Mộng du là một chứng bệnh, tuy không phổ biến nhưng người bệnh thường tự đưa mình vào chỗ nguy hiểm hoặc gây gây ra những tai họa nghiêm trọng cho người khác. Trong gia đình nếu có người đã mắc bệnh mộng du thì con cái của họ dễ có khả năng bị ảnh hưởng từ cha mẹ, anh chị em… Vậy, nguyên nhân gây bệnh mộng du là gì? Cách điều trị bệnh mộng du như thế nào?
Mục lục
Tìm hiểu về bộ não
Não là trung tâm điều khiển của hệ thần kinh trung ương, chịu trách nhiệm điều khiển hành vi. Não được bảo vệ bởi hộp sọ và gần với các giác quan chính gồm: thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, và cơ quan cảm giác về thăng bằng.
Não người có hơn 100 tỉ tế bào thần kinh, mỗi tế bào thần kinh liên kết với khoảng 100 ngàn tế bào thần kinh khác.
Thế nào là bệnh mộng du?
Mộng du là tình trạng đi trong giấc ngủ. Đây là một loại rối loạn giấc ngủ, người đi trong giấc ngủ tiến hành một số hoạt động trong khi dường như vẫn đang ngủ.
Bệnh mộng du (Ảnh minh họa)
Biểu hiện khi bị bệnh mộng du
+ Người bệnh đang ngủ ngồi dậy mở mắt.
+ Sau đó đi vòng quanh trong phòng, đi về phía có ánh sáng (đi đến phòng khách, phòng bếp….)
+ Đi ra khỏi nhà bằng cách: trèo lên cửa sổ hoặc mở cửa đi ra ngoài…(Có trường hợp sau khi dậy thì ăn, làm việc, nói chuyện một mình…) nhưng thường gặp nhất là mộng du đi lại.
+ Một số người cởi hoặc mặc quần áo, lái ô tô, thực hiện một số hoạt động tình dục…
+ Các hành vi trông vụng về, lóng ngóng, đôi khi xuất hiện sự kích động, đàn ông thường có hành vi bạo lực.
+ Người mộng du có thể tấn công người đánh thức mình…
Mộng du thường gặp ở lứa tuổi nào?
+ Ở trẻ em (hay gặp nhất là từ 3-7 tuổi).
+ Ngoài ra, mộng du có thể gặp ở bất cứ tuổi nào.
Mộng du thường gặp ở trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân
+ Do lo âu, mệt mỏi, mất ngủ vào ban đêm.
+ Ngủ không có giờ giấc, sốt, ốm đau triền miên.
+ Do thiếu magiê, trào ngược thực quản, sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tâm thần, thuốc an thần, thuốc kháng histamin …
+ Do môi trường lạ, ồn ào, bị stress..
+ Do rối loạn tâm thần, phản ứng với thuốc, người uống nhiều rượu, có xảy ra những cơn động kinh cục bộ.
+ Do các bệnh về não như thiếu máu não thoáng qua, các bệnh mạch máu não…đối với người già.
+ Trong gia đình có trẻ mộng du, các trẻ khác cũng dễ mắc.
+ Các nhà khoa học cho rằng mộng du có liên quan đến những thay đổi ở một vài gene nhất định. Hoạt động của gene đột biết có thể làm tê liệt hệ thống thần kinh, khiến cho người ta không thức giấc.
Lưu ý: Mộng du thường không xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh.
Bệnh mộng du do các bệnh về não, stress, hệ thần kinh…(Ảnh minh họa)
Đặc điểm của mộng du
+ Mộng du kéo dài từ vài giây đến 30 phút.
+ Mộng du thường xuất hiện 1-2 giờ sau khi ngủ vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ (giấc ngủ sâu)
+ Mộng du có thể kết thúc đột ngột, người bệnh có thể trở lại giường và tiếp tục ngủ.
+ Mộng du có thể xảy ra hằng đêm, cũng có thể không thường xuyên.
+ Khi ngủ dậy, người bệnh không nhớ gì về sự việc đã xảy ra.
+ Người mộng du có thể làm tổn thương đến chính mình hoặc gây ra những tai họa nghiêm trọng cho người khác.
Các dạng mộng du
+ Mộng du đi lại (sleepwalking).
+ Mộng du nói chuyện (sleeptalking).
+ Mộng du ăn (slepp eating).
+ Mộng du làm việc (sleep texting)…
Có nhiều loại mộng du nhưng mộng du đi lại thường gặp nhất (Ảnh minh họa)
Điều trị mộng du như thế nào ?
Trong sinh hoạt hàng ngày
+ Để người bệnh ngủ đủ thời gian và có giờ giấc ổn định.
+ Bố trí người bệnh ngủ ở tầng trệt, trong phòng không có đồ đạc có thể gây hại, cửa phòng và cửa sổ được cài then (để chuông báo động khi bệnh nhân tự mở cửa)
+ Không nên cố gắng đánh thức người đang mộng du vì có thể làm họ bị kích động.
