Hầu hết những người có tuổi đều ham muốn và có khả năng tận hưởng hoạt động tình dục rất tích cực và thỏa mãn. Sinh hoạt tình dục thường xuyên sẽ giúp duy trì khả năng tình dục. Tuy nhiên, theo thời gian từng người có thể nhận biết sự đáp ứng nhu cầu tình dục có phần chậm chạp đi. Đó là quá trình lão hóa bình thường.
1. Những thay đổi sinh lý theo tuổi
Ở nữ giới thì thấy rằng hình dạng và độ đàn hồi của âm đạo thay đổi. Những thay đổi này có thể không làm cho mất hoàn toàn hứng thú. Âm đạo của hầu hết mọi phụ nữ đều kém khả năng tiết dịch ảnh hưởng đến việc đạt khoái cảm. Tuy vậy, có thể khắc phục bằng những loại dầu bôi trơn theo chỉ định của dược sĩ.
Ở nam giới thường thấy những thay đổi có phần rõ rệt hơn. Có thể cần thời gian lâu hơn để đạt độ cương cứng của dương vật hoặc việc cương cứng cũng không kéo dài lâu và không đủ độ lớn như khi còn trẻ. Cảm giác của việc xuất tinh cũng ngắn hơn. Đồng thời việc cương cứng mất nhanh hơn sau khi đạt sự cực khoái và để lặp lại sự cương cứng cũng phải mất một thời gian dài.
Có một số người còn dùng đến biện pháp kích thích bằng tay. Khi đàn ông càng lớn tuổi, bất lực càng tăng, đặc biệt ở những người bị bệnh tim, cao huyết áp và tiểu đường. Bất lực là trạng thái mất khả năng đạt và duy trì độ cương cứng đủ của dương vật để giao hợp. Nên trao đổi với bác sĩ về tình hình của bạn. Một số trường hợp bất lực có thể điều khiển hoặc thậm chí chữa trị được.
2. Những ảnh hưởng của bệnh bất lực
Mặc dù bất lực có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động tình dục, nhưng dù cho ở trong những trường hợp nghiêm trọng nhất nào thì bạn cũng không nên ngừng quan hệ tình dục.
Bệnh tim mạch
Nhiều người có tiền sử bệnh tim e ngại quan hệ tình dục sẽ làm tái phát bệnh. Thật ra, nguy cơ này rất thấp. Hãy tham khảo lời khuyên từ bác sĩ của bạn. Đa số chúng ta có thể bắt đầu sinh hoạt tình dục trở lại sau 3 đến 4 tháng từ khi bị một cơn đau tim.
Tiểu đường
Hầu hết những người bị bệnh tiểu đường không gặp trở ngại gì, nhưng đây lại là một trong số những bệnh có thể gây bất lực. Điều trị theo y khoa hiện đại có thể thành công trong đa số trường hợp.
Đột quỵ
Khả năng sinh dục ít bị ảnh hưởng bởi cơn đột quỵ và cũng khó xảy ra khi gắng sức trong lúc quan hệ. Có thể sử dụng những thiết bị y khoa để hỗ trợ chứng liệt dương này.
Thấp khớp
Cơn đau khớp làm giới hạn sinh hoạt tình dục. Phẫu thuật và thuốc uống có thể làm giảm nhẹ cơn đau. Một vài trường hợp dùng thuốc đã làm giảm ham muốn. Cần tập thể dục, nghỉ ngơi, tắm nước ấm và thay đổi tư thế cũng như thời gian trong sinh hoạt tình dục sẽ giúp ích rất nhiều.
Phẫu thuật
Đa số mọi người thường lo lắng với bất cứ loại phẫu thuật nào, đặc biệt là khi có liên quan tới bộ phận sinh dục. Nhưng tin tốt là hầu như mọi người đều tìm được hứng thú với hoạt động tình dục giống như trước khi trải qua phẫu thuật.
Phẫu thuật cắt bỏ dạ con (hysterectomy)
Đây là loại phẫu thuật được thực hiện chính xác và không làm tổn hại tới chức năng sinh dục. Nếu phẫu thuật làm mất khả năng đạt khoái cảm trong quan hệ tình dục thì bạn nên gặp một người tư vấn để tìm biện pháp giải quyết. Đàn ông có thể cảm thấy người bạn tình của mình “ít nữ tính” hơn sau khi được phẫu thuật cũng nên cần sự giúp đỡ của người tư vấn.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn bộ ngực (mastectomy)
Mặc dù cơ thể nữ giới hầu như lúc nào cũng có khả năng đáp ứng với những nhu cầu về tình dục, nhưng khi thực hiện phẫu thuật này có thể làm mất đi ham muốn và những xúc cảm trong hoạt động tình dục. Những chương trình mang tên “Tiến tới sự phục hồi” của Hiệp hội Ung Thư Mỹ (ACS) rất hữu ích cho cả nữ giới lẫn nam giới
Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tiền liệt (prostatectomy)
Đôi khi phẫu thuật này rất cần thiết khi tuyến tiền liệt bị phình to. Quá trình này hiếm khi gây nên tình trạng bất lực. Nếu cần thiết cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt thì những kỹ thuật mới trong phẫu thuật y khoa hiện đại sẽ giữ lại những dây thần kinh đi vào dương vật và việc cương cứng cũng vẫn bình thường. Khi bạn thấy sinh hoạt tình dục là quan trọng, nên trao đổi với bác sĩ trước khi phẫu thuật để duy trì đời sống tình dục thỏa mãn sau này.
Bác sĩ Phùng Hoàng Đạo