Từ xưa đến nay, cách phê bình con của người Nhật nổi tiếng là khéo léo và có tính giáo dục cao … Phê bình để con thấy khuyết điểm của mình và sửa chữa đòi hỏi sự bình tĩnh, công tâm và đầy yêu thương của bố mẹ…Vậy, các cha mẹ Nhật phê bình con như thế nào?
Mục lục
“Dạy con từ thủa còn thơ”, câu nói ngắn gọn, đơn giản này đòi hỏi cả một quá trình quan tâm, chăm sóc, giáo dục con từ khi con còn nhỏ đến lúc trưởng thành.
Đứa trẻ nào cũng vậy, chỉ thích nghe lời khen chứ không muốn ai phê bình…Tuy nhiên, khi trẻ sai, bố mẹ chắc chắn sẽ phải phê bình nhưng phê bình ra sao để cho trẻ cảm thấy dễ tiếp nhận và làm theo….
Quan điểm giáo dục của chuyên gia Nhật Bản
“Cha mẹ phê bình con khi con mắc lỗi là việc làm cần thiết…Những đứa trẻ không từng bị bố mẹ phê bình trong gia đình, khi lớn lên đi làm việc ngoài xã hội gặp phải sự phê bình của cấp trên lập tức cảm thấy bị sụp đổ, tư tưởng mất phương hướng, hành động đi vào lối bế tắc, tiêu cực…
Phê bình còn có những tác dụng giáo dục riêng. Thông qua sự phê bình của bố mẹ, trẻ có thể nhận thức đúng sai, hiểu được mặt tích cực hay tiêu cực của vấn đề. Khi trẻ mắc lỗi, nếu bố mẹ đương nhiên bỏ qua thì coi như chưa làm tròn trách nhiệm của người bố, người mẹ.
Điều khó khăn là trong khi phê bình con cái, bố mẹ phải luôn luôn có thái độ cẩn trọng và nghiêm túc, không những không thể tuỳ tiện quát mắng con cái vô lý mà còn cần những cách thức diễn đạt sao cho trẻ nhận thức được vấn đề thay đổi hành vi thay vì chán ghét, ứng phó, chống đối bố mẹ.
Khi phê bình con cái, bố mẹ phải rõ ràng về lập trường, phải hợp tình, hợp lý và có sức thuyết phục. Bố mẹ phải thống nhất ý kiến và luôn làm gương cho con. Hãy để con cái thật sự tôn trọng và kính phục khi “được” lắng nghe những lời phê bình của bố mẹ”
Những “nghệ thuật” khi phê bình con
Để có thể giúp con nhận thức và sửa chữa những sai lầm, đồng thời không làm tổn thương đến lòng tự trọng của con trẻ, người làm bố, làm mẹ cần cả một “nghệ thuật” trong phê bình.
1. Tìm nguyên nhân, tránh căng thẳng
+ Mỗi lúc con trẻ gây ra một sai lần nào đó, sự việc chắc chắn cũng có những nguyên do ít nhiều. Vì thế, trước khi thực hiện phê bình, bố mẹ cũng nên để con cái tự nói lên những lý do về hành động sai phạm của chính bản thân chúng.
+ Cha mẹ tránh gây căng thẳng cho cuộc nói chuyện ngay từ phút đầu bằng những mệnh lệnh, những lời quát mắng…
+ Bố mẹ càng tạo được tâm lý “lắng nghe” ở con trẻ bao nhiêu thì sự phê bình sau đó càng có kết quả bấy nhiêu.
+Tìm nguyên nhân gây lỗi giúp bố mẹ tránh được tính chủ quan trong phê bình con, hơn nữa dựa vào tâm lí của con để tiến hành phê bình hiệu quả hơn.
2.Thái độ nghiêm trang, giữ lập trường, quan điểm.
+ Khi phê bình con cần giữ thái độ nghiêm trang, nói chuyện với con bằng lý lẽ chứ không phải bằng những lời chì chiết.
+ Quan điểm, lập trường của bố, mẹ cần kiên định, trước sau như một trong suốt câu chuyện.
+ “Phê bình” có giá trị giáo dục nhưng nếu phê bình con một cách hồ đồ thì sẽ dẫn tới kết quả không hay.
3. Phê bình thỏa đáng, hợp lý
+ Phê bình con trẻ với giọng nói nhẹ nhàng, thái độ, nét mặt từ tốn..
