Amylase là một nhóm các enzym hydrolase được sản xuất chủ yếu ở tụy và các tuyến nước bọt và với một lượng không đáng kể ở gan, niêm mạc ruột non, buồng trứng và vòi trứng. Amylase tham gia vào quá trình tiêu hóa các carbohydrat phức tạp (Vd: tinh bột) thành các đoạn carbohydrat ngắn hơn.
Mục lục
Hoạt độ amylase toàn phần có thể đo được trong huyết thanh, nước tiểu hay trong các dịch sinh học khác của của cơ thể (Vd: dịch cổ chướng, dịch màng phổi…). Hoạt độ toàn phần này là tổng hoạt độ của 2 isoenzym chính: isoenzym P có nguồn gốc từ tụy và isoenzym S có nguồn gốc từ tuyến nước bọt, phổi, sinh dục hay khối u. Trong huyết thanh của người bình thường, isoenzym typ S chiếm ưu thế hơn một chút. Thông thường, có thể đo được hoạt độ amylase trong huyết thanh và trong nước tiểu.
Có rất nhiều nguyên nhân gây tăng hoạt độ amylase máu và/hoặc amylase nước tiểu. Ngoài viêm tuyến nước bọt, tình trạng gia tăng rõ rệt hoạt độ amylase gợi ý trước tiên tới chẩn đoán viêm tụy cấp hay đợt tiến triển cấp của viêm tụy mạn. Nếu không thấy có tình trạng viêm tụy, cần yêu cầu đo hoạt độ isoenzym P và S.
Chỉ định xét nghiệm
- Để chẩn đoán và theo dõi viêm tụy cấp, đợt cấp của viêm tụy mạn và các bệnh lý tụy khác.
- Xét nghiệm được chỉ định trong quy trình thăm dò chẩn đoán đối với tất cả các sự cố viêm trong ổ bụng.
Cách lấy bệnh phẩm
- Máu: XN được thực hiện trên huyết thanh. Yêu cầu BN nhịn ăn trước khi lấy máu XN.
- Nước tiểu: Thu bệnh phẩm nước tiểu 24h. Nước tiểu được bảo quản trong tủ mát hay trong đá lạnh.
Giá trị bình thường
Amylase máu
- Người lớn: 53 – 123 U/L hay 0,88 – 2,05 nkat/L.
- Người có tuổi: Tăng nhẹ so với giá trị bình thường.
Amylase niệu
- 0 – 375 U/L hay 0 – 6,25 kat/L.
Nguyên nhân làm thay đổi hoạt độ amylase
Tăng hoạt độ amylase máu
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
- Viêm tuỵ cấp: do rượu, tự miễn.
- Đợt tiến triển cấp của viêm tụy mạn.
- Viêm tụy cấp do thuốc (drug-induced acute pancreatitis) (Vd: acid aminosalicylic, azathioprin, corticosteroid, dexamethason, acid ethacrynic, rượu, furosemid, thiazid, mercaptopurin, phenformin, triamcinolon).
- Tắc nghẽn ống tụy do sỏi hoặc ung thư biểu mô.
- Bệnh lý đường mật:
- Sỏi ống mật chủ.
- Viêm túi mật cấp.
- Biến chứng của viêm tụy (nang giả tụy, cổ chướng, apxe).
- Chấn thương tụy (Vd: chấn thương bụng, sau khi tiến hành chụp tụy- đường mật ngược dòng qua nội soi).
- Tính thấm của đường tiêu hóa bị biến đổi:
- Bệnh ruột do thiếu máu cục bộ hoặc thủng ruột non.
- Thủng ổ loét dạ dày tá tràng hay thủng ổ loét vào hậu cung mạc nối.
- Thủng thực quản.
- Ngộ độc rượu cấp.
- Bệnh lý tuyến nước bọt: Viêm mưng mủ tuyến nước bọt, quai bị, tắc nghẽn ống dẫn nước bọt do sỏi, sau tia xạ.
- Các khối u ác tính nhất là ung thư tụy, phổi, buồng trứng, thực quản, vú và đại tràng (thường hoạt độ amylase tăng rất cao > 25 lần giới hạn bình thường cao và mức tăng này hiếm khi được gặp trong viêm tụy cấp).
- Suy thận giai đoạn cuối (hoạt độ amylase máu tăng ngay cả khi không có viêm tụy).
- Các nguyên nhân khác:
- Bệnh gan mạn (Vd: xơ gan với hoạt độ amylase máu thường tăng ≤ 2 lần giá trị bình thường).
- Nhiễm toan cetôn do ĐTĐ.
- Tăng lipid máu.
- Cường chức năng tuyến giáp.
- Có thai (bao gồm cả chửa ngoài tử cung vỡ).
- U nang buồng trứng.
- Bỏng.
- Phẫu thuật lồng ngực gần đây, phình tách động mạch chủ.
- Đái myoglobin (myoglobinuria).
- Vỡ lách.
- Một số trường hợp chảy máu nội sọ (cơ chế không được biết).
Giảm hoạt độ amylase máu
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
- Tình trạng phá hủy tụy nặng và lan rộng (Vd: viêm tụy cấp bùng phát, viêm tụy mạn giai đoạn cuối, xơ hóa nang giai đoạn cuối).
- Tổn hại gan nặng (Vd: viêm gan, nhiễm độc, nhiễm độc thai nghén, nhiễm độc giáp nặng, bỏng nặng).
