Chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) là một cấu phần quan trọng của chương trình phòng chống ung thư (PCUT), góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Tuy vậy, việc triển khai dịch vụ CSGN đối với bệnh nhân ung thư mới chỉ tập trung nhiều vào một số tỉnh/thành phố lớn. Trong khi đó nhu cầu phòng bệnh, phát hiện sớm, khám chữa bệnh về ung thư và CSGN ngày càng tăng, với khả năng hiện tại ngành ung thư Việt Nam chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ.
Mục lục
- 1 Thế nào là CSGN ?
- 2 Công tác triển khai và đào tạo về hướng dẫn CSGN
- 3 Tính sẵn có của Dịch vụ CSGN
- 4 Khả năng tiếp cận và sự hài lòng của BN đối với dịch vụ CSGN
- 5 Khó khăn trong việc CSGN cho BN tại nhà
- 6 Nguồn thông tin về cách chăm sóc BN chủ yếu từ CBYT
- 7 Thực trạng chuyển tuyến và quảng bá dịch vụ CSGN
Thế nào là CSGN ?
“Hướng dẫn Chăm sóc giảm nhẹ đối với người bệnh ung thư và AIDS” (gọi tắt là Hướng dẫn CSGN) được Bộ Y tế ban hành, giới thiệu 10 nguyên tắc chung về CSGN của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó có nguyên tắc xây dựng mô hình CSGN lấy người bệnh làm trung tâm, có sự tham gia của nhân viên y tế, gia đình người bệnh, nhân viên xã hội..vv…Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 3483/QĐ-BYT ngày 15/6/2006 kèm theo hướng dẫn, cho phép áp dụng CSGN trong tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công cập và ngoài công lập và sử dụng để hướng dẫn CSGN đối với người bệnh ung thư và AIDS tại gia đình và cộng đồng. Kết quả chính
Công tác triển khai và đào tạo về hướng dẫn CSGN
– 90,9% CBYT tại BVTƯ/TTUB biết đến Tài liệu Hướng dẫn CSGN của Bộ Y Tế; tỷ lệ này là 15,8% ở một số BV huyện (15,8%) và 6,7% tại TYT xã/phường.
– Tất cả các BVTƯ/TTUB được điều tra đều có cán bộ được đào tạo, tập huấn về chăm sóc giảm nhẹ trong khi tỉ lệ này đối với BV huyện và TYT chỉ là 50%.
Tính sẵn có của Dịch vụ CSGN
– Trong các loại hình dịch vụ CSGN thì CBYT cung cấp chủ yếu là dịch vụ tư vấn (85,6%), tiếp đến là điều trị chống đau (72,2%), điều trị triệu chứng/biến chứng (41,1%) và chăm sóc giai đoạn cuối (25,6%).
– Trong khi 81,8% BVTƯ/TTUB có các đơn vị chống đau hoặc giường bệnh dành cho CSGN thì tỷ lệ towng ứng ở BV huyện và TYT xã/phường chỉ lần lượt là 5,3% và 10%. Điều này có nghĩa là hầu hết các BV huyện và TYT xã/phường được điều tra chưa triển khai dịch vụ CSGN cho BN ung thư.
– Tại các BVTƯ/TTUB hình thức dịch vụ chủ yếu là khám và điều trị nội trú và ngoại trú. Hình thức dịch vụ lưu động (chăm sóc tại nhà) còn hạn chế.
Khả năng tiếp cận và sự hài lòng của BN đối với dịch vụ CSGN
Điều trị giảm đau:
Chỉ có khoảng 66% bệnh nhân tham gia điều tra có triệu chứng được điều trị giảm đau (cho cả mức độ đau nặng, đau vừa và đau nhẹ)
Opioids:
100% các CSYT tuyến TƯ được điều tra đều có cung cấp thuốc giảm đau có chứa opioids; tỷ kệ tương ứng đối với bệnh viện huyện là 84,2% và TYT xã/phường là 12,2%.
