Khả năng kiềm chế cảm xúc là một trong những tiêu chí vô cùng quan trọng để đánh giá một con người có thể gánh vác được những việc “đại sự” hay không. Nếu không thể kiềm chế thật tốt cảm xúc của mình thì sẽ rất dễ bị người khác kích động, phát sinh ra một loạt những lời nói và cử chỉ phi lý, hoặc ít nhất là lỡ việc lại thiệt thân…
Mục lục
Chính vì thế, cho dù ở trong hoàn cảnh nào thì bạn cũng không nên tùy tiện bày tỏ cảm xúc mà nên học cách kiềm chế nó. Đặc biệt, trước khi phát ngôn và hành động, nhất định phải cân nhắc thật kĩ, tuyệt đối không để cho người khác điều khiển cảm xúc và hành động của mình.
Biểu cảm và hành động khi gặp thần tượng Hàn Quốc của các bạn trẻ Việt Nam được đánh giá là thái quá, thiếu văn minh.
Dưới đây là bí quyết giúp kiềm chế cảm xúc. Chúng tôi hy vọng khi thực hiện theo những bước cơ bản này, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về những cảm xúc của mình và có cách giải quyết phù hợp khi đối mặt với nhiều tình huống khác nhau.
1. Nhận biết cảm xúc bản thân
Nhận biết được sự chuẩn bị bộc phát cảm xúc là bước đầu tiên trong việc đề phòng và kiềm chế cảm xúc tiêu cực để tránh phản ứng vội vàng. Mỗi phản ứng của con người là một sự lựa chọn, do đó, cần dành đủ thời gian đợi cho cảm xúc tiêu cực bộc phát tan hết để có thể thấy được toàn cảnh, giúp cho lý trí kịp vào cuộc để lựa chọn cách ứng xử thích hợp, trước khi cảm xúc cướp mất quyền lựa chọn đó.
2. Nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện
Những người khó tính, hay chấp nhặt thường dễ bực dọc, bất ổn hơn người cởi mở, dễ hòa đồng. Vì thế, cần tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, đầy đủ nhất. Đừng bao giờ chỉ nhìn nhận vấn đề theo một hướng, để rồi bạn sẽ chỉ nhận thấy sai lầm ở người khác mà không nhận ra những hạn chế ở chính mình. Khi gặp những rắc rối, bất đồng trong công việc, tâm trạng của bạn có thể rất căng thẳng, vì vậy, hãy thư giãn để tinh thần được thoải mái, giảm stress và phiền muộn.
3. Đặt mình vào vị trí người khác
Cần đặt mình vào vị trí của người khác để có cái nhìn khách quan và tích cực hơn, từ đó kiềm chế cảm xúc và hành động của bản thân lẫn đối phương. Dù trong bất kì tình huống nào cũng cần bình tĩnh, linh hoạt để tìm phương án xử lý tối ưu nhất.
4. Quản lý cảm xúc
Hãy học cách kiềm chế cảm xúc trong những tình huống cần thiết bạn nhé!
Ghi lại suy nghĩ
Hãy viết ra giấy những gì bạn cảm thấy khó chịu ngay lúc đó. Trên thực tế, viết cũng là cách giúp giải tỏa cảm xúc và nhìn nhận lại mình. Khi bình tâm lại, hãy xem lại những gì mình viết, chắc hẳn bạn sẽ tự biết cách giải quyết vấn đề. Nên nhớ rằng, việc thay đổi tình hình nằm trong tay bạn nhé!
Bùng nổ an toàn
Trong trường hợp cảm xúc đạt đến cực trị và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, hãy cải tạo hoàn cảnh bằng cách kiếm một việc gì đó để làm. Có thể là đánh máy liên tục chẳng hạn, phương pháp này gần giống như việc bạn “trút giận” vào một công việc an toàn nào đó mà không để lại hậu quả đáng tiếc nào.
Mỉm cười
Hãy mỉm cười dù đó là một nụ cười miễn cưỡng hay một nụ cười gượng gạo, thậm chí nhăn mặt cũng có thể làm cho bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu và hạnh phúc hơn.
An Nguyên – Benh.vn (Tổng hợp)