Các yếu tố góp phần thay đổi kết quả xét nghiệm
– Mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm.
– Bệnh phẩm bị nhiễm bẩn nước bọt có thể gây tăng giả tạo kết quả xét nghiệm.
– Tăng triglycerid nặng (> 5 lần giá trị bình thường cao) có thể gây tình trạng ức chế hoạt độ enzym. Suy thận cũng có thể gây tăng vừa hoạt độ amylase huyết thanh.
– Các thuốc có thể làm tăng hoạt độ amylase huyết thanh là: Acetaminophen, kháng sinh, aspirin, corticosteroid, estrogen, furosemid, thuốc kháng viêm không phải steroid, prednison, salicylat và các lợi tiểu nhóm thiazid.
– Các thuốc có thể làm tăng hoạt độ amylase niệu là: Rượu, aspirin, bethanechol, codein, indomethacin, meperidin, morphin, pentazocin, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid.
– Các thuốc có thể làm giảm hoạt độ amylase huyết thanh là: Citrat, oxalat do gắn với ion canxi.
– Các thuốc có thể làm giảm hoạt độ amylase niệu là: Fluorid, glucose.
Lợi ích của xét nghiệm sinh hóa amylase máu và nước tiểu
XN không thể thiếu đối với tất cả các trường hợp đau bụng bị nghi vấn do nguồn gốc tụy và các trường hợp vàng da không rõ nguồn gốc.
Đo hoạt độ amylase huyết thanh thường được thực hiện để chẩn đoán phân biệt tình trạng đau bụng do viêm tụy cấp với đau bụng cần điều trị ngoại khoa do các nguyên nhân khác. Hoạt độ amylase huyết thanh bắt đầu tăng lên từ 3 – 6h sau khi xẩy ra tình trạng viêm tụy cấp và đạt giá trị đỉnh vào khoảng giờ thứ 24. Hoạt độ này trở lại giá trị bình thường sau đó 2 – 3 ngày. Hoạt độ amylase niệu phản ánh các thay đổi trong hoạt độ amylase huyết thanh sau một khoảng thời gian trễ từ 6 – 10h. Hoạt độ amylase niệu tăng cao trong vòng 7 – 10 ngày, vì vậy XN hoạt độ amylase niệu là một XN hữu ích để chứng minh có tình trạng viêm tụy cấp sau khi hoạt độ amylase huyết thanh đã trở về bình thường.
Một gợi ý là tăng hoạt độ amylase huyết thanh lên mức >1000 đơn vị Somogyi thường do các tổn thương có thể sửa chữa được bằng phẫu thuật (thường gặp nhất là sỏi trong đường mật), với mô tụy chỉ bị phù hoặc không bị tổn thương, tuy nhiên mức tăng 200 – 500 đơn vị Somogyi thường được kết hợp với tổn thương tụy và không thể sửa chữa được bằng phẫu thuật (Vd: chảy máu tụy, hoại tử tụy).
Cũng có thể định lượng hoạt độ amylase trong dịch cổ chướng hay dịch màng phổi. Tăng hoạt độ amylase trong các dịch này (> 1000 U/L) gợi ý tràn dịch có nguồn gốc từ tụy.
Các hướng dẫn thực hành lâm sàng dựa trên y học bằng chứng
Chẩn đoán viêm tụy cấp được nghi vấn ở các BN có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị với khởi đầu cấp tính, tăng nhanh trong mức độ nặng và diễn biến không thuyên giảm. Hoạt độ amylase và/hoặc lipase huyết thanh ≥ 3 lần giá trị bình thường được coi là có giá trị chẩn đoán.
Các cảnh báo lâm sàng
– Điển hình ra, phải đánh giá cả hoạt độ amylase và lipase huyết thanh đối với các trường hợp nghi ngờ viêm tụy cấp.
– Ở một số BN bị viêm tụy cấp song không thấy có tăng bất thường enzym tụy.
– Hoạt độ amylase máu thường trong giới hạn bình thường ở bệnh nhân viêm tụy cấp do rượu.
– Tăng hoạt độ amylase huyết thanh với hoạt độ amylase niệu thấp có thể được gặp ở bệnh nhân bị suy thận. Hoạt độ amylase huyết thanh ≤ 4 lần giá trị bình thường ở các bệnh nhân có bệnh thận chỉ khi độ thanh thải creatinin < 50 mL/phút do sự hiện diện của các isoamylase nguồn gốc tụy hoặc nước bọt; song hoạt độ này hiếm khi tăng > 4 lần giá trị bình thường khi không có tình trạng viêm tụy cấp.
– Một số bệnh nhân bình thường có tình trạng tăng amylase máu được biết dưới tên “macro-amylase”. Tình trạng này được xác định khi bệnh nhân có tăng hoạt độ amylase máu nhưng amylase niệu bình thường và không có tình trạng suy thận. Tăng cao bất thường hoạt độ amylase máu ở các BN này là do amylase được gắn bất thường với một globulin huyết tương và không được chẩn đoán có viêm tụy cấp.
Tính hệ số amylase/độ thanh thải creatinin niệu (amylase/creatinine clearance ratio [ALCR] in urine) giúp làm sáng tỏ tình trạng này.
- Hệ số amylase/độ thanh thải creatinin niệu(ALCR)=amylase niệu/amylase huyết thanh x creatinin huyết thanh/creatinin niệu x 100%
- ALCR bình thường: 1-4%.