+ Thái độ phê bình với tinh thần ân cần, rộng lượng, có lý lẽ, sức thuyết phục tác động lên lòng trắc ẩn để trẻ nhận ra lỗi và không tái phạm.
+ Cách phê bình, mức độ phê bình thoả đáng, hợp lý so với lỗi mà các em đã gây ra.
Vì sao con không tâm phục khẩu phục – Phương pháp khắc phục
1. Thái độ không nghiêm túc
+ Nếu đã phê bình con mà bé vẫn có thái độ như chưa có chuyện gì xảy ra thì chúng ta nên xem xét lại thái độ của mình khi phê bình con, trách mắng con có đúng hay không?
+ Nếu chỉ tập trung vào việc mắng con sẽ khiến bé buồn chán và không quan tâm đến lời nói của cha mẹ.
Phương pháp khắc phục:
+ Khi trách mắng hay phê bình con, cần có thái độ nghiêm túc, đúng mực, không nên tỏ ra “nộ khí xung thiên”. Điều cần quan tâm là thời điểm, phương pháp và thái độ phê bình của cha mẹ đối với bé.
+ Khi bé làm việc gì sai, có thể để con ngồi xuống rồi bình tĩnh trò chuyện. Việc trò chuyện này không chỉ dùng ngôn từ mà còn thông qua sắc mặt, ngữ điệu, ánh mắt… để bé cảm nhận được thái độ nghiêm túc của cha mẹ, từ đó hiểu được mức độ sai của mình.
Khi phê bình con tránh thái độ “nộ khí xung thiên” đối với trẻ (Ảnh minh họa)
2. Nhanh chóng mềm lòng
+ Sau khi bị cha mẹ phê bình, bé thường khóc nên trông rất tội nghiệp… Vì thế, người lớn thường cảm thấy hơi “quá lời” nên không mắng con nữa mà ôm bé vào lòng vỗ về, có người còn xin lỗi con…
+ Việc này không có lợi trong việc giáo dục bởi bé sẽ không nhận thức được lỗi của mình gây ra và những lần trách mắng con sau này hầu như không có tác dụng.
Phương pháp khắc phục:
+ Giữ lập trường, quan điểm trước sau như một.
3. Chỉ dọa suông
+ Khi con không nghe lời, nhiều người thường đưa ra hình thức để dọa con: không cho ăn cơm, không cho đi chơi … Nhưng thường không thực hiện.
+ Một vài lần đầu có thể bé sẽ sợ mà vâng lời nhưng khi thấy không có hình phạt nào được thực hiện, bé sẽ “nhờn” và không coi trọng lời nói của cha mẹ nữa.
Phương pháp khắc phục:
+ Bố mẹ nên chọn những hình thức phù hợp và phải nghiêm túc thực hiện, giám sát: không cho xem ti vi, không cho chơi đồ chơi…
Bố mẹ chọn hình thức phạt phù hợp và phải giám sát thực hiện (Ảnh minh họa)
4. Chỉ phê bình con mà không khen
+ Chỉ chăm chăm phê bình con khi con mắc lỗi mà bỏ qua ưu điểm và những việc tốt bé làm được thì hoàn toàn không phải cách giáo dục tốt.
Phương pháp khắc phục:
+ Thực hiện phương pháp: mắng đúng lúc, khen đúng mực thì hiệu quả trong lời nói của cha mẹ sẽ được bé “hưởng ứng” tốt hơn, biết nghe lời cha mẹ hơn.
Lời kết
Sinh con ra, ai cũng yêu thương con mình…Tuy nhiên, tình yêu thương đó cần kết hợp với phương pháp giáo dục trong việc dạy dỗ giúp trẻ ngoan ngoãn, hình thành tính cách ngay từ thủa còn thơ.
Khi con mắc lỗi, việc phê bình con làm sao để bé nghe lời và rút kinh nghiệm là cả một nghệ thuật. Phương pháp giáo dục con, đặc biệt là “cách phê bình con” của người Nhật chỉ là những điều rất bình dị: tìm hiểu nguyên nhân gây lỗi, phê bình thỏa đáng, không mắng nhiếc, chì chiết …. giúp bé nhận ra khuyết điểm của mình là điều tối quan trọng làm nên thành công trong cách giáo dục trẻ.
Cách phê bình con của người Nhật là bài học thực tiễn đối với những ông bố, bà mẹ trẻ Việt Nam trong việc giáo dục, dạy dỗ những mầm non tương lai của đất nước.
Benh.vn