Mặc dù thế giới đã chứng kiến những đại dịch trước đó, những đại dịch thậm chí còn tồi tệ hơn. Đại dịch cúm năm 1918, vẫn được nhắc tới một cách nhầm lẫn là “Cúm Tây Ban Nha.” Những nhận thức sai lầm về đại dịch này có thể làm gia tăng thêm những nỗi sợ hãi về COVID-19, và bây giờ là thời điểm đặc biệt tốt để sửa lại chúng.
Mục lục
- 1 1. Đại dịch có nguồn gốc từ Tây Ban Nha
- 2 2. Đại dịch là tác phẩm của một “siêu virus”
- 3 3. Đợt sóng thứ 3 của đại dịch là chết chóc nhất
- 4 4. Virus đã gây ra cái chết cho những người bị nhiễm bệnh
- 5 5. Các liệu pháp điều trị thời gian đó ít tác động tới bệnh dịch
- 6 6. Đại dịch đã chiếm lĩnh thông tin thời gian đó
- 7 7. Đại dịch đã thay đổi Thế chiến thứ I
- 8 8. Tiêm chủng diện rộng đã chấm dứt đại dịch
- 9 9. Gen của virus không bao giờ được giải mã
- 10 10. Thế giới ngày nay cũng không được chuẩn bị tốt hơn so với 1918
Một số phần in nghiêng trong các đoạn là ý kiến của dịch giả, còn lại đều trích dẫn nguyên văn trong Anh bản. Hi vọng sẽ giúp ích cho quý độc giả hiểu thêm về đại dịch 1918 khủng khiếp, mà nếu so với COVID về mức độ hủy diệt thì COVID-19 chưa thể so sánh được bằng 1 phần.
Đại dịch: Đó là một từ đáng sợ.
Vào năm 1918, khoảng 50-100 triệu người được cho rằng đã chết, tương đương với khoảng 5% dân số thế giới lúc đó. Một nửa tỷ người đã nhiễm.
Đặc biệt đáng chú ý là dịch cúm năm 1918 lại có xu hướng thiên lệch lấy đi sinh mạng của đa số người lớn ở độ tuổi trẻ, khỏe mạnh, đối lập với những trẻ em và người cao tuổi, những đối tượng mà thường dễ bị tổn thương nhất. Một số người cũng đã gọi đây là Đại dịch lớn nhất trong lịch sử.
Đại dịch cúm năm 1918 là một chủ đề được bàn tới bàn lui suốt thế kỷ qua. Các nhà sử học và các nhà khoa học đã đề xuất một số giả thuyết về nguồn gốc, sự lây lan và hậu quả của đại dịch. Chính vì thế, nhiều quan niệm sai lần về dịch bệnh đã xuất hiện.
Bằng cách chỉnh sửa 10 nhận thức sai lầm này, mọi người có thể hiểu biết tốt hơn về điều gì đang thực sự xảy ra và giảm thiểu thiệt hại của COVID-19.
1. Đại dịch có nguồn gốc từ Tây Ban Nha
Không ai tin cái gọi là “Cúm Tây Ban Nha” lại xuất phát từ Tây Ban Nha.
Đại dịch cúm 1918 có tên như trên bởi vì trong Thế chiến thứ I, mọi thứ đều đang rất xáo động. Các nước lớn tham gia vào cuộc chiến đều muốn tránh thông tin có thể khuyến khích cho kẻ thù của họ, do đó các báo cáo về bệnh Cúm đã bị loại bỏ ở Đức, Áo, Pháp, Anh, và Hoa Kỳ. Trái lại, Tây Ban Nha là nước trung lập, do đó không cần thiết phải che đậy thông tin bệnh Cúm dưới lớp vỏ bọc. Do đó, đã tạo ra một ấn tượng sai lầm rằng Tây Ban Nha chính là nước phát sinh ra bệnh.
Trên thực tế, nguồn gốc địa lý của đại dịch Cúm 1918 vẫn còn được tranh cãi cho tới tận ngày nay, sau hơn 100 năm, các giả thuyết có thể dịch bắt nguồn từ Đông Á, Châu Âu, thậm chí Kansas.
Với đại dịch COVID-19 thì dịch giả lại tin rằng việc lấy tên từ nơi xuất phát của dịch giúp ích nhiều cho việc điều tra dịch tễ, phòng bệnh và ngăn chặn các đợt dịch tiếp theo. Và nơi xuất phát của dịch này cho tới giờ được thừa nhận rộng rãi là từ TQ.
