Băng huyết sau sinh hiện nay vẫn còn là một trong những tai biến sản khoa đứng hàng đầu gây tử vong cho các bà mẹ trên thế giới và Việt Nam. Mặc dù các điều kiện cơ sở y tế ngày càng được nâng cao, chất lượng về máy móc và trình độ của đội ngũ cán bộ y tế đã tiến bộ vượt bậc so với nhiều thập niên trước, nhưng băng huyết sau sinh vẫn là một tai biến đáng sợ.
Mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 515.000 phụ nữ tử vong trong quá trình mang thai và sinh nở, trong đó 130.000 phụ nữ chảy máu cho đến chết trong khi sinh. Theo WHO thống kê năm 1998, có 100.000 ca tử vong mỗi năm do băng huyết sau sinh, chiếm 25% tử vong mẹ. Ở Mỹ, theo Chichakli và cộng sự, năm 1999, Băng huyết sau sinh chiếm 30% các nguyên nhân gây tử vong của mẹ, còn theo thống kê của Bonnar (năm 2000), đó là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Mỹ từ năm 1985 đến 1996. Đối với các thai phụ không được hưởng các điều kiện tốt về chăm sóc sức khỏe sinh sản ban đầu cũng như trong quá trình sinh nở, thì tỉ lệ tử vong do băng huyết sau sinh lên đến 40% (theo Nagaya và cộng sự, năm 2000).
Còn tại Việt Nam, theo nhiều tác giả, tỉ lệ băng huyết sau sinh chiếm từ 3%-8% tổng số sinh.
Theo thống kê năm 2002 của Vụ bảo vệ bà mẹ trẻ em, trong danh mục 5 tai biến sản khoa của toàn quốc, băng huyết sau sinh là tai biến thường gặp nhất (chiếm 50%) và cũng là nguyên nhân gây tử vong cao nhất (chiếm 78,8%).
Theo tiến sĩ Vũ Thị Nhung, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM): “Trong số khoảng 30.000 sản phụ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương mỗi năm, băng huyết sau sinh chiếm tỷ lệ từ 1,5%-2%, trong đó có 35% phải truyền máu”. Còn theo bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy – phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM): “Băng huyết sau sinh là một trong năm tai biến sản khoa thường gặp, chiếm tỷ lệ từ 2%-10% tổng số ca. Khảo sát trong nhiều năm liền tại Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm có ít nhất 100 trường hợp sản phụ bị băng huyết sau sinh trong tình trạng nặng”.
I. Băng huyết sau sinh là gì?
Băng huyết sau sinh là khi lượng máu chảy từ đường sinh dục trong vòng 24 giờ sau sinh:
– hoặc > 500 ml
– hoặc máu mất > 1% trọng lượng cơ thể hoặc > 10% Hct
– hoặc lượng máu mất bất kỳ có ảnh hưởng đến huyết động học
Mức độ nặng của băng huyết sau sinh không chỉ phụ thuộc vào lượng máu mất, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thể trạng của sản phụ trước khi bị băng huyết. Trên thế giới, người ta thường lấy chuẩn mất máu bằng hoặc hơn 500 ml máu trong vòng 24 giờ sau sinh để chẩn đoán băng huyết sau sinh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đa phần sản phụ thường bị thiếu máu trước đó do nhiều nguyên nhân khác nhau như dinh dưỡng kém, nhiễm ký sinh trùng, không bù đủ sắt sau hành kinh hoặc lúc mang thai… nên chỉ cần mất thêm một lượng máu dù chỉ 200-300 ml, cũng có thể đưa đến rối loạn huyết động. Vì vậy, kinh nghiệm phán đoán và nhận định để đề phòng băng huyết sau sinh của các bác sĩ Việt Nam càng cần phải nhạy bén hơn nữa, sao cho phù hợp với thể trạng chung của sản phụ Việt Nam.
II. Cơ chế gây ra băng huyết sau sinh
Điểm neoỞ thai kỳ đủ tháng, tử cung và nhau nhận trung bình 500-800 mL máu mỗi phút qua hệ thống mao mạch kháng lực thấp của chúng. Dòng chảy cao này sẽ khiến cho tử cung khi có thai nếu có chảy máu vì một bất thường nào đó về mặt sinh lý sẽ bị mất máu đáng kể. Trong suốt thai kỳ, thể tích máu mẹ tăng khoảng 50%, giúp tăng khả năng chịu đựng của cơ thể đối với sự mất máu khi sinh.
Quá trình chuyển dạ gồm 3 giai đoạn: xóa mở cổ tử cung, sổ thai và sổ nhau. Sau khi sổ thai, tử cung co hồi lại để giảm thể tích. Do nhau không có tính đàn hồi nên sự thu nhỏ của tử cung sẽ làm cho nhau tróc ra một phần khỏi vị trí bám. Máu từ nơi nhau bám chảy ra tạo thành khối máu tụ sau nhau, và chính khối máu tụ này sẽ làm cho nhau tiếp tục bong ra. Các cơn co của tử cung sẽ từ từ tống nhau ra ngoài. Sau sổ nhau, tử cung sẽ bắt đầu tiến trình co thắt, các sợi cơ đan chéo của tử cung co rút ngắn lại sẽ siết các mạch máu của tử cung ở vị trí nhau bám như những nút thắt được gọi là các “nút thắt sinh lý” hay “nút thắt sống”. Tiến trình này cùng với cơ chế đông máu bình thường của cơ thể sẽ tạo thành các cục máu đông ở mạch máu giúp ngưng chảy máu.
Trong trường hợp tử cung không co hồi được hoặc nhau không tróc và số ra ngoài, băng huyết sẽ xảy ra. Đờ tử cung hoặc khả năng co hồi của tử cung giảm chiếm 80% các nguyên nhân gây băng huyết. Các nguyên nhân chính khác gồm có vị trí bám nhau bất thường hoặc sót nhau, rách mô hoặc mạch máu trong vùng chậu và đường sinh dục, và rối loạn đông máu.
Benh.vn (Theo Hosrem)