Hôi miệng hoặc hơi thở có mùi hôi là chuyện thường thấy ở nhiều người, ngay cả những người mạnh khỏe, đặc biệt là khi thức giấc vào buổi sáng sau một đêm ngủ. Bị hôi miệng tuy không phải là dấu hiệu của bệnh gì trầm trọng nhưng nó lại ảnh hưởng rất nhiều tới nếp sống cũng như tác dụng mạnh tới tâm lý của người bị bệnh… Vậy nguyên nhân gây hôi miệng hay hơi thở có mùi là do đâu?
Mục lục
Bị hôi miệng do thức ăn
Thức ăn có thể ảnh hưởng đến hơi thở của bạn. Nếu bạn ăn thực phẩm có mùi mạnh, chẳng hạn như tỏi hoặc hành tây, mùi này sẽ ảnh hưởng tới hơi thở của bạn. Khi hệ thống tiêu hóa hoạt động, các chất có trong thức ăn sẽ đi vào máu. Các loại dầu cay và hăng có trong tỏi, hành sẽ xâm nhập vào phổi gây ra hôi miệng.
Đánh răng, ăn bạc hà hoặc sử dụng nước súc miệng có thể giấu được mùi nhưng sẽ không khử được mùi hoàn toàn cho đến khi các thực phẩm này đã ra khỏi cơ thể.
Thức ăn cũng có thể còn trong miệng nếu bạn không đánh răng hay dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Những thức ăn thừa này tích tụ giữa các kẽ răng, tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn trong miệng và gây ra hôi miệng.
Bị hôi miệng do khô miệng
Nước bọt có nhiệm vụ giữ miệng ẩm, giúp tiêu hóa thực phẩm, giảm các thay đổi về tính axit trong miệng và tiêu hóa tinh bột. Khi tính axit trong miệng cao thì vi khuẩn sẽ sinh ra nhiều hơn khiến bạn thấy bị hôi miệng.
Khô miệng có thể là do tuyến nước bọt kém họat động, thiếu nước, thở bằng miệng, tuổi già, thiếu sinh tố, mãn kinh hoặc bị các bệnh tổng quát như tiểu đường, thiếu hồng cầu, đa xơ cứng, liệt kháng AIDS…
Ngoài ra, một số dược phẩm như thuốc hạ huyết áp, thuốc an thần, thuốc chống dị ứng, trị kinh phong, trầm cảm, tâm thần phân liệt, amphetamine, thuốc lợi tiểu… cũng làm giảm nước bọt trong miệng.
Thêm nữa, hầu hết mọi người đều tiết ra ít nước bọt hơn trong khi ngủ, dẫn đến khô miệng và “hơi thở đáng sợ” vào buổi sáng. Tình trạng thậm chí còn xấu hơn với những người mở miệng trong khi ngủ.
Bị hôi miệng do cơ thể có bệnh
Suy gan giai đoạn cuối có thể gây hôi miệng, còn được gọi là “mùi hôi trong bệnh xơ gan”. Theo đó, mùi ngọt, mốc là do dimethyl sulfide chứ không phải xeton. Nhờ các triệu chứng này mà có thể phân tích hơi thở để chẩn đoán phát hiện các bệnh lý về gan.
Ngoài ra, những người bị suy thận mãn tính cũng có hơi thở có mùi tanh hay giống ammoniac, được gọi là “mùi hôi urê”. Chính nồng độ urê cao trong nước bọt và phân hủy tiếp theo của nó thành amoniac gây ra tình trạng này.
Một số bệnh về bộ máy hô hấp như nhiễm trùng kinh niên phổi, viêm xoang kinh niên, ung thư phổi, viêm cuống họng, có vật lạ trong mũi… cũng tạo ra hơi thở hôi. Trong đó, ung thư phổi cho mùi hôi như thịt thối.
Ngoài ra, khi có rối loạn về sự co bóp của bao tử , thực phẩm chậm tiêu hóa như mỡ béo , ở lâu trong dạ dày, bị lên men cũng tạo ra mùi hôi, nhất là khi ta ợ.
Bên cạnh đó, trái với nhiều tin tưởng, táo bón lại không gây hôi miệng và bệnh bao tử cũng ít gây hôi vì bình thường miệng thực quản khép kín. Bệnh bao tử chỉ gây hôi miệng khi nào ta ói mửa hoặc ợ hơi, dội ngược thực quản…
Lời kết
Để điều trị hôi miệng, quan trọng nhất là bạn cần tăng cường vệ sinh răng miệng và điều trị các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Biện pháp đơn giản nhất là bạn có thể uống nhiều nước, nhai hoặc ngậm kẹo cao su không đường để ngăn ngừa hôi miệng. Tất cả hoạt động này đều kích thích sản sinh nước bọt, giúp rửa tan cặn thức ăn và vi khuẩn gây mùi hôi…