2. Đại dịch là tác phẩm của một “siêu virus”
Dịch cúm 1918 lây lan nhanh chóng, giết chết 25 triệu người chỉ trong vòng 6 tháng đầu tiên. Điều này dẫn tới một số mối lo lắng về khả năng tuyệt chủng của loài người, và một thời gian dài giả định rằng chủng Cúm này đặc biệt nguy hiểm chết người.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho rằng bản thân virus, mặc dù có nguy hiểm hơn chủng thông thường, không khác biệt rõ rệt với các chủng Cúm gây ra các dịch bệnh những năm trước đó.
Một tỷ lệ lớn tử vong đóng góp bởi các khu vực đông đúc như trong trại quân đội và môi trường thành thị, cũng như những khu vực có tình trạng dinh dưỡng, vệ sinh nghèo nàn, nơi đang phải đối mặt tới tình trạng chiến tranh. Cho tới nay, nhiều nhà khoa học tin rằng, nhiều cái chết lúc đó là do sự phát triển của vi khuẩn viêm phổi trong một cơ thể bệnh nhân suy yếu bởi Cúm.
Nhiều nghiên cứu tới thời điểm này đều cho thấy chủng cúm H1N1 là chủng Cúm đã gây ra đại dịch Cúm Tây Ban Nha 1918-1919. Tuy nhiên, mã gen chính xác của chủng Cúm này chưa được xác định 100% mặc dù phần dưới đây có một số bằng chứng khá thuyết phục.
3. Đợt sóng thứ 3 của đại dịch là chết chóc nhất
Trên thực tế, đợt sóng đầu tiên của dịch vào nửa đầu năm 1918 có tỷ lệ tử vong khá thấp.
Đợt sóng thứ 2, từ tháng 10 tới tới 12 năm 1918, tỷ lệ tử vong cao nhất. Làn sóng thứ 3 vào năm 1919 chết chóc nhiều hơn đợt thứ nhất nhưng ít hơn đợt thứ 2.
Các nhà khoa học hiện nay tin rằng số người tử vong ở đợt sóng thứ hai là bởi những điều kiện thuận lợi cho chủng virus nguy hiểm hơn lây lan. Những người với các triệu chứng nhẹ thì ở nhà, tuy nhiên những người bị nặng hơn thường hay tập trung ở bệnh viện và các khu trại, do đó làm gia tăng khả năng lây nhiễm chủng virus nguy hiểm hơn.
4. Virus đã gây ra cái chết cho những người bị nhiễm bệnh
Trên thực tế, phần lớn các ca nhiễm bệnh cúm 1918 đều sống sót. Tỷ lệ tử vong trên toàn quốc trong thời gian dịch bệnh không quá 20%.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong khác nhau ở các nhóm đối tượng. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong đặc biệt cao ở những người Mỹ bản địa, có thể do họ vốn ít phải phơi nhiễm với virus Cúm trước đó. Trong một số trường hợp, cả cộng đồng bản địa đã bị xóa sổ.
Tất nhiên, kể cả tỷ lệ tử vong 20% cũng đã là quá cao so với chủng Cúm thông thường, loại mà chỉ gây tử vong không quá 1% số người nhiễm.
May mắn là hiện nay loài người đã phát triển được vắc xin, kháng sinh, các biện pháp điều trị tích cực… nên có lẽ thảm họa COVID-19 chưa thể gây tổn hại sinh mạng quá lớn trên toàn cầu.
5. Các liệu pháp điều trị thời gian đó ít tác động tới bệnh dịch
Không có thuốc đặc trị virus vào thời gian đại dịch cúm năm 1918. Bây giờ cũng vẫn vậy, hầu hết các biện pháp chăm sóc y tế đối với bệnh cúm tập trung hỗ trợ bệnh nhân, hơn là chữa cho bệnh nhân khỏi bệnh.
Một giả thuyết cho rằng nhiều ca bệnh Cúm tử vong lúc đó có thể thực tế bị ngộ độc Aspirin mà chết. Các quan chức y tế lúc đó đã khuyến cáo sử dụng liều cao Aspirin tới 30gram mỗi ngày. Ngày này, khoảng 4 gram/ngày đã được coi là liều an toàn tối đa rồi. Liều cao Aspirin có thể dẫn tới nhiều triệu chứng của đại dịch, trong đó có xuất huyết.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong dường như cao bằng nhau ở một số nơi trên thế giới nơi mà Aspirin không có sẵn, do đó tranh cãi vẫn tiếp tục diễn ra.
Hiện nay, một số phương pháp không được xác thực cũng đã được khuyến cáo ở một số vùng nông thôn, hoặc những quốc gia như Ấn Độ gây thảm họa khôn lường.
6. Đại dịch đã chiếm lĩnh thông tin thời gian đó
Các cơ quan y tế công, các cơ quan hành pháp, chính trị gia có lý do để nói giảm nhẹ bớt mức độ nguy hiểm của dịch cúm năm 1918, điều này dẫn tới hạn chế thông tin truyền thông. Bên cạnh nỗi sợ việc tiết lộ đầy đủ thông tin có thể khuyến khích kẻ thù trong thời kỳ chiến tranh, họ cũng muốn giữ gìn trật tự xã hội và tránh hoảng loạn.
