Phương pháp chọc dò nước ối để xét nghiệm ADN đang được ứng dụng phổ biến để xác định huyết thống của người con trước khi sinh.
Nhu cầu thực tế
Hiện nay, nhu cầu xác định giới tính, xác định huyết thống cha con với thai nhi chỉ vài tuần tuổi đang “nở rộ”. Rất nhiều người không ngần ngại chi vài chục triệu đồng để sử dụng dịch vụ “công nghệ cao”, mà không biết rằng, đã mất tiền oan, cũng như hệ lụy từ việc “nhầm lẫn” khi xác định huyết thống cha con không hề đơn giản.
Xác định giới tính cho con trước sinh để “chọn lựa” là nhu cầu của khá đông các cặp vợ chồng, nhưng điều này bị pháp luật cấm (dù trên thực tế đa số người mẹ biết giới tính của con trước khi sinh). Còn xác định quan hệ huyết thống, “tìm cha” cho con thì luật không cấm, nhưng nhu cầu này thường phải thực hiện một cách “bí mật”.
Vì những người phải xét nghiệm huyết thống cho con trước sinh thường là chị em trót “ăn nem” nên không rõ cái thai trong bụng là của chồng hay “người lạ”, hoặc do quan hệ với nhiều người trong cùng thời gian mà không biết ai là tác giả để “bắt đền”.
Chính vì việc kiểm tra này khó chia sẻ với người khác, nên nhiều chị em đã lên mạng tìm hiểu, thấy có quảng cáo có thể xác định quan hệ huyết thống trước sinh bằng phương pháp không xâm lấn (không can thiệp vào bào thai như sinh thiết nhau thai hoặc chọc dò nước ối để lấy mẫu, mà chỉ cần lấy máu của người mẹ đang mang thai và người cha nghi vấn để xét nghiệm). Sau khi bỏ vài chục triệu đồng để xét nghiệm, kết quả thu được với độ chính xác là 99,9%.
Chuyên gia nói gì
Tại Việt Nam
Việc này, GS.Lê Đình Lương, Tổng thư ký Hội Di truyền học Việt Nam, cố vấn khoa học của Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền cho rằng, những người lựa chọn dịch vụ này để biết huyết thống của con đang bị mất tiền oan. Cả kỹ thuật chọc ối và không chọc ối (không xâm lấn) để chẩn đoán trước sinh, giúp các ông bố, bà mẹ biết trước tình trạng sức khỏe của con mình rồi quyết định có giữ đứa trẻ hay không.
Tuy nhiên, theo GS Lương, ông từng nghiên cứu thử nghiệm việc xác định ADN của bào thai trong máu người mẹ nhưng chỉ thành công trong vài trường hợp đứa con có giới tính khác mẹ, còn không thì không thành công.
Trên thế giới
Còn trên thế giới, vài năm trước đây, các nhà khoa học Nga đã nghiên cứu và công bố về phương pháp này, nhưng cho đến nay, công nghệ xác định trước sinh không xâm lấn vẫn đang ở dạng thử nghiệm, chưa đủ tin cậy để ứng dụng rộng rãi. Lý do, ADN của con trong máu mẹ vô cùng ít, có sự dao động, phụ thuộc vào tương tác, phản ứng trong cơ thể người mẹ và con nên lọc được ADN của con trong máu mẹ rất khó.
Trên thực tế, qua kết quả nghiên cứu của nhiều nước, kết quả giám định bằng phương pháp này thậm chí chỉ cho tỷ lệ 99%. Mà tỷ lệ qui định của y khoa thế giới, khi xét nghiệm huyết thống hoặc bệnh tật mà độ chính xác chỉ 99% thì không được coi là bằng chứng trước tòa. Gen của con người nói chung có đến 99% là giống nhau, chỉ còn 1% còn lại là khác nhau. 1% này là nhóm gen đặc biệt, dùng để xác định huyết thống, phân biệt giữa người này với người kia.
Do đó, nếu xác định huyết thống mà kết quả chỉ 99% thì hoàn toàn không đáng tin cậy. Hiện nay, việc xét nghiệm huyết thống với 16 gen thì độ chính xác đã lên tới 99,99999%. Ở Việt Nam, không có nơi nào thực hiện được việc chẩn đoán trước sinh bằng xét nghiệm không xâm lấn, do đó, các mẫu xét nghiệm đều phải gửi ra nước ngoài với chi phí khá cao, và như đã nói trên, kết quả không đáng tin cậy.
Lời khuyên
Để xác định huyết thống của người con trước khi sinh, một phương pháp đang được ứng dụng phổ biến là chọc dò nước ối để xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, nhiều người do thiếu hiểu biết, cho rằng phương pháp này dễ gây sảy thai. Theo GS Lương, bản chất của chọc ối là làm xuất huyết giữa mẹ và con (chọc kim tiêm vào bọc ối để hút 3 ml nước ối rồi lọc lấy ADN của con trong đó để xét nghiệm) và yếu tố duy nhất có thể gây nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi là người mẹ mang nhóm máu Rh-. Nếu người mẹ mang nhóm máu này (ở Việt Nam tỷ lệ là 0,07%) dễ bị sảy thai, thì không nên chọc ối.
Về thời điểm có thể chọc ối để xét nghiệm, GS Lương khuyên, người mẹ nên tiến hành thủ thuật này từ tháng thứ tư của thai kỳ trở đi (khi thai được 12 tuần tuổi), vì lúc này, trong nước ối mới chứa tế bào của con đủ để làm xét nghiệm, còn trước đó, lượng tế bào trong nước ối gần như không có. Hơn nữa, thai dưới 3 tháng thì túi ối nhỏ, khó chọc, dễ phải chọc nhiều lần nên gây đau cho người mẹ.
Đáng quan tâm, xét nghiệm ADN từ phương pháp chọc dò túi ối có chi phí chỉ bằng 1/5 so với phương pháp lấy máu ngoại vi, và cho kết quả chỉ sau vài giờ, với độ chính xác nếu với người cha nghi ngờ là 100%, còn với cha đẻ là 99,99999%.
Hiện nay việc xác định quan hệ huyết thống thường được tiến hành bằng xét nghiệm 16 gen. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt có thể phải phân tích tới 50 gen (những trường hợp cha đẻ thật sự và cha đẻ nghi vấn có quan hệ huyết thống như anh em trai ruột, bố và con trai) mới cho kết quả chính xác.
Thực tế, những trường hợp này rất hiếm hoi. GS Lương cho biết, qua thực tiễn giám định tại Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền, trong khoảng 10.000 trường hợp, chỉ có vài ba trường hợp phải xét nghiệm nhiều hơn 16 gene.