Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Zika là loại virus truyền qua muỗi Aedes có tốc độ lan truyền rất nhanh, đặc biệt tại khu vực châu Mỹ. Đến nay đã có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận virus Zika xâm nhập hoặc lưu hành, Thái Lan cũng báo cáo 2 trường hợp mắc.
Mục lục
Sự lây truyền của virus Zika
Các chuyên gia cho rằng virus Zika lây truyền nhanh có 2 lý do. Thứ nhất, người dân chưa từng phơi nhiễm với virus này nên không có miễn dịch trong cộng đồng. Thứ hai, muỗi Aedes truyền virus Zika (cũng là loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết) rất phổ biến ở nhiều vùng trên thế giới, đặc biệt là các nước đang có dịch sốt xuất huyết lưu hành.
Đường lây truyền virus Zika từ muỗi Aedes đã được khẳng định rõ ràng, còn các đường khác rất hạn chế. Khi tiến hành phân lập virus này trong tinh dịch đã ghi nhận một trường hợp có khả năng lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên cần có thêm những bằng chứng để khẳng định chắc chắn đường lây này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Zika có thể lây truyền qua đường máu nhưng không phổ biến. Dù vậy WHO khuyến cáo việc hiến và truyền máu cần được tuân thủ theo đúng quy trình chuẩn để đảm bảo an toàn.
Các nghiên cứu gần đây đã cung cấp thêm bằng chứng khẳng định chắc chắn hơn về đường lây truyền virus Zika từ mẹ sang con khi sinh. Dù vậy cho đến nay chưa có bằng chứng cho thấy lây qua sữa mẹ. Các bà mẹ trong vùng lưu hành virus này được khuyên nên duy trì cho con bú sữa mẹ bình thường.
Dấu hiệu nhận biết cơ thể đang mắc virus Zika
Trong vòng 2 tuần sau khi tiếp xúc với vùng dịch, người nhiễm virus có những dấu hiệu như sốt, mắt đỏ, phát ban hoặc đau nhức cơ.
Hầu hết mọi người không biết mình đang nhiễm bệnh, do virus Zika rất khó để nhận biết. 80% phụ nữ mang thai mắc bệnh không biết mình đang nhiễm virus, theo ông David Colombo, Giám đốc bộ phận y học bào thai thuộc Nhóm y tế Sức khỏe Spectrum (Mỹ). Các triệu chứng khi mắc bệnh gồm sốt, phát ban, viêm kết mạc (mắt đỏ) hoặc hiện tượng nhức đầu, đau cơ. Các triệu chứng này kéo dài trong một tuần. Nếu bạn có những biểu hiện bệnh này sau khi tiếp xúc với khu vực bùng phát virus thì nên đến gặp bác sĩ và thực hiện xét nghiệm.
Khi bị nhiễm virus Zika, chỉ khoảng 20% bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng tương tự như các triệu chứng thường gặp của sốt siêu vi, sốt xuất huyết bao gồm sốt, mệt mỏi, đau khớp, phát ban, viêm kết mạc, đau cơ, đau đầu. Các triệu chứng thường nhẹ, kéo dài trong khoảng 2 đến 7 ngày. Thời gian ủ bệnh hiện chưa xác định rõ, có thể trong vòng vài ngày đến một tuần.
Biểu hiện nặng
Biểu hiện nặng của virus Zika bao gồm viêm não, hội chứng Guillain-Barré (viêm đa rễ thần kinh) gây ra những rối loạn về thần kinh, miễn dịch, nhưng rất ít. Hiện chưa ghi nhận ca tử vong nào do virus Zika. Ảnh hưởng của virus chủ yếu được khuyến cáo ở phụ nữ mang thai khi nhiễm bệnh có thể ảnh hưởng tới đứa con trong bụng, gây hội chứng teo đầu ở trẻ sơ sinh.
Bệnh đầu nhỏ đặc trưng bởi phần đầu nhỏ bất thường do não phát triển lệch lạc hoặc ngừng phát triển. Dấu hiệu của bệnh có thể xuất hiện khi thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ hoặc sau khi trẻ ra đời được vài năm.
