Sừng tê giác từ trước đến nay luôn được xem là một thứ dược phẩm quý hiếm. Người ta luôn tìm mọi cách săn bắt loại động vật này để lấy sừng với những mục đích khác nhau, khiến cho chúng ngày càng ít đi.
Trong dân gian, người ta cho rằng sừng tê giác có tác dụng kích dục, giúp trường thọ, hạ sốt, chữa được ung thư và đái tháo đường…
Tuy nhiên trên thực tế, các nghiên cứu khoa học đều chứng minh, sừng tê giác hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh giống như những lời đồn đoán.
Sừng tê giác chữa bách bệnh?
Sừng tê giác được coi là một vị thuốc thần diệu của y học cổ truyền Trung Quốc.
Hàng ngàn năm, y học cổ truyền Trung Quốc dùng sừng tê để chữa một số lớn các bệnh có phổ rộng bất thường từ sôi bụng đến ung thư, thậm chí cả bệnh do ma quỷ ám.
Do ảnh hưởng của Trung Quốc, người Việt Nam cũng cho là như vậy. Khi các đất nước này còn nghèo, không ai nghĩ đến sừng tê giác, nhưng kinh tế phát triển, xuất hiện nhiều người giàu có, thị trường tiêu thụ sừng tê giác bỗng hồi sinh.
Quan niệm xưa luôn cho rằng sừng tê giác chữa bách bệnh (Ảnh minh họa)
Theo sách kinh điển của Y học Trung Hoa là “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân, được dịch vào năm 1931 ghi lại 1597 dược liệu thì sừng tê giác đã được coi là chữa bách bệnh.
Trớ trêu thay, có vẻ như tác dụng thần hiệu của sừng tê giác không đề cập một câu nào đến một căn bệnh là mục tiêu chính làm các “đại gia” tìm đến nó là chữa các bệnh giảm ham muốn tình dục.
Mặc dù Trung Quốc là một nước đã ký kết Công ước thế giới về buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) và cấm kinh doanh sừng tê giác năm 1993, nhưng điều tra mức độ săn trộm tê giác hiện tại cho thấy rằng ở nước này việc sử dụng sừng tê giác không suy giảm.
Vậy sừng tê giác có tác dụng chữa bệnh như người ta vẫn đồn đoán?
Kết quả thí nghiệm
Trong một nỗ lực để bác bỏ những tính chất chữa bệnh thần kỳ gán ghép cho sừng tê giác, các khà khoa học đã đưa sừng tê giác vào phòng thí nghiệm y học.
Việc thử nghiệm tác dụng trị liệu của sừng tê giác đã được thực hiện vào năm 1983 do các nhà nghiên cứu tại Hãng dược phẩm hàng đầu Hoffmann-LaRoche, và sau đó 25 năm là một nghiên cứu của Hội Động vật học London. Cả hai nghiên cứu đi đến kết luận tương tự: sừng tê giác không chứa các hoạt chất đặc biệt nào có khả năng trị bệnh.
Ngoài ra, một công trình nghiên cứu khác nữa do các nhà khoa học Trường ĐH Trung Quốc ở Hong Kong vào năm 1990. Mặc dù các nhà khoa học ở đây cố gắng chứng minh “một cái gì đó sâu sắc” của Y học cổ truyền Trung Hoa nhưng vẫn không thể tìm ra một bằng chứng hỗ trợ nào cho tính chữa bệnh của sừng tê giác.
Nghiên cứu về tác dụng của sừng tê giác (Ảnh minh họa)
Năm 1983, Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) công bố kết quả của nghiên cứu dược lý mà các nhà khoa học đã tiến hành tại Phòng thí nghiệm của Công ty dược phẩm Hoffmann-LaRoche trên Tạp chí The Environmentalist.
Nghiên cứu “không tìm thấy bằng chứng nào chứng tỏ sừng tê giác có tác dụng chữa bệnh dù dễ nhất như hạ sốt”. “Sừng tê giác về bản chất hoá học giống như chiếc móng tay, được làm bằng tóc kết bó lại với nhau mà thôi”. Đó là kết luận của nghiên cứu khoa học.
Các thử nghiệm khẳng định rằng “không có khả năng hạ sốt, không có khả năng chống viêm, không có khả năng giảm đau, không có khả năng chống co thắt, không có khả năng làm lợi tiểu” mà cũng “chẳng có tác dụng diệt vi khuẩn gây mưng mủ và vi khuẩn đường ruột” .
Tiến sĩ Arne Schiotz của WWFkết luận: “Điều này chứng tỏ rằng sừng tê giác không mang lại lợi ích cho bất cứ ai, trừ người chủ ban đầu của nó mà thôi”.
Tất cả chỉ là huyền thoại
Phân tích khoa học đã khẳng định rằng coi sừng tê giác là một thần dược chỉ là huyền thoại, nhưng huyền thoại ấy vẫn tồn tại ở hàng triệu người. Vì sao vậy ?
Đơn giản vì người tiêu dùng sừng tê giác không kiểm chứng về tác dụng và truy cập vào những địa chỉ thông tin chính xác.
Benh.vn (Theo Nationalgeographic)