Alzheimer là một bệnh đáng sợ của tuổi già, gây suy giảm chất lượng cuộc sống, làm cho người ta mất trí, sống lệ thuộc và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Gần đây, các nhà khoa học liên ngành Trường đại học Northwestern (Mỹ) đã tìm ra một phương pháp phát hiện bệnh Alzheimer ở động vật và ở người trước khi các triệu chứng của bệnh này xuất hiện bằng phương pháp không xâm lấn Nano MRI. Phương pháp mới này sẽ kết hợp cùng với các phương pháp truyền thống trước đây sẽ cho phép phát hiện sớm bệnh Alzheimer.
Alzheimer là một bệnh đáng sợ của tuổi già vì làm cho người ta mất trí, sống lệ thuộc vào người khác. Bệnh gây suy giảm chất lượng cuộc sống ở người cao tuổi và là gánh nặng của gia đình và xã hội, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Theo thống kê năm 2014 ở Mỹ, chi phí cho việc chăm sóc điều trị bệnh Alzheimer là 200 tỷ USD, dự kiến đến năm 2050 sẽ là 1.100 tỷ USD. Một trong những khó khăn cho công tác điều trị hiện nay là việc phát hiện bệnh muộn, bệnh không có thuốc chữa nguyên nhân mà chỉ có thuốc chữa triệu chứng và việc sử dụng thuốc chỉ có hiệu quả cao khi điều trị bệnh từ sớm. Do đó, việc phát hiện bệnh sớm là rất cần thiết và cấp bách để nâng cao hiệu quả chữa trị cho bệnh nhân.
Các kháng thể 586 – NU được mã hoá trên thiết bị Nano-MRI.
Được dẫn dắt bởi nhà thần kinh học Wiliam L Klein và các tài liệu khoa học của Vinayat P David, nhóm các nhà nghiên cứu và các kỹ sư Đại học Northwestern (Mỹ) đã phát triển một thiết bị chụp cộng hưởng từ nano (Nano-MRI) cho phép nhận biết Oligomer beta amyloid và mảng beta amiloid. Trên thiết bị Nano-MRI các kháng thể chống lại Oligomer beta amyloid, ký hiệu 586-NU được mã hóa thành màu đỏ và mảng beta amyloid ký hiệu Th-S được mã hóa thành màu xanh. Trường hợp 586-NU chồng lên Th-S thì sẽ có màu vàng.
Oligomer beta amyloid là gì? Oligomer beta amyloid được phát hiện năm 1998 bởi William L Klein và ngày nay nó được coi là thủ phạm gây ra bệnh Alzheimer. Khi có tác động của các độc tố (giống như kháng thể) tấn công thì Oligomer beta amyloid có sự biến đổi bất thường trong liên kết, tạo ra các mảng beta amyloid là mảng đặc trưng của bệnh Alzheimer. Thiết bị Nano-MRI nói trên cho phép nhận biết sự xuất hiện 586-NU (là kháng thể của Oligomer beta amyloid) và sự xuất hiện Thi-S (mảng beta amyloid) thông qua việc nhận biết màu của chúng, nên cho phép chúng ta phát hiện sớm bệnh Alzheimer.
Sở dĩ có thể phát hiện sớm bệnh đó là do Oligomer beta amyloid thường xuất hiện từ sớm, trước sự xuất hiện mảng beta amiloid hàng chục năm. Do đó, việc phát hiện sớm Oligomer beta amyloid cũng có nghĩa là đã phát hiện sớm nguy cơ; phát hiện ra mảng beta amylod có nghĩa là phát hiện sớm bệnh. Từ khi xuất hiện các mảng beta amyloid đầu tiên cho đến khi phát triển thành mảng beta amiloid dày đặc cản trở các tín hiệu dẫn truyền thần kinh, làm xuất hiện các triệu chứng suy giảm trí nhớ rồi sa sút trí tuệ còn phải qua hàng chục năm nữa. Như vậy, bằng thiết bị Nano-MRI có thể nhận biết nguy cơ cũng như sự xuất hiện bệnh trước khi xuất hiện triệu chứng ban đầu ít nhất là vài chục năm. Như chúng ta đã biết, tất cả các thuốc hiện tại dùng trong điều trị Alzheimer như tacrin, donepezil, rivastigmin chỉ là các thuốc ức chế enzym acetylcholiesterase, làm cho acetylcholin vững bền nên chỉ chữa triệu chứng, làm chậm lại sự phát triển và chỉ có hiệu quả khi bệnh còn nhẹ. Do đó, phát triển thiết bị Nano-MRI nối ở trên là rất có ý nghĩa cho việc điều trị Alzheimer.
Thiết bị Nano-MRI này không những cho nhận biết Oligomer beta amyloid, mảng beta amiloid qua nhận biết màu, mà còn định lượng được chúng qua đo nồng độ trong máu. Do đó, thiết bị Nano-MRI cho phép ta đánh giá thuốc dùng phóng trị Alzheimer. Một thuốc có ý nghĩa dự phòng phải là thuốc làm giảm Oligomer beta amyloid và một thuốc có ý nghĩa điều trị phải là thuốc làm giảm và đi đến triệt tiêu beta amyloid.
Ngoài nghiên cứu về kĩ thuật phát hiện Alzheimer sớm bằng phương pháp không xâm lấn Nano-MRI, trước đây cũng đã có hai nghiên cứu khác về việc phát hiện Alzheimer không xâm lấn:
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học ở Đại học Georgetown, Washington DC (Mỹ) đã phân tích mẫu máu của 525 người trên 70 tuổi. Khi so sánh mẫu máu của 53 người mắc Alzheimer hoặc suy giảm nhận thức nhẹ với 53 người trí tuệ minh mẫn, họ nhận ra sự khác biệt nồng độ 10 loại chất béo của hai nhóm này. Chưa rõ vì sao có sự khác biệt này nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng trong não của người Alzheimer hay suy giảm nhận thức có sự thay đổi sớm ở não và dư lượng các chất béo được tạo ra bởi các thay đổi sớm trong não dẫn tới sự thay đổi nồng độ chất béo trong máu. Định lượng 10 chất béo trong máu sẽ cho phép chẩn đoán khá chính xác những người sẽ bị bệnh Alzheimer trong những năm tiếp theo khi những người này chưa xuất hiện bất cứ triệu chứng nào của bệnh.
Theo DSCKII. Bùi Văn Uy