Thụ tinh trong ống nghiệm hiện được xem là một phương pháp điều trị vô sinh có hiệu quả, đem lại hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên phương pháp này cũng tiềm ẩn một số nguy cơ đối với sức khỏe. Hãy cùng Benh.vn tìm hiểu một số biện pháp để dự phòng, phát hiện sớm và có hướng xử trí thích hợp cho các nguy cơ này.
Mục lục
Tìm hiểu về thụ tinh trong ống nghiệm
Một chu kì thụ tinh trong ống nghiệm thường bao gồm các bước sau:
– Kích thích buồng trứng
– Chọc hút trứng
– Thụ tinh giữa trứng và tinh trùng
– Nuôi cấy phôi trong môi trường
– Chuyển phôi vào buồng tử cung.
Tại bệnh viện Từ Dũ, hiện tỷ lệ có thai khoảng 30 – 35%. Tuy thụ tinh trong ống nghiệm thường được xem là một kỹ thuật tương đối an toàn, nhưng những người phụ nữ khi tham gia vào thụ tinh trong ống nghiệm vẫn có thể gặp một số nguy cơ như thất bại, quá kích buồng trứng, đa thai hay thai ngoài tử cung.
Thất bại
Tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thất bại trong điều trị vô sinh có thể là một gánh nặng về mặt tâm lý cho người phụ nữ.
Do không có hoặc có ít nang
Thất bại có thể xảy ra ở khâu kích thích buồng trứng, dẫn đến không có hoặc có ít nang. Thống kê cho thấy khi chỉ có 2 – 3 nang noãn phát triển, tỷ lệ thành công của chu kỳ đó rất thấp.
Tình trạng này thường xuất hiện ở những người nữ lớn tuổi, lạc nội mạc tử cung, bất thường, nội tiết … Trong trường hợp này, ở những chu kỳ sau, có thể tăng liều thuốc kích thích buồng trứng, hoặc thay đổi phác đồ điều trị. Trong một số trường hợp, xin trứng có thể là giải pháp cuối cùng.
Do không có phôi để chuyển
Thất bại còn có thể do không có phôi để chuyển. Trong trường hợp này, nguyên nhân có thể là do thụ tinh bất thường hoặc không có thụ tinh. Ngoài ra, thụ tinh vẫn có thể xảy ra bình thường, phôi được hình thành nhưng ngưng phát triển. Không ít trường hợp sau chuyển phôi vẫn không có thai, vì thất bại trong quá trình làm tổ (phôi không bám được vào niêm mạc tử cung).
Đối với những trường hợp này, hướng giải quyết có thể là thụ tinh bằng tiêm tinh trùng vào trứng (ICSI) hoặc tăng số lượng phôi chuyển. Nghiên cứu cho thấy đối với kỹ thuật ICSI, tỷ lệ trứng thụ tinh tăng cao hơn, đặc biệt trong những trường hợp chất lượng tinh trùng kém.
Do chất lượng của trứng
Ngoài ra với những trường hợp liên tiếp thất bại, mà nguyên nhân thường được cho là do chất lượng của trứng, giải pháp cuối cùng là xin trứng từ những người còn trẻ.
Quá kích buồng trứng
Đây là tình trạng đáp ứng quá mức của buồng trứng với thuốc kích thích và là một trong những nguy cơ thường gặp nhất của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Phụ nữ với hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những đối tượng dễ bị quá kích buồng trứng.
Dự phòng
Có nhiều hướng để dự phòng và hạn chế tần suất của quá kích buồng trứng thể nặng.
– Trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao, chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm có thể tạm ngưng (không tiêm hCG và không chọc hút trứng).
– Trong những chu kỳ tiếp theo, bệnh nhân có thể được giảm liều kích thích hoặc được theo dõi sát hơn.
Quá kích buồng trứng còn có thể xuất hiện ở giai đoạn muộn, khi người phụ nữ có thai, do hCG được tiết ra từ thai nhi.
– Để dự phòng tình trạng này, phôi hình thành sẽ không được chuyển vào chu kỳ đó mà được trữ lạnh và chuyển lại vào tử cung trong các chu kỳ tiếp theo.
Ngoài ra, kỹ thuật “Nuôi trứng trong ống nghiệm” (In Vitro Maturation), với lợi điểm là không phải sử dụng hCG, cũng có thể được áp dụng như một biện pháp điều trị vô sinh ở những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ QKBT, đặc biệt là những bệnh nhân với hội chứng buồng trứng đa nang.
Đa thai
Đa thai là tình trạng có nhiều hơn một thai cùng lúc phát triển trong tử cung. Không như trong các chu kỳ tự nhiên khi chỉ có 1 (hoặc thỉnh thoảng 2) phôi có mặt trong lòng tử cung, trong các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm, để đảm bảo tỷ lệ thành công, nhiều hơn một phôi sẽ được chuyển vào tử cung. Do đó, tỷ lệ đa thai thường tăng cao hơn so với các chu kỳ tự nhiên, thay đổi từ 19% đến 42%, tùy theo tuổi của người vợ.
Dự phòng
Hiện nay, để giảm tỷ lệ đa thai, chuyển phôi vào giai đoạn trễ, ngày 5 sau thụ tinh, được xem là một trong những biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Tuy nhiên, trong kỹ thuật này, nguy cơ không có phôi để chuyển (do thoái hóa, ngưng phát triển trong quá trình nuôi cấy) thường xuất hiện. Giảm thiểu số lượng phôi chuyển ở những bệnh nhân tiên lượng tốt cũng là một hướng đang được xem xét.
Ngoài ra, kỹ thuật giảm thai, thông qua hướng dẫn của siêu âm đầu dò âm đạo, cũng là một phương pháp để giảm tỷ lệ đa thai được áp dụng ở nhiều trung tâm trên thế giới. Đây là kỹ thuật đang được áp dụng thành công tại bệnh viện Từ Dũ
Một số nguy cơ khác
Trong các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm, thống kê cho thấy tỉ lệ thai ngoài tử cung tăng cao hơn so với những chu kỳ tự nhiên từ 2 đến 3 lần (4% – 5,8%), đặc biệt trong những trường hợp có bất thường ở vòi trứng. Thai ngoài tử cung là tình trạng thai làm tổ ở một vị trí khác ngoài tử cung, thường là trong vòi trứng. Tuy nhiên, siêu âm và theo dõi thai định kỳ ngay từ giai đoạn sớm giúp phát hiện và xử trí kịp thời các trường hợp này.
Ngoài ra, các tỷ lệ như dị dạng thai nhi và sẩy thai gần như không đổi so với những cặp vợ chồng có thai tự nhiên.
Tóm lại
Thụ tinh trong ống nghiệm là một biện pháp điều trị vô sinh hữu hiệu, đặc biệt với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào trứng (ICSI) đã đem lại cơ hội cho những cặp vợ chồng bất thường nặng về tinh trùng. Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn có thể gặp phải một số nguy cơ như thất bại, quá kích buồng trứng, đa thai và thai ngoài tử cung. Một số biện pháp để dự phòng, phát hiện sớm và có hướng xử trí thích hợp cho các nguy cơ nêu trên đang được áp dụng khá thành công tại bệnh viện Từ Dũ.
Benh.vn (Theo BV Từ Dũ)