Người đi khám bệnh ngoài nỗi lo bệnh tật lại phải để ý tài sản cá nhân, mà móc túi, đánh thuốc mê, giả bệnh xin tiền… là những chiêu thức mà hàng loạt nhóm tội phạm sử dụng để kiếm ăn trong các bệnh viện. Bởi lẽ, bệnh viện là nơi luôn đông người, tự do ra vào, từ lâu đã là “đất lành” của những kẻ gian xảo, gây bức xúc hoang mang cho nhiều người.
Trong khi các ngành chức năng vẫn đang đau đầu với vấn nạn này, những kẻ chuyên nghiệp đã “đẻ” ra thêm nhiều “kỹ nghệ” lừa đảo khác, gian xảo đến mức khó có thể ngờ tới.
Muôn kiểu lừa đảo
Người phụ nữ khoảng ngoài 40 tuổi, dáng vẻ nom cũng rất quê mùa, luôn miệng nói đưa người nhà đi khám bệnh ở Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội chưa tới lượt, bệnh viện đông quá. Trong lúc nói chuyện, người này sẽ hỏi: Cái điện thoại của anh (chị) giá bao nhiêu, rồi bỏ chiếc điện thoại đang rung bần bật trong túi xách của chị ta ra rồi gạ, hay anh (chị) có mua, tôi để cho… Chiêu thức lừa đảo của chị ta là dùng chiếc điện thoại đang thời thượng (iPhone), nhưng là hàng Trung Quốc, trông giống như của Hãng Apple mà những người chưa từng dùng qua khó mà phân biệt được bằng mắt thường để làm mồi nhử nhằm đánh vào lòng tham và ham của rẻ của người nhẹ dạ.
Ở hầu hết các BV, nhiều kẻ gian dã tâm đánh thuốc mê con mồi. Tại BV Từ Dũ TP.HCM, 2 mẹ con chị L.M.K được một người đàn bà khoảng 60 tuổi đến làm quen và nói những chuyện làm từ thiện. Lát sau, bà này mời hai mẹ con uống nước. Uống xong, cả hai đều mê man. Các bác sĩ phải thực hiện cấp cứu cho nạn nhân. Sau khi hai mẹ con tỉnh lại chỉ còn biết than trời vì tiền bạc, đồ dùng mất sạch. Một chiêu thức khác tinh vi và bài bản hơn nhiều là kẻ gian tổ chức thành nhóm, giả bệnh nhân để lừa xin “đểu”. Bảo vệ BV Chợ Rẫy âm thầm theo dõi trong thời gian dài mới phá được chiêu lừa tinh vi của một nhóm 3 đối tượng chuyên đóng kịch xin tiền. Một đối tượng nữ giả đau ốm, đi khám bệnh cùng chồng, vờ bị kẻ gian móc túi, không có tiền mua vé xe về quê. Đối tượng nam còn lại ăn mặc sang trọng, đeo dây chuyền vàng ra vẻ thương cảm, móc 200 nghìn đồng ra cho và hô hào mọi người trợ giúp. Bọn chúng đã lợi dụng lòng trắc ẩn của người dân, lừa gần 3 triệu đồng.