Bệnh do virus Zika chưa có văcxin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Chỉ có thể điều trị các triệu chứng như hạ sốt, giảm đau… Người nhiễm virus này được khuyên nên nghỉ ngơi nhiều hơn, uống nước đầy đủ, nếu nặng hơn nên đến gặp bác sĩ. Điều quan trọng là không để bị muỗi đốt nhằm tránh lây lan cho cộng đồng bằng cách ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài che phủ cả chân tay.
Chẩn đoán mắc virus Zika
Chưa có xét nghiệm đặc hiệu riêng đối với virus Zika, test tìm virus sẽ được thực hiện tại phòng thí nghiệm chẩn đoán bằng test chẩn đoán Arbovirus ở cơ sở y tế nhà nước. Xét nghiệm được chẩn đoán bằng chuỗi phản ứng ngược transcriptase-polymerase (RT-PCR) trên huyết thanh.
Virus tạo IgM và kháng thể trung hòa thường phát triển vào cuối tuần đầu tiên của bệnh; phản ứng chéo với flaviviruses liên quan (ví dụ, sốt xuất huyết và virus sốt vàng) là phổ biến và có thể khó khăn để phân biệt. thử nghiệm trung hòa Plaque giảm có thể được thực hiện để đo kháng thể trung hòa virus và phân biệt đối xử giữa các kháng thể phản ứng chéo trong nhiễm flavivirus.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan nhanh tại nhiều nước trên thế giới, Bộ Y tế Việt Nam đang phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới theo dõi sát tình hình và bàn các biện pháp phòng chống. Bộ đã có văn bản chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Pasteur tiến hành giám sát và xét nghiệm xác định sự lưu hành của virus Zika.
Đến nay chưa ghi nhận sự lưu hành của virus này ở Việt Nam. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá nguy cơ virus Zika xâm nhập là hoàn toàn có thể do Việt Nam đang lưu hành loại muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền Zika, đồng thời có sự giao lưu thương mại, du lịch, lao động rất sôi động với các nước trên thế giới.
Các biện pháp phòng bệnh
Để chủ động phòng chống bệnh do virus ZIKA , Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
– Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus ZIKA chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
– Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
– Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa, dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ. Lật úp các dụng cụ không chứa nước. Thường xuyên thay nước bình hoa. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
– Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
– Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
– Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.
Lời kết
Hiện nay không có thuốc tiêm chủng đề phòng ngừa hoặc điều trị cho virus Zika. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang từng bước phát triển một loại văcxin. Tuy nhiên loại văcxin phòng bệnh sẽ chưa thể được hoàn thiện trong năm nay.
Những phụ nữ mang thai có kế hoạch đến thăm một khu vực bị ảnh hưởng hoặc bùng phát dịch cần có những bước kiểm tra y tế chặt chẽ. Trong suốt chuyến đi và 2 tuần sau đó, thai phụ phải thường xuyên theo dõi những triệu chứng của cơ thể và tiến hành những xét nghiệm máu cần thiết. Người phụ nữ không có biểu hiện bất thường về sức khỏe như mệt mỏi hay sốt, các bác sĩ cũng khuyến cáo họ nên siêu âm. Việc siêu âm thai phụ đến từ vùng có dịch nhằm sớm phát hiện những em bé mắc virus với đầu nhỏ.
Trên thực tế không một liệu pháp can thiệp nào có thể đảo ngược quá trình phát triển để chữa những khiếm khuyết cho trẻ. Tuy nhiên, việc sớm phát hiện virus có thể giúp gia đình chuẩn bị tâm lý, tinh thần và nhiều điều kiện khác cho sự ra đời của trẻ.
Những người có nhu cầu du lịch đến một vùng đất bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có sự phòng ngừa tối đa như thuốc chống côn trùng, mặc quần áo dài tay khi ngủ, ngủ trong màn và ở nơi có điều hòa không khí.
Benh.vn