Thực trạng tiêm thuốc an thần và bơm nước cho lợn đang diễn ra ngày càng phổ biến với nhiều thủ đoạn tinh vi dễ dàng qua mắt được cơ quan kiểm tra. Nếu chỉ kiểm tra bằng tay và mắt thường, các nhân viên thú ý cũng khó có thể nhận ra những con lợn đã bị bơm nước và thuốc an thần. Tuy cơ quan chức năng đã có biện pháp xử lý song tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trước đây tình trạng tiêm thuốc an thần và bơm nước cho lợn tại các lò mổ tập trung ở tỉnh Hậu Giang bị phát hiện thì giờ để qua mặt cơ quan thú y, các thương lái thường đưa lợn xuống tàu, thuyền và đi đến một đoạn sông vắng để thực hiện hành vi này. Tuy phát hiện ra hành vi vi phạm này nhưng việc kiểm soát của ngành thú y tỉnh Hậu Giang vẫn còn khá lỏng lẻo. Phần lớn công việc kiểm tra chất lượng đều được tiến hành bằng tay và bằng mắt, khó phát hiện được lợn đã bị tiêm thuốc.
Lợi ích che mắt người dân
Vì nguồn lơi trước mắt mà các đối tượng đã không từ thủ đoạn tiếp tục đưa những chất cấm vào trong thịt gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo ông Nguyên- trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP HCM, mục đích tiêm thuốc an thần nhằm giúp heo ngủ li bì để dễ dàng bơm nước. Thuốc còn có tác dụng làm heo ít vận động nên lượng nước tiêu hao không đáng kể trong quá trình vận chuyển. “Thuốc an thần tồn lưu lâu trong thịt heo. Con người sử dụng thịt heo có chứa loại thuốc nói trên dễ bị tác động lên tế bào thần kinh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bằng mắt thường khó xác định heo bị tiêm thuốc an thần”
TS Lê Thanh Hiền – trưởng bộ môn bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng (ĐH Nông lâm TP.HCM) – cho biết loại thuốc này không cho phép sử dụng trước khi giết mổ, nếu đã sử dụng phải có thời gian để thuốc đào thải hết từ 5 – 7 ngày sau khi tiêm) do thuốc an thần tồn tại trong gan, cơ, thận của động vật và được bài thải chậm.
Làm thế nào để phát hiện lợn có bị tiêm hay không
Theo TS Hiền, rất khó xác định thịt có tiêm thuốc an thần hay không. Việc nhận định bằng cảm quan là không thể, ngoại trừ trường hợp xác nhận có vết tiêm.
Theo đó, thương lái thường kết hợp tiêm thuốc an thần kèm theo bơm nước, do vậy khi bắt gặp các loại thịt mềm, ướt, các sớ thịt căng mọng nước thì có khả năng lớn thịt chứa tồn dư của thuốc. Đối với động vật còn sống, nhân viên thú y kiểm tra tại lò mổ có thể phát hiện thông qua các biểu hiện khi khám lâm sàng.
“Một số xét nghiệm có thể phát hiện sự hiện diện của thuốc tồn dư trong thịt, nhưng đòi hỏi trang thiết bị phòng thí nghiệm và mất thời gian cũng như chi phí. Do đó trách nhiệm chính vẫn là cơ quan thú y trong việc giám sát kiểm tra, các biện pháp chế tài cụ thể” – TS Hiền nói.
Tổng hợp