Tuy nhiên, các nhà chức trách đã phản hồi. Vào thời gian đỉnh điểm của dịch bệnh lệnh cách ly đã được ban hành ở nhiều thành phố. Một vài dịch vụ thiết yếu cũng đã bị dừng lại, bao gồm cả cảnh sát và cứu hỏa.
Vì những lý do chính trị nhạy cảm, đôi khi thông tin dịch bị giấu nhẹm và gây ảnh hưởng nặng nề tới sinh mạng của người dân. Hi vọng, điều này sẽ không xảy ra với thế giới văn minh hiện nay.
7. Đại dịch đã thay đổi Thế chiến thứ I
Có vẻ không đúng nếu cho rằng dịch cúm đã thay đổi kết quả của Thế chiến thứ I, bởi vì các quốc gia tham chiến ở các hai phe đều bị ảnh hưởng tương đương nhau.
Tuy nhiên, ít ai nghi ngờ về việc chính cuộc chiến này đã ảnh hưởng mạnh tới cục diện của đại dịch. Việc tập trung hàng triệu quân lính đã tạo ra môi trường lý tưởng để phát triển các chủng virus nguy hiểm và lây lan ra quy mô toàn cầu.
8. Tiêm chủng diện rộng đã chấm dứt đại dịch
Tiêm chủng chống lại cúm chưa được thực hiện vào năm 1918, do đó việc tiêm chủng đương nhiên chẳng đóng vai trò gì trong việc kết thúc đại dịch Cúm 1918 cả.
Việc đã tiếp xúc với các chủng cúm trước đây có thể đã giúp cơ thể con người có thể tự bảo vệ được phần nào. Ví dụ như những binh lính đã phục vụ trong quân ngũ nhiều năm thường có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với những lính mới.
Bên cạnh đó, virus đột biến nhanh chóng có vẻ như tiến hóa theo thời gian để trở thành chủng ít nguy hiểm hơn. Điều này đã được dự đoán trong các mô hình chọn lọc tự nhiên. Bởi vì các chủng gây chết vật chủ nhanh chóng, thường sẽ khó có thể lây lan hơn so với các biến chủng ít gây tử vong.
Hiện tại chúng ta có công cụ vắc xin, dù chỉ cần thực tế đạt hiệu lực 40-60% giống như các loại vắc xin Cúm thường thì đã giảm thiểu được nguy cơ tử vong của hàng trăm nghìn thậm chí hàng triệu người mỗi năm bởi COVID-10.
9. Gen của virus không bao giờ được giải mã
Vào năm 2005, các nhà nghiên cứu công bố rằng họ đã xác định thành công chuỗi gen của virus cúm 1918. Virus đã được khám phá trong thi hài của một nạn nhân cúm năm 1918 được chôn vùi trong lớp băng vĩnh cửu ở Alaska, cũng như các mẫu từ những quân nhân Hoa Kỳ đã ngã xuống thời kỳ đó.
Hai năm sau, một số khỉ được cho nhiễm với virus này có biểu hiện tương tự như những triệu chứng ghi chép lại trong đại dịch 1918. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khỉ đã bị chết khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mạnh với virus, tình trạng gọi là “bão Cytokine”. Các nhà khoa học ngày nay tin rằng tình trạng phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch chính là nguyên nhân quan trọng gây ra những cái chết ở người lớn trẻ tuổi mắc Cúm vào năm 1918.
10. Thế giới ngày nay cũng không được chuẩn bị tốt hơn so với 1918
Các đại dịch nguy hiểm có xu hướng xảy ra sau một vài thập kỷ và đại dịch mới nhất chúng ta đang trải qua.
Ngày nay, các nhà khoa học đã biết nhiều hơn về cách cô lập và xử lý số lượng lớn bệnh nhân ốm, hấp hối, và thầy thuốc có thể kê đơn kháng sinh, điều mà năm 1918 không có, để chống lại nhiễm trùng thứ phát. Các biện pháp chung như giãn cách xã hội, rửa tay, y học hiện đại có thể tạo ra vắc xin và các thuốc kháng virus.
Trong tương lai có thể dự đoán, các đại dịch virus sẽ vẫn là một mối lo của cuộc sống con người. Với tư cách là một xã hội, chúng ta chỉ có thể hi vọng rằng chúng ta học được các bài học từ những đại dịch lớn để có thể đối mặt tốt hơn với đại dịch COVID-19.
Theo: theconversasion.com, tác giả Richard Gunderman – Chancellor’s Professor of Medicine, Liberal Arts, and Philanthropy, Indiana University.