+ Đối với trẻ em, khi bị mộng du cần nhẹ nhàng đưa trẻ vào nhà vệ sinh (trẻ em thường đi giải đêm) sau đó đưa về giường ngủ (Cần đảm bảo đủ thời gian ngủ cho trẻ).
+ Ghi chép thời gian từ lúc trẻ ngủ đến lúc bắt đầu mộng du sau đó đánh thức trẻ 15 phút trước khi bắt đầu mộng du, giữ cho trẻ thức 5 phút (thực hiện 1 tuần hoặc đến khi trẻ không còn mộng du nữa).
Sử dụng thuốc
+ Trong một số trường hợp có thể sử dụng thuốc an thần nhóm benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
+ Nếu bị các bệnh lý khác như động kinh, rối loạn tâm thần thì kết hợp điều trị các bệnh lý đó.
+ Những trường hợp bệnh bắt đầu ở tuổi trưởng thành cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tâm thần nếu bị mộng du thường xuyên, tự gây hại cho bản thân hoặc tấn công người khác…
Tuy nhiên, tất cả các phương pháp trên chỉ có tính chất hỗ trợ. Hiện nay chưa có thuốc hoặc kỹ thuật y học nào có thể chữa được bệnh mộng du.
Hiện chưa có thuốc điều trị bệnh mộng du (Ảnh minh họa)
Chia sẻ từ người mắc chứng mộng du
Ông Sanford Rothman 63 tuổi sống tại Colorado – Mỹ
Ông Sanford Rothman tỉnh dậy vào một buổi sáng và nhận thấy mình đã bị thương nặng bởi một phát súng bắn vào đầu gối. Ông không ngờ rằng trong lúc mộng du, chính ông đã chạm vào khẩu súng và gây thương tích cho bản thân.
Ông Rothman được xác định bị mắc chứng mộng du với các biểu hiện hết sức kỳ quặc là đi lại và lục lọi đồ đạc trong phòng khi đang ngủ. Sau khi thức dậy, ông gần như không thể nhớ được những gì đã diễn ra vào đêm hôm trước cũng như những điều bản thân ông đã làm trong lúc bị mộng du.
Qua một chiếc camera thu lại những sự kiện diễn ra đêm hôm trước, bệnh nhân Rothman mới biết được bản thân ông đã làm những gì trong khi ngủ say. Các bác sỹ đã phát hiện tình trạng bệnh mộng du của ông Rothman là hết sức nghiêm trọng, đó là một dạng khủng hoảng có tên khoa học là paramonias. Dạng khủng hoảng này gồm nhiều dạng biểu hiện khác nhau, một trong số đó là tình trạng rối loạn hành xử thông thường rất hiếm gặp, một khi xảy ra, bệnh có thể gây ra nhiều rắc rối nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm cho chính bản thân bệnh nhân và những người xung quanh họ, đặc biệt là trong lúc ngủ.
Nghiên cứu tại trường Đại học Washington (Mỹ)
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Washington (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu 4 thế hệ của một gia đình và phát hiện thấy những DNA bị lỗi trong nhiễm sắc thể thứ 20. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy nhiễn sắc thể bị lỗi này ở 9 thành viên mắc chứng mộng du.
Sau khi phân tích các mẫu DNA của tất cả 22 thành viên của gia đình này, các nhà khoa học phát hiện thấy rằng tỷ lệ gen lỗi di truyền từ bố mẹ sang con là 50%. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng chứng mộng du có thể do lỗi của nhiều loại gien khác nhau và họ đang tiến hành nghiên cứu trên phạm vi rộng hơn.
Chúng tôi chưa thể xác định những gen nào gây ra chứng mộng du nhưng chắc chắn có liên quan tới những đột biết của nhiễm sắc thể 20”, tiến sĩ Christina Gurnett, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết.
Mặc dù chưa xác định được tất cả các loại gen lỗi gây chứng mộng du nhưng phát hiện mới nhất của các nhà khoa học người Mỹ là một tiền đề quan trọng giúp các nhà khoa học nghiên cứu và phát triển những phươp pháp điều trị mông du hiệu quả hơn.
Lời kết
Bệnh mộng du thường gặp ở trẻ nhỏ trong những giai đoạn bất ổn nào đó và bệnh giảm dần khi trẻ lớn lên. Ở người lớn, mộng du thường đi kèm với trạng thái căng thẳng, lo lắng và đôi khi là động kinh…
Bệnh mộng du vẫn còn là bí ẩn và hiện chưa có bất kỳ một loại thuốc nào có thể chữa được. Vì vậy, nếu trong gia đình có người bị mộng du, người bệnh cần đặc biệt quan tâm, chăm sóc về chế độ ăn uống, sinh hoạt, đặc biệt là tránh stress, đảm bảo giấc ngủ đủ thời gian…để hạn chế bệnh.
Benh.vn