Nhân ngày bệnh tự kỷ được thế giới công nhận, hơn 200,000 người mắc bệnh tự kỷ là con số đã được VTV đưa ra. Con số này ngày càng tăng cao trong khi trường dạy trẻ tự kỷ rất ít mà chủ yếu là các lớp tự phát
Số trẻ mắc chứng tự kỷ ngày càng tăng cao, nhưng việc đầu tư trường học, chuyên môn giảng dạy, trị liệu cũng như nhiều vấn đề khác vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM (trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết TP.HCM hiện có 16 trường chuyên biệt công lập có tiếp nhận trẻ tự kỷ ở hệ thống quận, huyện. Ông Tâm nhìn nhận, các trường đều dạy trẻ tự kỷ chung với một số trẻ khuyết tật khác, chứ không có trường công chuyên biệt dành riêng cho trẻ tự kỷ.
Phụ huynh tự tổ chức lớp cho con em mình
Từ việc phải lặn lội tìm trường cho con, bà Phạm Thị Kim Tâm cùng một số phụ huynh khác đã lập ra lớp tư thục Tuổi Ngọc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vào tháng 7.2008. Lớp học hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận, các phụ huynh cùng nhau đóng góp để trang trải các chi phí nuôi dạy con em mình. Từ 14 em ban đầu, số trẻ tự kỷ hiện đã tăng lên 36 em.
Bà Tâm nói: “Chỉ cần tìm được một nơi nào đó nuôi dạy tốt hơn, chúng tôi sẵn sàng đóng cửa lớp và gửi con vô trường đó. Chẳng qua lâm vào thế kẹt, chúng tôi phải tự cứu lấy con em mình”.
Trên thực tế, do không có trường dạy trẻ tự kỷ nên nhiều phụ huynh từ các địa phương khác khăn gói lặn lội tìm đến một số TP lớn như TP.HCM, Hà Nội để tìm chỗ học cho con em mình. Tuy nhiên, số trường nhận trẻ tự kỷ vào học nội trú trong những năm qua vô cùng ít ỏi, khiến một số phụ huynh phải bỏ việc dài hạn, thuê nhà sát bên trường con học (bán trú) và cầm cự từng ngày để chăm sóc con.
Giáo viên không đủ, cơ sở vật chất nhỏ hẹp
Đến nay, phương cách can thiệp và giải quyết vấn đề cho trẻ tự kỷ vẫn chưa có. Trong khi đó, nếu không được can thiệp sớm và không được quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng, trẻ tự kỷ sẽ trở thành gánh nặng suốt đời cho gia đình và có thể gây ra những hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Một thực tế bất cập rất đáng lo ngại, theo ông Tâm, hiện nhiều nơi mở ra các cơ sở dân lập, tư thục trị liệu và dạy trẻ tự kỷ, nhưng vấn đề chuyên môn lại không được giám sát chặt chẽ.
Một bất cập khác cũng được ông Tâm thẳng thắn đặt ra, là trong các trường chuyên biệt công, số lượng giáo viên hiểu biết chuyên môn, nắm được phương pháp trị liệu cho trẻ tự kỷ, biết cách đối xử với trẻ không đủ, cơ sở vật chất nhỏ hẹp nên việc tiếp nhận số trẻ tự kỷ còn hạn chế. Việc thanh lập trường dạy trẻ tự kỷ cấp bách và cần được quan tâm đặc biệt.