Giả danh là … bác sĩ
Gần đây, các BV rộ lên tình trạng bác sĩ, y tá rởm hoành hành. Bảo vệ BV Nguyễn Tri Phương cho biết, hầu như tháng nào cũng bắt được vài vụ kẻ gian đóng giả bác sĩ lừa tiền gia đình người bệnh. Tại BV Chợ Rẫy, đội bảo vệ từng bắt được đối tượng tên là Phạm Cao Cường, sinh năm 1983, ở Thái Bình. Cường tới khoa Cấp cứu và lầu 8 B1 của Bệnh viện Chợ Rẫy, mặc áo blouse lừa lấy số tiền 1,5 triệu đồng của chị Cao Thị Mai. Theo lời kể của người bị hại, chị thấy một thanh niên mặc áo bác sĩ có logo của Bệnh viện Chợ Rẫy, đeo kính, ngồi ngoài hành lang lầu 8 B1. Tưởng là bác sĩ của khoa nên chị đến hỏi thăm tình trạng sức khỏe của người nhà. Cường tự xưng là thạc sĩ – bác sĩ Trần Minh, gợi ý nếu bệnh nhân muốn được mổ nhanh phải đưa phong bì. Hắn hứa sẽ lo lót, chỉ trong 3 ngày bệnh nhân sẽ xuất viện. Tưởng thật, chị Mai ghi tên bệnh nhân lên tờ giấy trắng, gói vào đó số tiền 1,5 triệu đồng, đưa cho tên bác sĩ giả mạo. Sau khi bị bắt, Cường còn khai với bảo vệ, một ngày trước, hắn cũng giả làm bác sĩ và lừa được 500 nghìn đồng từ một thân nhân người bệnh tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện. Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ của BV Bạch Mai cũng đã từng phát hiện một phụ nữ mặc áo nhân viên y tế, đeo thẻ tại Phòng khám tiêu hóa 302 dẫn người đi khám. Tuy nhiên, điều lạ là tấm thẻ đeo trên ngực lại hoàn toàn màu trắng, không có logo BV, không tên và khoa phòng làm việc. Nghi ngờ, lực lượng bảo vệ đã mời người phụ nữ nói trên về phòng bảo vệ làm việc. Tại đây, chị ta khai tên là Trần Thị Hà Anh – 34 tuổi, ở xã Phú Đô, huyện Từ Liêm, Hà Nội – không phải là bác sĩ hay y tá của BV mà chỉ giả danh nhân viên y tế đưa chị Trần Thị Thu Hương ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ đi khám bệnh. Ông Hồ Quang Tấn – Trưởng phòng Bảo vệ chính trị nội bộ BV Bạch Mai nhận định: “Một người không phải là nhân viên y tế mà mặc áo blouse giả dạng như vậy hẳn phải có ý đồ gì đó. Do đó, dù chưa bắt quả tang và chưa có đối tượng bị hại, BV vẫn lập biên bản và chuyển sang Công an phường Phương Mai”.
“Nạn lừa đảo trong bệnh viện ngày càng tinh vi và khó lường. Để triệt phá, nhiều lúc chính bảo vệ cũng phải đóng vai người nuôi bệnh, ăn chực nằm chờ ngoài hành lang hàng tháng trời”, ông Trần Cư – Đội trưởng Bảo vệ BV Chợ Rẫy nói. Hơn 30 năm trong nghề, ông chứng kiến không ít thủ đoạn lừa đảo, trong đó có những kịch bản tinh vi đến mức công an cũng khó ngờ tới.
Người bệnh và thân nhân luôn cần cảnh giác
Đội trưởng Đội bảo vệ BV Chợ Rẫy Trần Cư tư vấn vài nguyên tắc để tự bảo vệ mình trong BV như sau: Không ăn đồ ăn, uống nước của người lạ mời để tránh bị đánh thuốc mê. Không nhận giữ đồ hoặc gửi đồ cho người không quen biết phòng kẻ gian bắt chuyện lừa đảo. Bác sĩ, y tá và nhân viên BV ngoài đồng phục tất cả đều có bảng tên ghi rõ tên tuổi. Thân nhân người bệnh cần thiết phải tìm hiểu kỹ tên tuổi của bác sĩ, y tá tại khoa điều trị rồi mới tiếp xúc. Trường hợp bị gạ gẫm, đe dọa, cần liên hệ ngay trực ban bảo vệ để được giúp đỡ.
Ông Phan Thanh Hải – Trưởng phòng Bảo vệ của Bệnh viện TW Huế cho biết, mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt người ra vào bệnh viện nên công tác quản lý rất khó khăn; tội phạm trà trộn, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để trộm cắp, lừa lấy tài sản. Trước tình hình đó, Ban giám đốc chỉ đạo Phòng bảo vệ kiên quyết đấu tranh đảm bảo an ninh, phòng chống tội phạm, đem lại sự bình yên trong bệnh viện. Theo số liệu thống kê của các bệnh viện, nhờ có sự chủ động, tăng cường giám sát nên tình hình mất an ninh trật tự trong phạm vi các bệnh viện đang có chiều hướng giảm. Bên cạnh đó, sự chú trọng đầu tư trang thiết bị công nghệ cao như đặt máy quay, lắp đặt phòng quan sát đang hỗ trợ đắc lực công tác bảo vệ sự an toàn tuyệt đối cho những người đến bệnh viện. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự cảnh giác cao độ của thân nhân người bệnh và bệnh nhân. Hãy tự bảo vệ chính mình và dũng cảm tố cáo tội phạm.
Benh.vn (theo SKĐS)