Thuật ngữ bổ thể (complement) dùng để chỉ 20 loại β-globulin huyết thanh. Các protein này là một bộ phận của hệ thống đáp ứng miễn dịch tham gia vào các phản ứng kháng nguyên – kháng thể trong cơ thể. Hệ thống bổ thể cần thiết đối với quá trình thực bào (phagocytosis), phá hủy các vi khuẩn ngoại lai và trung gian cho đáp ứng viêm toàn thể.
Mục lục
Hoạt hóa dây chuyền của hệ thống bổ thể có thể diễn ra qua 2 con đường:
1.Con đường cổ điển (classic pathway): Theo con đường này quá trình hoạt hóa bổ thể được kích thích bởi đáp ứng kháng nguyên-kháng thể.
2. Con đường hoạt hóa tắt (alternate pathway): Theo con đường này, polysaccharid, nội độc tố hay các globulin miễn dịch là các tác nhân kích hoạt.
Bất kể được hoạt hóa theo con đường nào, sản phẩm cuối cùng được tạo ra sẽ là một phức chất protein có khả năng phá hủy màng tế bào của kháng nguyên.
Để đánh giá chức năng của hệ thống bổ thể và để xác định sự thiếu hụt của các protein này có góp phần làm tăng khả năng nhiễm trùng hay làm tăng hoạt động tự miễn hay không, hai thành phần chính của hệ thống bổ thể (C3 và C4) thường được định lượng. C3 có liên quan với cả con đường cổ điển và con đường thay thế và chiếm khoảng 70% tổng các bổ thể. C4 chỉ có liên quan với con đường cổ điển.
Trong điều kiện bình thường, lượng bổ thể trong huyết thanh phản ánh một tình trạng cân bằng giữa quá trình tổng hợp và quá trình dị hóa (hay quá trình sử dụng) các bổ thể. Tình trạng tổng hợp bổ thể tăng lên ở tất cả các bệnh lý nhiễm trùng có viêm hay có u tân sinh, trong khi mang thai hay sau một can thiệp ngoại khoa. Tình trạng suy tế bào gan sẽ gây giảm bổ thể máu.
Tương tự, tất cả các tình trạng gây mất protein (qua đường tiêu hóa, hay tiết niệu) cũng gây giảm bổ thể máu. Vì vậy, phân tích kết quả nồng độ bổ thể máu cần so sánh với nồng độ albumin máu. Cuối cùng, cần ghi nhận là BN có nồng độ bổ thể huyết thanh bình thường cũng không thể loại trừ được BN không bị mắc một bệnh lý có liên quan với vai trò sinh bệnh của bổ thể (Vd: trong trường hợp thiếu máu tự miễn, bổ thể rất thường thấy là trong giới hạn bình thường).
Chỉ định xét nghiệm bổ thể
Để làm rõ đặc điểm của tình trạng thiếu hụt bẩm sinh hay để đánh giá chính xác một quá trình bệnh lý miễn dịch mà bổ thể đóng vai trò như một chất trung gian hay một yếu tố đóng góp vào quá trình bệnh lý.
Cách lấy bệnh phẩm
Xét nghiệm được thực hiện trên huyết thanh. Không nhất thiết yêu cầu BN cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu làm XN. Nếu cần chuyển bệnh phẩm tới phòng XN ở xa, cần bảo quản mẫu bệnh phẩm trong đá lạnh.
Giá trị bình thường
– C3: 83 – 177 mg/dL hay 0,83 – 1,77 g/L.
– C4: 15 – 45 mg/dL hay 0,15 – 0,45 g/L.
Tăng nồng độ C3 máu
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Nhiễm trùng.
– Tình trạng viêm.
– Bệnh lý ung thư có di căn.
– Các bệnh lý gây hoại tử.
– Thấp tim.
– Viêm khớp dạng thấp.
Tăng nồng độ C4 máu
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Ung thư.
– Viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên.
– Viêm đốt sống do bệnh thấp (rheumatoid spondylitis).
Giảm nồng độ C3 máu
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Thiếu máu.
– Viêm tiểu cầu thận cấp (acute glomerulonephritis).
– Chán ăn tinh thần (anorexia nervosa).
– Các tình trạng đau khớp.
– Bệnh Celiac.
– Bệnh lý gan (Vd: viêm gan mạn thể hoạt động, bệnh lý gan mạn tính, xơ gan).
– Thiếu hụt C3 bẩm sinh.
– Đông máu rải rác trong lòng mạch (CIVD hay DIC).
– Bệnh phức hợp miễn dịch.
– Suy dinh dưỡng.
– Đa u tủy xương (myeloma).
– Bệnh xơ cứng rải rác (multiple sclerosis).
– Thải bỏ thận ghép.
– Nhiễm trùng huyết.
– Bệnh huyết thanh.
– Viêm nội tâm mạc bán cấp do vi khuẩn.
– Bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
– Hội chứng urê máu cao.
Giảm nồng độ C4 máu
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Viêm gan mạn thể hoạt động.
– Thiếu hụt C4 bẩm sinh.
– Bệnh có globulin tủa lạnh trong máu (cryoglobulinemia).
– Viêm tiểu cầu thận (glomerulonephritis).
– Phù mạch di truyền (hereditary angioedema).
– Bệnh phức hợp miễn dịch.
– Viêm cầu thận lupus.
– Thải bỏ thận ghép.
– Bệnh huyết thanh.
– Viêm nội tâm mạc bán cấp do vi khuẩn.
– Bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
Các yếu tố góp phần làm thay đổi kết quả xét nghiệm
Mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu sẽ làm thay đổi kết quả xét nghiệm.
Lợi ích của xét nghiệm định lượng bổ thể máu
1. Xét nghiệm cho phép xác định các BN có tình trạng thiếu hụt bẩm sinh bổ thể máu.
Xét nghiệm đầu tiên và không thể thiếu là đánh giá hoạt tính gây tan máu toàn thể của hệ thống bổ thể.
– Hoàn toàn không thấy có hoạt tính tan máu giúp hướng tới tình trạng khiếm khuyết bẩm sinh của một hay nhiều yếu tố bổ thể.
– Khi hoạt tính gây tan máu toàn thể bị giảm, cần tiến hành định lượng yếu tố C3và C4 bổ thể. Khi con đường cổ điển bị tác động cả hai yếu tố C3 và C4 đều bị giảm. Trong trường hợp con đường thay thế được hoạt hóa, C4 sẽ bình thường và C3 bị giảm.
2. Xét nghiệm cho phép đánh giá BN có bệnh lý miễn dịch trong đó bổ thể đóng vai trò một chất trung gian hay là một bằng chứng cho quá trình bệnh lý này.
Các khiếm khuyết bẩm sinh thường kết hợp với hội chứng lupus và/hoặc tăng mẫn cảm đặc biệt với một số nhiễm trùng.