Sau ý tưởng đông lạnh xác chờ hồi sinh, vừa qua tiến sĩ Max More, người Bristol, tốt nghiệp Đại học Oxford (Anh), đã tiết lộ một kế hoạch khác tối ưu hơn là bảo tồn thủ cấp của chính mình trong tương lai sau khi dự đoán sẽ đến thời điểm bản thân sống lại trong một cơ thể khác khi thích hợp.
Tiến sĩ Max Morelà Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức Alcor Life Extension Foundation, tại TP.Scottsdale (bang Arizona, Mỹ), nơi đặt một trong những cơ sở lớn nhất thế giới về kỹ thuật đông lạnh người. Theo thông tin từ The Telegraph,Alcor đã bắt đầu lưu trữ các thi thể từ năm 1982.
Trong một phim tài liệu của Galactic Public Archives đầu năm 2016, tiến sĩ More thừa nhận khó có nghề nào bất thường hơn chuyện quản lý một cơ sở đông lạnh thi thể người “Không thể nào nói chính xác thời điểm hồi sinh con người… có thể là nhiều thập niên hoặc cả thế kỷ”, ông More nói và giải thích thêm: “Chúng tôi cũng như Leonardo Da Vinci ở khía cạnh có thể thiết kế những đôi cánh và trực thăng, nhưng lại không nắm trong tay công cụ chế tạo những món đồ này”. Hiện Alcor đang phát triển công nghệ giảm thiểu sự tổn hại về mặt thể chất cho bệnh nhân, nhưng lại chưa rõ cách thức có thể đảo ngược quá trình đó.
Xu hướng đông lạnh cơ thể để chờ hồi sinh
Dù không biết chắc chắn tương lai như thế nào, nhưng có vẻ như xu hướng đông lạnh cơ thể chờ đến thời điểm thích hợp để hồi sinh vẫn được một số người trong lúc khốn quẫn quyết định áp dụng thử.
Theo thống kê, đầu năm 2016, một thiếu nữ 14 tuổi thiệt mạng vì ung thư đã trở thành người Anh nhỏ tuổi nhất đông lạnh xác với hy vọng có thể trở về từ cõi chết trong tương lai. Sau đó, thi thể đã được chuyển đến cơ sở đông lạnh thứ hai trên đất Mỹ là Viện Cryonics ở bang Michigan vào cuối tháng 10 và là bệnh nhân thứ 143 của nơi này.
Nên chỉ bảo tồn phần đầu
Dưới góc độ nhận xét của mình, tiến sĩ More cho rằng thay vì lựa chọn bảo tồn cả cơ thể, cách tốt hơn là chỉ đông lạnh phần đầu theo phương pháp bảo quản trung khu thần kinh. Hiện có 149 bệnh nhân trong các bể đông lạnh của Alcor, bao gồm người nhỏ tuổi nhất từng được bảo quản là đứa bé 2 tuổi người Thái Lan, và ngôi sao bóng rổ Mỹ Ted Williams.
Năm 2003, cựu Giám đốc điều hành Alcor là ông Larry Johnson công bố bảng báo cáo với nội dung chỉ trích công ty này, trong đó có cáo buộc cho rằng đầu của tuyển thủ Williams đã bị xử lý và bảo quản kém. Phía Alcor đã bác bỏ cáo buộc này. Bản thân tiến sĩ More nhấn mạnh rằng những người đang đông lạnh tại cơ sở ở Arizona hoàn toàn không phải xác chết mà họ có quyền lợi như người còn sống.
Được biết đã có khoảng 1.100 thành viên trong danh sách phục vụ của Alcor, và con số này đang tăng lên theo thời gian. Công ty lập sẵn danh sách theo dõi tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Mỗi khi khách hàng chuẩn bị qua đời, Alcor cử một đội ngũ chờ sẵn để xử lý và đưa đối tượng về trụ sở bảo quản.
Benh.vn (Theo thanhnien.com.vn)