Tiêm hormone để điều trị dậy thì sớm ở trẻ nhỏ đang là mối quan tâm hàng đầu của các bậc làm cha, mẹ khi tuổi dậy thì ở cả bé gái và trai đang có dấu hiệu sớm hơn. Dưới góc độ chuyên môn, chúng ta hãy cùng lắng nghe tư vấn của các y bác sĩ.
Mục lục
Tỷ lệ trẻ dậy thì sớm gia tăng
Theo ghi nhận, chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ ngày 7/4, tại phòng khám Nội tiết TPHCM đã có đến 4 trường hợp chờ đến lượt khám và đọc kết quả với cùng một nỗi lo: con dậy thì sớm.
Ngược dòng thời gian cách đây khoảng 8 năm về trước tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cơ sở này chỉ tiếp nhận 7 ca dậy thì sớm đến khám mỗi năm. Đến nay, mỗi năm họ khám cho khoảng 200 ca. Thời điểm tháng 3/2017, bệnh viện đang điều trị cho 120 bé cả trai lẫn gái (từ 1,5-9 tuổi) dậy thì sớm.
Lo lắng của các bậc cha, mẹ
Có kinh nguyệt sớm
Cảnh gà trống nuôi con, anh M ở Hà Nội choáng váng vì thấy con gái 8 tuổi nói tự nhiên bị ra máu ở vùng kín. Hoảng sợ vì tưởng có chuyện gì xảy ra với con, anh vội vàng đến gặp cô giáo chủ nhiệm nhưng cô giáo cho biết con không bị ngã, không có ai trêu trọc và đụng vào “vùng kín”…mà là có kinh nguyệt sớm.
Sau đó, anh M tham khảo thông tin trên mạng và hỏi em gái ruột thì biết cháu mới hơn 8 tuổi đã dậy thì là quá sớm và cần phải đưa đi khám để có hướng điều trị. Vì thế, anh đã đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám.
Ngực phát triển to bất thường
Còn trường hợp của cháu N.T.N (9 tuổi 2 tháng, ở Hà Nam) được xác định chắc chắn bị dậy thì sớm. Cháu đang được tiêm hormone ức chế dậy thì tại bệnh viện và đến để kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần. Chị Bình (mẹ cháu N.) chia sẻ: “Con tôi phát hiện dậy thì sớm và điều trị từ khi hơn 8 tuổi, đến nay đã được gần 1 năm. Mỗi lần đi kiểm tra định kỳ như thế này, tôi vô cùng lo lắng vì chỉ cần một chỉ số tăng thôi là hỏng hết”.
Ảnh minh họa
Trước đó gần 1 năm, chị phát hiện ngực con gái phát triển to bất thường, rất giống trẻ dậy thì. Đưa đi khám, các bác sĩ chỉ định cần theo dõi vì lúc đó cháu chưa xuất hiện kinh nguyệt.
Một thời gian sau, chị phát hiện con có chất nhầy ở âm đạo nên đưa con đến bệnh viện khám thì được các bác sĩ tư vấn nên tiêm hormone ức chế dậy thì. Hiện cứ 4 tuần 1 lần chị Bình đưa con đến bệnh viện để tiêm hormone, dự kiến sẽ tiêm khoảng 2 năm liên tục.
Khám bác sĩ cho “ăn chắc”
Ngoài những trường hợp trên, tại khoa Nội tiết – Chuyển hóa di truyền cũng tiếp nhận không ít trường hợp, vì quá lo lắng nên đưa con đến khám cho “ăn chắc”.
Trường hợp của cháu L.C (7 tuổi, 4 tháng, ở Long Biên – Hà Nội), mẹ cháu cho biết khi phát hiện ngực cháu đau tức và có cục cứng bên trong, quá lo lắng gia đình đã lên mạng tìm hiểu thì biết đó là dấu hiệu của tuổi dậy thì nên có ý định đưa đi tiêm thuốc ức chế nhưng trước khi tiêm muốn đưa vào viện để kiểm tra cho chắc.“Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu không phải là dậy thì sớm và cần theo dõi thêm, đồng thời cần phải kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần”, mẹ cháu L.C chia sẻ.
Ý kiến của chuyên gia
TS.BS Bùi Phương Thảo – Phó khoa Nội tiết- Chuyển hoá – Di truyền, BV Nhi Trung ương cho biết, những trường hợp như trên hiện nay không phải là hiếm gặp. Tuy nhiên, các gia đình cũng không nên quá lo lắng, mà nên đưa con đến thăm khám, từ đó các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp với từng bệnh nhi.
TS Thảo chia sẻ “Ví dụ như trường hợp của cháu L.C., khi phụ huynh phát hiện những biểu hiện của cháu như vậy đã rất lo lắng. Nhưng qua kiểm tra chúng tôi thấy cháu C. không có gì bất thường về tuổi xương, buồng trứng, tử cung, chưa có lông mu, kinh nguyệt… Chúng tôi chỉ khuyên phụ huynh nên theo dõi thêm. Hơn nữa, không phải trường hợp nào được xác định dậy thì sớm cũng tiêm hormone, bởi nếu tiêm không đúng chỉ định sẽ nguy hiểm cho trẻ”.
Từ những câu chuyện trên, các chuyên gia khuyến cáo các bậc cha mẹ mỗi khi tắm cho con cần quan sát kỹ vùng kín và ngực, khi thấy có biểu hiện “khác lạ” cần đưa con đi khám để được các bác sĩ tư vấn cụ thể tùy từng trường hợp. Tuyệt đối không lên mạng làm theo hoặc nghe người khác mách đưa con đi tiêm hormone để tránh tiền mất, tật mang.
Benh.vn (Theo khampha.vn)