Nhồi máu não là hiện tượng não bộ người bệnh bị mất chức năng cấp tính, do hình thành cục máu đông trong lòng mạch và làm tắc hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn một mạch máu não. Toàn bộ vùng não bị tắc mạch này sẽ bị thiếu máu nuôi dưỡng rất nghiêm trọng và nhồi máu não xảy ra. Việc dùng thuốc làm tiêu cục máu đông phục hồi tuần hoàn não là rất cần thiết nhưng việc sử dụng thuốc như thế nào cho hợp lý là điều cần lưu ý.
Có những thuốc nào?
Thuốc được sử dụng trong liệu pháp tiêu cục máu đông có nhiều loại như streptokinase, urokinase, tenecteplase, desmoteplase, alteplase… Tất cả các thuốc này đều có chung một cơ chế hoạt động đó là hoạt hóa plasminogen thành plasmin và chất này chính thức hoạt động như một enzym làm tiêu fibrin, làm tiêu cục máu đông.
Trong cơ thể, plaminogen luôn sẵn có. Chúng giúp điều hòa sự đông chảy máu. Tuy nhiên, quá trình chuyển plasminogen thành plasmin không dễ dàng. Chúng chỉ được hoạt hóa khi có điều kiện kích thích hoặc có thuốc tác dụng.
Trong các thuốc trên, urokinase và streptokinase có tác dụng rất mạnh. Nó có thể làm tiêu cục máu đông nhanh chóng và trả lại cho người bệnh sự hồi phục. Tuy nhiên, nó lại có nhược điểm đó là để lại tác dụng tồn dư nên dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng sau điều trị như chảy máu thứ phát. Chính vì thế, nhiều nước trên thế giới không cho lưu hành hai thuốc này và không chấp nhận hai thuốc này trong điều trị nhồi máu não. Chúng thường được dùng để điều trị tắc mạch máu phổi và tắc mạch vành tim. Trên thực tế, đánh giá một cách công bằng, hai chất này hoàn toàn có thể dùng được miễn sao chúng ta có thể kiểm soát được tác dụng sau điều trị.
Hai thuốc tiếp theo là tenecteplase, desmoteplase đang là các thuốc được tiếp tục thử nghiệm và đánh giá trong điều trị. Hai thuốc này có hoạt lực điều trị thấp hơn. Khả năng hòa tan cục máu đông chậm hơn các thuốc khác. Tuy nhiên, chúng lại không gây ra biến chứng do tác dụng tồn dư để lại, nên nó là những thuốc hứa hẹn trong tương lai. Người ta hiện nghi ngại và vẫn chưa quyết định chính thức có nên dùng thuốc này hay không đó chính là vì tác dụng thể hiện chưa ổn định. Tỷ lệ điều trị thành công ở các công trình nghiên cứu khác nhau là khác nhau và sự khác nhau này rất đáng kể nên cần phải tiếp tục thử nghiệm thêm để đánh giá.
Trong số các thuốc có thể sử dụng an toàn nhất, người ta chọn alteplase. Alteplase là một chất hoạt hóa plasminogen của mô. Thuốc có tác dụng tốt trong điều trị nhồi máu não. Sau khi tiêm thuốc này vào mạch máu, tỷ lệ người bệnh cải thiện triệu chứng và phục hồi tốt nằm trong khoảng 31-50%. Mặc dù ngay cả khi bạn không điều trị gì thì với mức độ bệnh bình thường thì sau một thời gian cục máu đông sẽ tự tiêu. Nhưng khi đó não bộ đã bị mất chức năng. Việc dùng thuốc sẽ làm đẩy nhanh tiến trình này và giảm thiểu biến chứng.
Thích hợp khi nào?
Theo các số liệu đánh giá, không phải trường hợp nhồi máu não nào dùng liệu pháp tiêu cục máu đông cũng đều thu được tác dụng như mong muốn. Tác dụng của thuốc đến đâu còn tùy thuộc vào thời gian tiến hành điều trị tính từ khi bệnh khởi phát.
Người ta thấy rằng, trong vòng 3-4 giờ tính từ khi khởi phát bệnh, liệu pháp tan cục máu đông thể hiện tác dụng rõ ràng nhất. Tỷ lệ người bệnh cải thiện triệu chứng rõ rệt vào khoảng 45-50%. Đây là một tỷ lệ rất cao và tốt trong điều trị các chứng bệnh liên quan đến não. Phần triệu chứng còn lại sẽ được cải thiện dần vào các giai đoạn sau.
Tại sao không nên dùng liệu pháp này sau thời điểm 3-4 giờ? Liệu thuốc có còn tác dụng? Thực tế, nếu cục máu đông còn tồn tại thì kể cả sau khi bệnh xuất hiện 3-4 giờ, thuốc vẫn có tác dụng làm tan cục máu đông. Tuy nhiên, vấn đề làm tan cục máu đông lúc này thực sự cần suy nghĩ bởi hai lẽ: thời điểm này cục máu đông bắt đầu bước vào giai đoạn giáng hóa. Thứ hai, dùng thuốc sau thời điểm này dễ gây ra biến chứng chảy máu thứ phát và rất khó kiểm soát tác dụng phụ này. Vì vậy, trong hầu hết các trường hợp, người ta đều không ưu tiên dùng liệu pháp tiêu cục máu đông nếu người bệnh đến bệnh viện muộn, tức là sau 3 giờ tính từ khi bệnh khởi phát. Trong một số trường hợp, người ta mở rộng giới hạn thời gian điều trị lên đến 4, 5 – 6 giờ tính từ khi người bệnh xuất hiện nhồi máu não. Mọi trường hợp đến bệnh viện sau 6 giờ thì kể như đều không được dùng thuốc.
Thuốc không thích hợp khi người bệnh có quá nhiều yếu tố nguy cơ chảy máu não. Những nguy cơ này làm gia tăng tác dụng phụ và biến chứng của thuốc. Khi đó, sự nguy hiểm có thể xảy ra. Người bệnh có thể chưa tử vong do bệnh chính nhồi máu não mà lại chết vì bệnh xảy ra sau, bệnh chảy máu não do thuốc gây ra.
Vì thế, những đối tượng điển hình sau bị chống chỉ định dùng liệu pháp tan cục máu đông: thể bệnh kết hợp vừa chảy máu não và nhồi máu não, có dấu hiệu chảy máu dưới nhện, huyết áp tăng quá cao trên 185/110mmHg, tiền sử chấn thương sọ não trong 3 tháng trở lại đây, người bệnh bị các chứng bệnh liên quan đến rối loạn đông máu, người bệnh bị giảm tiểu cầu. Một số đối tượng khác phải thận trọng và có thể xem xét không dùng thuốc bao gồm: người già trên 85 tuổi, người có nồng độ đường máu quá cao (trên 400mg/dl) hay quá thấp (dưới 50mg/dl), người bị co giật ngay từ khi khởi phát bệnh.