Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu – Nguyên nhân và cách điều trị
Mục lục
Thế nào gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu?
Huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep Vein Thrombosis) là tình trạng máu đóng cục trong các tĩnh mạch lớn, thường xảy ra ở chân hoặc đùi. Mỗi năm có khoảng nửa triệu người Mỹ mắc chứng này và khoảng hơn 100 ngàn người chết. Điều nguy hiểm nằm ở chỗ một phần của khối máu đông có thể vỡ ra và thông qua hệ thống mạch máu đi khắp cơ thể, trong đó có mạch phổi, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng.
Không may, huyết khối tĩnh mạch sâu thường xảy ra mà chúng ta không hề hay biết. Khoảng 50% số bệnh nhân mắc bệnh này mà không có biểu hiện gì bất thường. Triệu chứng của bệnh có thể bao gồm:
– Xuất hiện vết đỏ trên da.
– Xuất hiện các vết sưng.
– Da tăng nhạy cảm hoặc đau.
Các triệu chứng này thường xuất hiện ở chân, là khu vực hay xảy ra tình trạng đông máu.
Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng máu đóng cục trong các tĩnh mạch lớn, thường xảy ra ở chân hoặc đùi.
Nguy cơ từ bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu: Thuyên tắc động mạch phổi
Nếu một phần của khối máu đông tách ra và lưu thông trong lòng mạch máu, hậu quả của nó có thể gây nguy hiểm tính mạng. Hiện tượng một cục huyết khối làm tắc mạch máu cung cấp dưỡng chất của phổi gọi là thuyên tắc động mạch phổi. Triệu chứng bao gồm khó thở, huyết áp thấp, người xỉu dần, nhịp tim tăng nhanh, tức ngực, ho ra máu. Nếu thấy bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy ngay lập tức tới bệnh viện cấp cứu.
Nguyên nhân của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu
Bất cứ thương tổn nào bên trong thành mạch máu đều có thể tạo thành huyết khối tĩnh mạch sâu, bao gồm: phẫu thuật, vết thương hoặc phản ứng của hệ miễn dịch. Hiện tượng cô đặc máu hoặc chảy quá chậm thường có nguy cơ tạo thành khối máu đông, đặc biệt tại vị trí tĩnh mạch bị thương tổn. Các nguyên nhân khác làm gia tăng nguy cơ đông máu gồm có: rối loạn gien, thay đổi hooc môn, ngồi nhiều trong thời gian dài (ví dụ khi đi máy bay).
Chẩn đoán bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu
Siêu âm là phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu. Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh để tạo nên hình ảnh của dòng máu lưu thông trong vùng bị tác động và có thể chỉ ra vị trí máu đông. Trước khi yêu cầu siêu âm, bác sĩ sẽ khám và kiểm tra dấu hiệu nghẽn mạch máu. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện những chẩn đoán khác như thử máu, trả lời các câu hỏi về tiền sử bệnh tật, loại thuốc đang sử dụng, hay bất kỳ yếu tố nào có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Nếu một phần của khối máu đông tách ra và lưu thông trong lòng mạch máu, hậu quả của nó có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Chữa trị huyết khối tĩnh mạch sâu
a) Thuốc chống đông máu
Thuốc chống đông giúp máu dễ lưu thông hơn, là phương thuốc chủ yếu chống huyết khối tĩnh mạch sâu.Thuốc ở dạng viên hoặc dạng tiêm.Thuốc không có tác dụng phá hủy các cục máu đông, nhưng giúp ngăn việc hình thành các cục máu đông mới, cho cơ thể có thời gian tự phân rã các điểm tụ máu trước đó.
Do thuốc chống đông làm loãng máu hơn, người sử dụng thường hay bị thâm tím hoặc dễ chảy máu nhiều hơn. Chảy máu trong có thể gây nguy hiểm tính mạng, vì vậy nếu bạn dùng thuốc chống đông máu, bác sỹ phải kiểm tra máu để kiểm soát độ loãng của máu. Một vài loại thuốc chống đông mới không đòi hỏi kiểm tra nồng độ máu thường xuyên.
b) Phá vỡ các khối máu tụ
Các loại thuốc phá hủy các khối máu tụ có thể gây chảy máu dữ dội, nên chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp: ví dụ, để làm tan khối máu đã lọt vào phổi và gây ra các triệu chứng nghẽn mạch phổi. Thuốc này chỉ có thể được dùng theo chỉ định của bác sỹ tại bệnh viện.
c) Bộ lọc tĩnh mạch chủ
Nếu bạn không thể dùng thuốc chống đông hoặc chúng không có tác dụng, bác sỹ có thể khuyên bạn cấy một bộ lọc vào trong tĩnh mạch lớn, gọi là Vena cava. Bộ lọc này sẽ giữ lại những cục máu đông bị vỡ và ngăn chúng di chuyển vào trong phổi. Bộ lọc không ngăn ngừa việc hình thành khối tụ máu mới hoặc làm tan khối máu cũ nhưng chúng có thể chống lại việc nghẽn mạch phổi gây nguy hiểm tính mạng.
d) Sử dụng tất bó ép chân
Tất bó ép chân là loại tất y tế nhằm chống quá trình liên kết và tạo thành khối của máu ở chân. Nó giúp giảm sưng và giúp làm dịu đi sự khó chịu khi có khối máu hình thành ở trong tĩnh mạch máu chân. Bạn có thể mua tất bó ép chân tại quầy thuốc hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Các loại tất y khoa theo chỉ định của bác sỹ sẽ tạo áp lực lớn hơn cho chân.
e) Chăm sóc tại nhà
Để giảm sưng và giảm khó chịu, bạn nên giữ cho chân ở tư thế cao. Nếu bác sĩ khuyên bạn sử dụng tất bó ép chân, bạn nên dùng ngay cả khi ở nhà.
Các biến chứng lâu dài của huyết khối tĩnh mạch sâu
Khi khối máu tụ không còn, chứng huyết khối tĩnh mạch sâu có thể để lại một số biến chứng không hề dễ chịu chút nào. Bạn có thể bị sưng tấy trong thời gian dài, đổi màu da, và đau ở vùng bị nghẽn mạch. Các triệu chứng này được gọi là hội chứng hậu huyết khối, thông thường có thể xuất hiện hàng năm trời sau khi khối máu tụ đã được phá bỏ.
Lời kết
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu là căn bệnh thường gặp đối với những người ít vận động, đặc biệt là dân văn phòng hay phải làm việc trong tư thế ngồi nhiều. Bởi vậy, bạn không nên coi nhẹ các triệu chứng và bỏ qua các cảnh báo về huyết khối tĩnh mạch sâu. Benh.vn sẽ gửi đến các bạn những bài viết sâu hơn để tăng cường kiến thức và chủ động phòng chống căn bệnh khó phát hiện nhưng rất nguy hiểm này.
Benh.vn