Bệnh nhân S. bị tai nạn giao thông nhưng không nghiêm trọng, chỉ xây xước bên ngoài, trong đó có một vài vết xước ở vành ngoài tai trái. Anh S được đưa đến trạm y tế để sơ cứu. Do vết thương nhẹ nên sau khi điều trị ở đây một thời gian ngắn, anh được các nhân viên trong trạm y tế cho về nhà. Khoảng 6 ngày sau, đang nằm trên giường, anh S. tá hỏa thấy một con giòi rơi ra từ trong tai. Anh S. vô cùng sợ hãi khi nhớ lại những đau buốt tận óc trước đó, anh đã tới bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ tá hoả khi phát hiện trong tai anh S. nhung nhúc giòi đang làm tổ.
80 con giòi trưởng thành được lấy ra từ tai bệnh nhân S. khiến những người chứng kiến kinh hãi.
Trước trường hợp anh S., một trường hợp bị giòi làm ổ trong cơ thể hết sức hy hữu cũng đã được ghi nhận tại Việt Nam.
Ngày 8/12, bệnh nhân Trần Văn S. (ngụ xã Phong Bình, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) được người nhà đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng tai bên trái đau nhức khó chịu, phần tai rỉ nước dịch màu vàng có mùi hôi thối, ống tai phù nề. Tiếp nhận ca bệnh, bác sĩ Hồ Mạnh Hùng (Phó khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Trung ương Huế) Người nhà bệnh nhân cho biết thời gian 1 đến 2 ngày đầu, tình trạng sức khỏe anh vẫn bình thường. Nhưng đến ngày thứ 3, anh S. bắt đầu cảm thấy trong tai đau nhức rồi chảy dịch ra ngoài. Nghĩ chỉ là cơn đau nhất thời, anh S. cũng không quan tâm lắm. Tuy nhiên những ngày sau đó, anh cảm thấy càng ngày càng đau hơn, hơn nhất là những lúc ăn. Đến ngày thứ 6 trong lúc nằm trên giường, anh hoảng hốt phát hiện một con giòi rơi ra từ lỗ tai mình.
Ngay lập tức, anh S. được người nhà đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. “Qua lời kể của người thân và cảm nhận của bệnh nhân rằng có con gì đó đang hoạt động trong tai, cảm giác đau đớn như trong não bị chấn động nên tôi chắc chắn trong lỗ tai anh S. bị sinh vật lạ xâm nhập. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng cũng như mức độ nguy hiểm của trường hợp này nên tôi đã nhanh chóng yêu cầu bệnh nhân S. làm thủ tục phẫu thuật ngay. 3 tiếng đồng hồ sau khi nhập viện, anh S. được đưa vào phòng mổ”, bác sĩ Hùng cho biết.
Kíp mổ ngày hôm đó gồm có bác sĩ Hồ Mạnh Hùng (trưởng kíp), bác sĩ Đặng Như Quang – khoa Gây mê B và bác sĩ nội trú Ngô Đức Lưu cùng phối hợp thực hiện. Lúc đầu, các bác sĩ xác định chỉ gây tê nhưng do bệnh nhân quá đau đớn nên phải dùng phương pháp gây mê nội khí quản, sau đó mới thực hiện ca mổ. Sinh vật trong tai anh S. hoạt động quá mạnh khiến cho phần tai trái sưng phù, ống tai bị chít hẹp gần như hoàn toàn. Các bác sĩ đã dùng các thiết bị y tế hiện đại để nhìn vào kiểm tra nhưng không thấy. Do đó, trường hợp của anh S. không thể phẫu thuật nội soi qua ống tai như bình thường mà phải dùng kính hiển vi phẫu thuật. Thêm vào đó, ống mổ nội soi không thể luồn vào từ bên ngoài tai bệnh nhân được nên bác sĩ Hùng quyết định phải mổ ở rãnh sau tai nhằm tìm đến vị trí của ổ giòi.
Bác sĩ Hùng nhớ lại: “Vị trí của ổ giòi này cách cửa tai bệnh nhân chừng 1,5 cm, nằm ở hướng 11 giờ trong ống tai bệnh nhân. Những con giòi trong này dù mới tồn tại trong tai anh S. một thời gian ngắn nhưng lại phát triển rất nhanh. Chúng lấy chất dinh dưỡng để phát triển bằng cách ăn các tổ chức da và ống tai nên bệnh nhân luôn có cảm giác đau đớn như vậy. Đồng thời, phần tổ giòi này nằm gần khớp thái dương hàm (khớp này hoạt động lúc nhai) khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc ăn uống. Do vậy mà mỗi lần nhai thì giòi hoạt động mạnh hơn, cảm giác đau đớn tăng lên gấp bội”.
