Trầm cảm sau sinh để lại nhiều di chứng nặng nề cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Theo thống kê, tỉ lệ trầm cảm sau sinh đối với các bà mẹ trên thế giới chiếm khoảng 10 – 20% nhưng ở Việt Nam con số này tăng lên tới 33%. Vậy, nguyên nhân do đâu?
Mục lục
Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là một rối loạn thường gặp ở những bà mẹ trẻ, xuất hiện khoảng 1 năm sau khi sinh với các triệu chứng lo âu, trầm buồn, thu mình; suy nghĩ gây hại bản thân hoặc gây hại cho đứa trẻ, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của con.
Tại Việt Nam, tỉ lệ trầm cảm sau sinh theo một số nghiên cứu sàng lọc có thể lên tới 33%.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ trầm cảm sau sinh tại Việt Nam cao hơn thế giới
Do tục lệ kiêng khem truyền thống của người Á Đông
Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam trầm cảm sau sinh cao hơn thế giới có thể do các tục lệ kiêng khem theo truyền thống của người Á Đông, sự thiếu kiến thức về trầm cảm sau sinh trong cộng đồng cũng như hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho phụ nữ sau sinh.
Ngoài ra việc các bà mẹ phải tuân thủ kiêng khem như nằm trên lửa, không được tắm gội, phải đeo gạc bông tai để tránh nghe tiếng động lớn, dùng thảo dược, phải ăn những thức ăn đặc biệt, hạn chế ra ngoài trong 30 ngày sau sinh… cũng là nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh nhiều hơn.
Bên cạnh đó, trình độ học vấn thấp, công việc không ổn định, cuộc sống hôn nhân mâu thuẫn cũng là những tác nhân lớn dẫn đến trầm cảm sau sinh.
Từ những nhận định trên có thể chia ra 3 nhóm nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh đó là sinh học, tâm lý và xã hội.
Nhóm nguyên nhân sinh học
Sự tăng quá mức lượng hooc mon steroid, estradiol và progesterone khi người phụ nữ mang thai và sau khi sinh dẫn đến trầm cảm.
Nhóm nguyên nhân tâm lý – xã hội
Nhóm này bao gồm nhiều yếu tố trong đó các yếu tố có nguy cơ cao nhất bao gồm lo âu, trầm cảm trong quá trình mang thai; đã có bệnh trầm cảm trước đó; có các sự kiện tiêu cực trong cuộc đời xảy ra trong giai đoạn ở cữ; không có sự hỗ trợ xã hội cần thiết.
Nhóm yếu tố nguy cơ cao thứ hai là mức độ căng thẳng trong quá trình chăm sóc con; tự đánh giá bản thân thấp kém; khí chất trẻ sơ sinh khó khăn; vị trí kinh tế xã hội của người phụ nữ; tình trạng hôn nhân, mẹ đơn thân…
Nhóm yếu tố nguy cơ thấp hơn là các biến cố trong quá trình mang thai và sinh nở; mức độ căng thẳng trong quá trình mang thai; thiếu sự hỗ trợ của chồng và gia đình trong quá trình mang thai; mang thai không mong muốn.
Những hậu quả do trầm cảm sau sinh gây ra
Trầm cảm sau sinh gây ra những tổn hại thể chất và tinh thần cho người mẹ, khó phục hồi và không thể hoàn thành chức năng của người mẹ trong việc chăm sóc con, không tạo được sự gắn bó sớm an toàn giữa mẹ con từ đó ảnh hưởng đến cả sự phát triển nhận thức và hành vi của trẻ.
Đặc biệt, con của những người mẹ trầm cảm sau sinh thường tăng cân chậm; quấy khóc, phàn nàn đau cơ thể; gặp khó khăn trong học tập; không đạt các mốc phát triển và có nhiều vấn đề cảm xúc khi lớn lên.
Một số bằng chứng cho thấy mẹ bị trầm cảm sau sinh thì con có nguy cơ bị tăng động giảm chú ý cao hơn, nguy cơ chậm phát triển các chức năng nhận thức như chậm nói cũng lớn hơn. Khi lớn lên, những đứa trẻ này cũng thường có tỉ lệ cao mắc lo âu, trầm cảm.
Hậu quả nặng nề nhất của trầm cảm sau sinh là việc các bà mẹ tự sát hoặc tệ hơn là giết con rồi tự sát. Người ta thấy rằng tỉ lệ “đột tử” ở trẻ là con của những người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh (bao gồm cả các trường hợp bà mẹ trầm cảm giết con hoặc bỏ mặc con cho đến chết) là khá cao bởi vậy việc bảo vệ các bà mẹ không bị trầm cảm sau sinh là việc làm cần thiết của người chồng, các thành viên trong gia đình cũng như toàn thể xã hội.
Benh.vn (Theo vov.vn)