Dịch vụ tư vấn:
– Dưới 1/3 số BN ung thư xác nhận là thường xuyên được tư vấn, nhiều nhất là tư vấn về bệnh và chế độ điều trị cũng chỉ đạt 30,3% và 30,6%.
– Tỷ lệ BN thường xuyên nhận được sự chăm sóc hỗ trợ tâm lý trong quá trình điều trị bệnh chỉ có 17% ở BVTƯ/TTUB, 27% ở BV tỉnh, 27.3% ở BV huyện và 36,4% ở BV/phòng khám tư.
Nội dung tư vấn | Thường xuyên | Thỉnh thoảng | Hiếm khi/ Không bao giờ |
Tư vấn về bệnh | 124 (30,3%) | 167 (40,8%) | 44 (28,9%) |
Chế độ điều trị | 125(30,6%) | 158 (38,6%) | 61 (30,8%) |
Các triệu chứng có thể gặp và cách ứng phó | 98
(24,0%) |
114
(27,9%) |
77
(48,1%) |
Chế độ dinh dưỡng | 106 (25,9%) | 114 (27,9%) | 79 (46,2%) |
Chế độ chăm sóc | 107 (26,2%) | 115 (28,1%) | 79 (45,7%) |
Sự hài lòng của BN ung thư với kết quả xử trí giảm đau và tư vấn của CSYT:
– Tỷ lệ BN hài lòng với kết quả điều trị giảm đau trong đợt điều trị gần nhất chỉ đạt 50%, vẫn còn 50% số BN ung thư bị đau mà chưa được xử trí phù hợp.
– Đối với công tác tư vấn trong lần điều trị gần nhất, phần lớn BN cảm thấy hài lòng (45,9%-65,9%) và bình thường (24%-46,7%), chỉ có khoảng 5-8% cảm thấy rất hài lòng, 2-4% thấy không hài lòng.
Khó khăn trong việc CSGN cho BN tại nhà
– Vấn đề kinh tế (54,6% không có tiền)
– Người nhà BN thiếu kỹ năng chăm sóc bệnh nhân (46,4%)
– Thiếu tư vấn, thông tin (31,4%)
Nguồn thông tin về cách chăm sóc BN chủ yếu từ CBYT
61,1% được CBYT hướng dẫn về cách chăm sóc giảm đau.
51,6% được hướng dẫn chăm sóc giảm triệu chứng.
38,9% được hướng dẫn về cách hỗ trợ tinh thần cho BN.
16,7% được hướng dẫn về cách chăm sóc cuối đời cho BN.
Thực trạng chuyển tuyến và quảng bá dịch vụ CSGN
Chuyển tuyến:
– 90,9% CBYT tại BVTƯ/TTUB và 73,7% CBYT tại BV huyện trả lời đã nhận bệnh nhân CSGN từ nơi khác chuyển đến.
– Chỉ 26,7% CBYT ở TYT xã/phường trả lời có nhận bệnh nhân CSGN từ tuyến trên gửi về.
– Do không sẵn có dịch vụ ở tuyến dưới, phần lớn BN ung thư được chuyển thẳng lên BV tuyến TƯ. Ở chiều ngược lại, CBYT của tuyến TƯ gặp khó khăn trong quyết đinh chuyển tuyến cho BN.
Quảng bá dịch vụ:
– 36,4% CBYT tại BVTƯ/TTUB, 68,4% tại BV huyện và 72,2% tại TYT được điều tra không quảng bá dịch vụ CSGN.
– Hình thức quảng bá được nhiều CSYT sử dụng nhất mới chỉ là qua hệ thống loa truyền thanh xã/ phường (13,3%), tờ rơi, sách nhỏ (12,5%), tivi/đài/sách báo (5,8%).
– Dịch vụ CSGN chủ yếu do BN đến khám và điều trị ung thư tự truyền tin ra cộng đồng (21,7%).
Benh.vn