Không nên coi thường vết thương nhỏ
Khi mổ đến vị trí của ổ giòi, các bác sĩ trong kíp mổ nhận thấy bên trong ổ này không chỉ có những con giòi trưởng thành mà còn có rất nhiều ấu trùng ruồi, giòi nhỏ cùng với trứng. Những con giòi lớn nhất có kích thước khoảng 2mm và chiều dài 1,6 cm. Ấu trùng nhỏ và trứng không thể nhìn thấy bằng mắt thường mà chỉ có thể thấy chúng thông qua kính hiển vi phẫu thuật sau khi đã phóng đại lên 10 lần. Tiếp đến, bác sĩ Hùng chỉ đạo kíp mổ gắp những con giòi trưởng thành ra trước. Quá trình này phải tiến hành rất cẩn thận vì phần tai là một trong những bộ phận nhạy cảm. Một sơ suất nhỏ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân cũng như để lại các di chứng về sau.
Đối với những con giòi nhỏ hơn cùng các ấu trùng và trứng còn lại, do kích thước quá nhỏ nên không thể gắp như giòi trưởng thành được. Bởi vậy, các bác sĩ phải áp dụng phương pháp hút chúng ra, kết hợp dùng nước muối súc, rửa sạch nhiều lần đảm bảo trong tai không còn bất cứ một mầm mống nào còn sót lại của sinh vật. Sau đó, các bác sĩ còn dùng kính hiển vi để kiểm tra lại nhiều lần nữa để chắc chắn ống tai của bệnh nhân đã sạch hoàn toàn. Tuy nhận thấy tổ giòi này mới chỉ ăn da vùng ống tai ngoài nhưng với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, bác sĩ Hùng tiếp tục kiểm tra xem tổ giòi này có tác động đến các bộ phận khác nữa không, trong đó có màng nhĩ của bệnh nhân.
Khi đã theo dõi kỹ, nhận thấy màng nhĩ chỉ xung huyết chứ không bị thủng, các bộ phận khác vẫn bình thường, không bị ảnh hưởng gì mới tiến hành khâu phục hồi. Sau khi ca phẫu thuật hoàn thành, anh S. tiếp tục nằm lại bệnh viện điều trị kèm theo uống thuốc kháng sinh nhằm ngăn chặn ruồi xâm nhập để lại trứng và nở ra ấu trùng giòi. Sau 7 ngày được các bác sĩ trong bệnh viện tích cực theo dõi và điều trị, anh S. xuất viện trong tình trạng sức khỏe đã trở lại bình thường, ăn uống tốt.
Bác sĩ Hùng cho biết, trong hơn 30 hoạt động trong nghề và phẫu thuật cho rất nhiều ca bệnh khác nhau nhưng đây là trường hợp rất hiếm thấy và là đầu tiên ông gặp phải. Ông cho hay: “Có tổng cộng tất cả 80 con giòi được lấy ra từ tai bệnh nhân S. Những con giòi này phát triển rất nhanh, nếu để càng lâu thì cực kỳ nguy hiểm. Khi những trứng giòi nở ra và ấu trùng trong tổ này lớn lên, chúng sẽ tấn công mạnh vào các tổ chức và cơ quan xung quanh tai gây các biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, thủng màng nhĩ rồi dẫn đến tử vong. Rất may, trường hợp này được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời.
Khi lấy những con giòi này ra, tôi có đưa cho người nhà bệnh nhân xem. Họ vô cùng kinh hãi nhưng cũng vui mừng vì người thân đã an toàn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà hoàn toàn yên tâm được. Bởi vậy, sau khi phẫu thuật xong tôi cũng khuyên người nhà bệnh nhân nên cẩn trọng hơn nữa. Đặc biệt là việc hướng dẫn họ rất kỹ trong quá trình giữ vệ sinh vết thương hàng ngày, tránh để ruồi xâm nhập rồi để lại ấu trùng mà giòi xuất hiện trở lại. Qua trường hợp này, tôi cũng xin nhắc nhở mọi người rằng dù vết thương nhỏ đến đâu cũng không nên chủ quan. Khi đã bị thương, cần phải chú ý giữ vệ sinh những chỗ trầy xước, không để những vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào gây nhiễm trùng vết thương hoặc có thể lặp lại trường hợp của bệnh nhân S. Trong đó đáng chú ý là các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể như tai, mũi, họng…, mức độ nguy hiểm càng cao hơn”.
Benh.vn (Theo giadinh.net)