1. Lượng máu ra bao nhiêu là bình thường?
Thực tế, lượng máu kinh ra mỗi ngày ở mỗi người là khác nhau. Có người ra liên tục trong vài ngày thì sạch, số khác ra “điềm đạm” hơn, thời gian cũng kéo dài hơn. Điều bạn cần lưu ý không phải mức độ ra mỗi ngày mà là tổng lượng ra trong suốt kì đèn đỏ. Một đợt “đèn đỏ” kéo dài từ 3-7 ngày được xem là bình thường.
Mục lục
- 1 1. Lượng máu ra bao nhiêu là bình thường?
- 2 2. Hiện tượng ra những cục máu lớn có nguy hiểm không?
- 3 3. Cảm giác khó chịu trong phạm vi nào được xem là bình thường?
- 4 4. Máu không phải lúc nào cũng đỏ, có sao không?
- 5 5. Đến hẹn không thấy lên
- 6 6. Vòng kinh không đều
- 7 7. Ra máu giữa kì có đáng ngại?
- 8 8. Tại sao hay bị đi ngoài trong kì kinh?
Khi nào cần giúp đỡ?
Những dấu hiệu sau cho thấy bạn chảy máu nhiều hơn mức bình thường:
- Lượng máu ra thấm đẫm băng vệ sinh sau 1 giờ.
- “Bị” quá 7 ngày.
Ra máu nhiều hoặc thời gian “bị” kéo dài thường do mất cân bằng tạm thời về hormone, song cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như u xơ, ung thư màng trong dạ con hay mang thai ngoài tử cung.
2. Hiện tượng ra những cục máu lớn có nguy hiểm không?
Những “cục máu” mà bạn thấy là một phần bình thường của kinh nguyệt, chúng thường xuất hiện vào những ngày máu ra nhiều nhất. Thông thường, cơ thể bạn sản sinh ra chất chống đông để máu kinh không vón cục, nhưng trong những ngày ra nhiều, máu kinh bị tống khứ rất nhanh, ngăn chất chống đông phát huy hiệu quả.
Khi nào cần giúp đỡ?
Nếu bạn thấy máu kinh vón cục quá nhiều và xuất hiện cả những cục máu rất lớn, hãy đến bác sĩ kiểm tra nhé. Đó có thể là dấu hiệu xảy thai hoặc u xơ.
3. Cảm giác khó chịu trong phạm vi nào được xem là bình thường?
Một số cô gái may mắn trải qua kì đèn đỏ mà không đau đớn gì, nhưng hầu hết phụ nữ sẽ nếm trải vài cung bậc khó chịu. Tin tốt là hầu hết cảm giác khó chịu sẽ biến mất khi bạn ở tuổi 25 trở ra, sau khi đã sinh con lần thứ nhất.
Khi nào cần giúp đỡ?
Nếu cảm giác khó chịu ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của bạn, hãy đi khám để loại trừ các khả năng viêm màng trong dạ con, viêm tấy xương chậu, u nang buồng trứng hay u xơ tử cung.
4. Máu không phải lúc nào cũng đỏ, có sao không?
Chẳng sao cả, thực tế máu kinh không phải lúc nào cũng đỏ. Càng đến những ngày cuối lượng máu càng ít đi và bị oxi hóa dẫn đến chuyển màu nâu. Không việc gì phải lo lắng.
5. Đến hẹn không thấy lên
Nếu bạn có hoạt động tình dục, việc chậm kinh có thể là một dấu hiệu cho thấy đã mang thai. Khi đã loại trừ khả năng này, còn một số nguyên nhân khác: Rối loạn nội tiết, stress hoặc thay đổi chế độ ăn (ăn kiêng, thiếu chất) cũng dẫn đến rối loạn chu kì.
Khi nào cần giúp đỡ?
Nếu bạn mất kinh 3 kì liên tiếp và đã ngoại trừ nguyên nhân có thai.
6. Vòng kinh không đều
Vòng kinh không đều xảy ra hầu hết ở 5 năm đầu khi bạn bước vào dậy thì và ở giai đoạn tiền mãn kinh, nguyên nhân thường do rối loạn nội tiết. Đối với bạn gái tuổi thanh niên, vòng kinh thường khá đều, điều ngược lại xảy ra khi bạn bị stress, đang dùng thuốc chữa bệnh, có điều lo lắng, dinh dưỡng kém hoặc tập thể dục quá sức.
Khi nào cần giúp đỡ?
Khi vòng kinh không đều khiến bạn gặp khó khăn trong việc tính thời gian thụ thai để sinh em bé.
7. Ra máu giữa kì có đáng ngại?
Với một số phụ nữ, ra chút máu giữa kì kinh không phải dấu hiệu đáng lo ngại. Phụ nữ đang sử dụng vòng tránh thai hay uống thuốc tránh thai cũng có thể ra máu giữa kì. Nếu bạn vẫn ra máu bất thường sau 3 chu kì liên tiếp sử dụng thuốc tránh thai, nên đến gặp bác sĩ để thay thuốc với hàm lượng progesterone/ estrogen cao hơn.
Khi nào cần giúp đỡ?
Ra máu giữa kì là hiện tượng hiếm gặp với đa số phụ nữ song vẫn có thể xảy ra. Rối loạn nội tiết là nguyên nhân phổ biến, song vì đây cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn, tốt nhất bạn nên tới gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.
8. Tại sao hay bị đi ngoài trong kì kinh?
Vì chu kì kinh nguyệt có ảnh hưởng đến nhu động ruột. Các nhà nghiên cứu thấy rằng, 1/3 phụ nữ gặp rối loạn tiêu hóa trong kì kinh nguyệt, đa số đi ngoài lỏng một vài ngày đầu kì kinh. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được làm rõ, song thủ phạm có thể là sự lên xuống bất thường của progesterone.
Benh.vn (Theo MSN)