Thông thường, niêm mạc mũi xoang và vòm mũi họng được bao phủ bởi một lớp niêm dịch, lượng niêm dịch này được tiết ra từ các tế bào trong niêm mạc khoảng từ 1-2 lít mỗi ngày.Tuy nhiên chảy mũi sau thường xuyên, đặc, có mùi là triệu chứng báo hiệu các bệnh về hệ hô hấp, xoang…
Mục lục
Thế nào là chảy mũi sau?
Theo nguyên lý, lớp niêm dịch này có chức năng làm ấm, ẩm không khí trước khi không khí đi vào phổi, đồng thời tham gia vào quá trình bắt giữ và vận chuyển các vi khuẩn, bụi bẩn đi vào đường hô hấp, xuống họng vào thực quản để sau đó các vi khuẩn và bụi bẩn này được tiêu hóa bởi các enzyme và dịch tiết của đường tiêu hoá. Khi chúng ta hoàn toàn không cảm nhận được quá trình diễn ra trong cơ thể này, có nghĩa là chúng ta đang khoẻ mạnh.
Ngược lại, khi cảm nhận rõ được quá trình này tức là có quá nhiều niêm dịch hơn bình thường. Và đây được gọi là triệu chứng chảy mũi sau.
Chảy mũi sau xuất hiện như thế nào ?
Triệu chứng như có chảy dịch từ hai hố mũi ngược ra vòm mũi họng, xuống thành sau họng một cách tự nhiên, khi có khi không; hoặc ứ đọng dịch trong hai hố mũi, hoặc ở vòm mũi họng làm bệnh nhân khó chịu, phải khịt khạc.
Ở một số bệnh nhân có cảm giác như vướng đờm trong họng nhưng không khạc được, muốn đằng hắng hoặc cảm giác như có một khối u trong họng làm vướng víu khó chịu. Một số trường hợp, dịch chảy xuống họng tạo ra một điểm kích thích gây ngứa ho thành tràng bất chợt, cảm giác lúc nào cũng mệt mỏi, bất tiện và không tự tin trong giao tiếp.
Dịch chảy mũi sau thường có màu trắng trong hoặc hơi đục không mùi. Tuy nhiên, trong trường hợp sau nhiễm siêu vi của đường hô hấp trên, viêm mũi xoang dị ứng, viêm mũi vận mạch viêm vòm mũi họng do trào ngược có thể đặc vàng hoặc xanh có mùi hôi.
Nguyên nhân của chảy mũi sau
Triệu chứng chảy mũi sau có thể là cấp tính nếu xảy ra dưới 4 tuần do các bệnh lý cấp tính như viêm mũi xoang cấp, sau viêm đường hô hấp trên do siêu vi; hoặc có thể xảy ra từ rất lâu trên 3 tháng gọi là mạn tính, do các bệnh lý mạn tính như viêm mũi xoang mạn tính, viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch, trào ngược họng thanh quản.
Phương pháp điều trị chảy mũi sau
Tùy theo nguyên nhân của bệnh mà sẽ có cách điều trị tương ứng phù hợp cho từng bệnh nhân. Trong đó, kháng sinh chỉ được sử dụng trong trường hợp có bằng chứng nhiễm trùng nếu như dịch chảy mũi sau là đàm xanh có mùi hôi, có bằng chứng của bệnh lý viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn hoặc viêm mũi xoang mạn tính có nhiễm khuẩn.
Các thuốc điều trị thông thường bao gồm thuốc kháng viêm, kháng dị ứng, rửa mũi và súc miệng bằng nước muối sinh lý ấm, xịt thuốc kháng viêm.
Cách xông mũi với tinh dầu
Đặc biệt trong trường hợp chảy mũi sau do sau nhiễm siêu vi đường hô hấp trên, xông nước ấm với tinh dầu theo cách làm trong dân gian cũng có hiệu quả rất tốt.
Cách làm rất đơn giản, lấy một thau nước nhỏ, đổ vào thau nước sôi cùng với 3-5 giọt dầu gió, sau đó ngồi đưa mặt gần thau nước khoảng cách khoảng 30-40 cm, chú ý nơi để thau và tư thế ngoài phải thật an toàn, đồng thời lấy khăn trùm kín đầu và thau nước cho kín hơi, rồi hít vào thở ra thật mạnh cho hơi nước cùng tinh dầu đi vào đường hô hấp trên. Mỗi ngày chỉ cần làm một lần vào tối trước khi ngủ. Cùng với sử dụng các thuốc kháng dị ứng và thuốc kháng viêm bệnh sẽ hết trong vòng 3-5 ngày.
Nếu chảy mũi sau do bệnh lý trào ngược họng thanh quản, việc điều trị sẽ bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống và uống thuốc giảm tiết axít từ một đến hai tuần.Trong trường hợp bệnh kéo dài không đáp ứng với điều trị nội khoa nên thực hiện nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày thực quản để xác định chẩn đoán và loại trừ một số bệnh lý khác của đường hô hấp trên.
Benh.vn (Theo tuoitre.vn)