nguy hiểm này.
Ông Phu khẳng định, về thông tin 21 du khách đến Thái Lan nhiễm virus Ebola, Bộ Y tế chưa nhận được thông tin bất kỳ người nào thuộc khu vực Châu Á nhiễm virus Ebola.
Bộ Y tế cũng đã chủ động ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh do virus Ebola với 3 tình huống trong đó khâu giám sát rất quan trọng. Vệc kiểm soát này sẽ được thực hiện quyết liệt và nghiêm ngặt do tỷ lệ mắc và tử vong do virus Ebola đang cao từng ngày, tử vong nhiều và nhanh.
Đặc biệt Bộ Y tế cũng lưu ý, trong khâu giám sát, không chỉ giám sát những người có triệu chứng nghi nhiễm virus Ebola mà cần phải giám sát với những người có chung chuyến bay hoặc tiếp xúc với người đó.
Hiện nay, hệ thống xét nghiệm của Việt Nam đáp ứng được các xét nghiệm nghi nhiễm virus Ebola. Một số tổ chức quốc tế cũng đã hứa sẽ giúp Việt Nam trong vấn đề này.
Chiều 11/8, Bộ Y tế cũng đã tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi để chủ động đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết Ebola.
Tổ chức Y tế thế giới WHO đã công bố đại dịch Ebola nằm ngoài tầm kiểm soát và đưa ra khuyến cáo trên toàn cầu.
Trên thực tế, Ebola chỉ lây lan qua các chất dịch cơ thể của người bị nhiễm virus, hoặc từ những vật như kim tiêm dính chất dịch cơ thể đó. Ebola không lây lan qua không khí, thức ăn, nước hay qua việc chạm tay vào tiền và bàn phím.
Bộ Y tế chưa nhận được thông tin bất kỳ người nào thuộc khu vực Châu Á nhiễm virus Ebola.
Thảm cảnh Ebola lây lan qua các hành khách trên các máy bay hầu như không thể xảy ra, trừ phi có một người bị nhiễm Ebola hoặc có triệu chứng bị Ebola được phép bay, và sau đó làm rơi vãi nước bọt hay dây máu lên các hành khách khác.
Các nhà khoa học đã giải thích rằng có những yếu tố văn hoá, xã hội góp phần gây ra những trường hợp tử vong vì dịch Ebola ở Tây Phi. Các quốc gia hiện có dịch là Liberia, Sierra Leone, và Guinea chưa từng trải qua sự bùng nổ dịch này trước đây, vì thế các bác sỹ có thể không được đào tạo để chẩn đoán hay điều trị căn bệnh nay, và các công dân có thể không nhận ra các triệu chứng bệnh.
Ngoài ra, theo phong tục, các gia đình tổ chức tang lễ cho bệnh nhân tử vong lại yêu cầu mọi người chạm vào thi thể người bệnh, vì thế có thể điều đó đã gây ra dịch. Ở một số nơi, người dân còn chống đối các nhân viên y tế cộng đồng vì họ sợ rằng những nhân viên này sẽ mang dịch bệnh đến hoặc họ nghe tin đồn về các phương pháp điều trị lang băm.
Mặc dù tại Châu Á, đặc biệt là tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Ebola nhưng Bộ Y tế khuyến cáo tất cả người dân không nên chủ quan vì Ebola là dịch bệnh vô cùng nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm cao, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vacxin phòng bệnh.
Benh.vn (Theo SKĐS)