Thay vì sử dụng van tim nhân tạo, lần đầu tiên các bác sĩ của Việt Nam đã sử dụng màng tim tự thân trong phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ. Qua đó mở ra hướng đi mới trong y khoa Việt Nam trong quá trình điều trị cho bệnh nhân bị các căn bệnh về tim.
Mục lục
Bệnh nhân B.V.N (35 tuổi, ở Hòa Bình) là người Việt Nam đầu tiên được phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân. So với van tim nhân tạo, màng tim tự thân có tuổi thọ bền vững hơn gấp nhiều lần.
Những nguyên nhân dẫn đến hở van động mạch chủ
PGS-TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, hở van động mạch chủ là tình trạng van này không đóng kín ở thì tâm thu, dẫn đến máu bị dồn ngược trở lại từ động mạch chủ về tim, làm tăng gánh nặng cho tâm thất trái, về lâu dài sẽ dẫn đến suy tim.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hở van động mạch chủ, phổ biến nhất là do di chứng của thấp tim (chiếm tới 75%) hay do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn; bệnh van động mạch chủ bẩm sinh; viêm cột sống dính khớp; bệnh giang mai; lupus ban đỏ hệ thống hay chấn thương. Hở van động mạch chủ mạn tính thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm mà không có biểu hiện gì. Bởi tim vẫn còn cơ chế tự bù trừ để chống lại các rối loạn. Tuy nhiên, khi các triệu chứng đã xuất hiện, bệnh sẽ có khuynh hướng tiến triển khá nhanh với biểu hiện mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở khi nằm, thở kịch phát về đêm, tiếp đến là cảm giác đau thắt ngực và cuối cùng là các dấu hiệu của suy tim toàn bộ.
Phương pháp mới – sử dụng màng tim tự thân
Năm 2013, lần đầu tiên tại VN, các bác sĩ của Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E đã thực hiện tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân, để điều trị bệnh lý van động mạch chủ cho bệnh nhân B.V.N. Trước đó, anh N bị bệnh tim lâu năm, đe dọa tính mạng.
Đây là lần đầu tiên VN ứng dụng kỹ thuật này, được chuyển giao từ các chuyên gia của Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Toho (Tokyo, Nhật Bản). Kết quả sau 3 năm, các chuyên gia Nhật Bản khám lại (đầu tháng 3.2017), anh N. cho thấy các chỉ số sức khỏe tim ổn định, van tim được tái tạo đảm đương tốt chức năng.
Những ưu điểm nổi bật
Theo PGS-TS Lê Ngọc Thành, trước đây Việt Nam vẫn thực hiện thay van tim nhân tạo bằng van sinh học và cơ học. Các van nhân tạo này có tuổi thọ từ 15 – 20 năm, sau đó người bệnh cần được thay thế bằng chiếc van mới. Nhưng với phương pháp Ozaki, các bác sĩ tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân (của chính bệnh nhân) nên khắc phục được những bất lợi trên.
Phẫu thuật viên phải tạo hình được các lá van động mạch chủ tương ứng với vòng van động mạch chủ của bệnh nhân. Từ đó, van động mạch chủ bằng màng tim thích ứng, hoạt động tốt, giảm biến chứng và đào thải van động mạch được thay thế. Vì van động mạch chủ được làm từ “nguyên liệu” là màng tim của bệnh nhân nên hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, bệnh nhân không phải dùng thuốc chống đông sau mổ, hạn chế được những biến chứng khi dùng thuốc chống đông.
Ngoài ra khi sử dụng phương pháp này chi phí điều trị cho bệnh nhân có chỉ định thay van động mạch chủ sẽ giảm, trước đây chi phí mua van tim nhân tạo (khoảng 40 triệu đồng).
Phẫu thuật được tiến hành ra sao ?
Th.S-BS Đỗ Anh Tiến, phẫu thuật viên của Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cho biết để lấy màng tim, phẫu thuật viên sẽ cưa xương ức, bộc lộ màng tim, dùng kéo hoặc dao điện lấy tổ chức mỡ ở bề mặt màng tim, sau đó cắt màng tim với diện tích 7 x 8 cm.
Màng tim này sau đó được ngâm vào dung dịch bảo quản và là nguyên liệu để được phẫu thuật viên tiến hành tạo hình van động mạch chủ. Để tạo hình chính xác, phẫu thuật viên phải đo kích thước lá van động mạch chủ của bệnh nhân theo bộ dụng cụ riêng; màng tim được cắt theo kích thước các lá van động mạch chủ đã đo kích thước trước đó. Sau tạo hình, phẫu thuật viên tiến hành khâu các lá van mới tạo hình vào vòng van động mạch chủ. Bởi vậy việc tạo hình van động mạch chủ bằng màng tim rất khó, đòi hỏi các thao tác khó nhất đều dồn hết cho phẫu thuật viên.
Ứng dụng dự kiến
Được biết, tháng 6/2017, các bác sĩ Việt – Nhật sẽ phối hợp tạo hình van động mạch chủ bằng màng tim cho 3 trường hợp là bệnh nhân N.V.L (71 tuổi, ở Hà Nội) bị hẹp hở van động mạch chủ dẫn đến đau tức ngực, khó thở, suy tim mức độ trung bình; bệnh nhân N.C.T (67 tuổi, ở Bắc Giang) bị hở van động mạch chủ nặng, tim giãn; bệnh nhân N.V.S (63 tuổi, ở Hà Nội) bị hẹp khít van động mạch chủ.
Benh.vn (Theo Thanhnien.vn)