Sau khi xem xét năng lực và thế mạnh của Việt Nam trong việc xuất khẩu vaccine, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vaccine quy mô công nghiệp để chủ động nguồn cung cấp vaccine. Theo ghi nhận, Việt Nam đã sản xuất được 11/12 vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), xuất khẩu vaccine sang Hàn Quốc, Philippines, Myanmar.
Mục lục
Vaccine của Việt Nam đạt chất lượng tốt
Bộ Y tế đã thông qua kết quả thử nghiệm lâm sàng cho vaccine phối hợp sởi-rubella do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac) sản xuất. Vaccine này dự tính được đưa vào sử dụng trong chương trình TCMR năm 2017, nâng tổng số vaccine nội được sử dụng miễn phí tiêm chủng cho trẻ lên 11/12 loại. Theo số liệu của Bộ Y tế, nhờ TCMR, mỗi năm nước ta có khoảng 1,2 – 1,3 triệu trẻ em được tiêm chủng miễn phí. Ước có khoảng 43.000 trẻ em đã được cứu sống mỗi năm nhờ vaccine.
Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia sản xuất được vaccine trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á có thể sản xuất vaccine phối hợp sởi-rubella, sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.
Hiện, Việt Nam đặt mục tiêu của Chương trình sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho người đạt tiêu chuẩn của WHO như: Ngừa tiêu chảy Rota virus 10 triệu liều/năm; viêm não Nhật Bản B trên tế bào Vero: 10 triệu liều/năm; cúm mùa 5 triệu liều/năm; vaccine 6 trong 1: 10 triệu liều/năm… Tổng giá trị các loại vaccine sản xuất được đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng/năm vào năm 2020. Do đó nếu làm phép đấu trừ, hiện chương trình TCMR chỉ còn vaccine 5 trong 1 Quinvaxem là sản phẩm nhập khẩu, do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) tài trợ. Tuy nhiên đến năm 2019, GAVI sẽ không tài trợ Quinevaxem nữa. Vì vậy, để có vaccine phòng bệnh, Việt Nam cần phải tự chủ cả vaccine 5 trong 1.
Đẩy mạnh xuất khẩu các loại vaccine do Việt Nam sản xuất
Nhà máy sản xuất vaccine
Hiện nay, Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất vaccine, đã sản xuất được 13 loại vaccine. Bao gồm: Công ty TNHH Một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech); Polyvac; Công ty TNHH Một thành viên vaccine Pasteur Đà Lạt (Davac) và Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (Ivac). 13 loại vaccine Việt Nam đã sản xuất được là: Vaccine phòng ngừa lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, tiêu chảy do Rota virus, rubella.
Theo Bộ Y tế, các nhà máy sản xuất vaccine Việt Nam hiện có công suất lớn hơn nhu cầu sử dụng trong nước. Cụ thể, vaccine viêm não Nhật Bản B có thể sản xuất tới 12 triệu liều/năm nhưng nhu cầu dùng chỉ 8 triệu liều; vaccine sởi được 7,5 triệu chỉ dùng 3 triệu; vaccine bại liệt sản xuất tới 40 triệu liều chỉ cần dùng 7,5 triệu liều/năm. Do đó, mục tiêu trong thời gian tới là tìm thị trường để xuất khẩu các loại vaccine này.
Dự định sản xuất vaccine đa giá
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang sản xuất các vaccine đơn lẻ và dự định sẽ phối hợp để phối trộn sản xuất vaccine đa giá 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 với mục tiêu năm 2018 sẽ sản xuất được vaccine và đến năm 2020 là vaccine thành phẩm. Đó là vaccine 6 trong 1, vaccine Hib cộng hợp phòng ngừa viêm phổi và viêm màng não mủ, vaccine phế cầu phòng ngừa viêm phổi; thương hàn tổng hợp; viêm não Nhật Bản B bất hoạt trên tế bào vero; vaccine IPV phòng ngừa bại liệt tiêm, vaccine cúm mùa và ho gà vô bào…
Việt Nam xuất khẩu vaccine sang Hàn Quốc, Philippines, Myanmar
Về mục tiêu hướng tới tự chủ vaccine, TS Phu cho biết, đó là tin vui đối với người dân vì có thể phòng bệnh bằng vaccine với giá rẻ chỉ bằng 1/2-1/3 vaccine nhập. Tuy nhiên, hiện không ít phụ huynh vẫn lo ngại về chất lượng của vaccine nội nhưng quan điểm này là sai lầm vì các vaccine do Việt Nam sản xuất đã được kiểm định đạt chất lượng quốc tế. Theo TS Phu, với hàng chục triệu ca tiêm chủng bằng vaccine nội trong nhiều năm qua, tỷ lệ phản ứng sau tiêm do vaccine nội là không đáng kể và chủ yếu là các phản ứng nhẹ (sốt nhẹ, đau chỗ tiêm).
Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 37 được WHO công nhận đạt tiêu chuẩn cơ quan quản lý quốc gia về vaccine trong tổng số 43 nước có sản xuất vaccine trên thế giới. NRA chỉ có “giá trị sử dụng” trong 2 năm, sau đó WHO sẽ tổ chức đánh giá lại.
Chia sẻ về việc xuất khẩu vaccine, TS Trương Quốc Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Dược cho biết hiện tại chúng ta đã xuất khẩu được vaccine sang Đông Timo, Hàn Quốc, Philipines, Myanmar. Đồng thời với việc đạt chứng nhận NRA của WHO, với đội ngũ các nhà khoa học và sự đầu tư như hiện nay, trong vòng 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong những nước sản xuất vaccine nhiều nhất thế giới.
Khẳng định về độ an toàn của vaccine, TS Cường khẳng đinh: “Tất cả vaccine được sử dụng trong nước nói chung và vaccine sản xuất trong nước nói riêng đều được kiểm định chặt chẽ bằng một hội đồng các nhà khoa học độc lập, được thử nghiệm kỹ lưỡng, đúng tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, người dân có thể yên tâm tin tưởng”.
Với những phân tích khoa học trên cho thấy Việt Nam là một trong 4 quốc gia hàng đầu Châu Á sản xuất vaccine cung cấp cho thị trường. Bởi vậy, chủ trương của Chính Phủ về việc xây dựng nhà máy vaccine quy mô công nghiệp là hoàn toàn hợp lý. Qua đó thúc đẩy các hoạt động y khoa ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.
Benh.vn ( Theo DanViet)