Sốt không phải là bệnh, mà chỉ là triệu chứng, một phản ứng của cơ thể với các tác nhân gây bệnh. Do đó, khi trẻ bị sốt bạn nên quan sát xem trẻ có những biểu hiện gì khác không để tìm nguyên nhân và có xu hướng xử trí phù hợp.
Dưới đây là một số nguyên nhân thường gây ra sốt ở trẻ:
Sốt không do nhiễm trùng
Nguyên nhân gây sốt ở trẻ không phải do bệnh lý nhiễm trùng gây ra mà do các nguyên nhân ngoại lai khác thường gặp như.
- Do mọc răng: Trẻ có thể bị sốt nhẹ, quấy khóc, khó ngủ, chán ăn, chảy nước miếng.
- Do chủng ngừa: Trẻ có thể bị sốt nhẹ sau khi chủng ngừa thương hàn, bạch hầu, uốn ván, sởi, quai bị…
- Do cảm nắng hay các chứng cảm thông thường.
- Do mặc quá nhiều quần áo: Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, có thể bị sốt khi mặc quá nhiều quần áo, vì cơ thể điều nhiệt của trẻ chưa được hoàn thiện nên trẻ sẽ dễ thay đổi thân nhiệt theo môi trường bên ngoài.
Sốt do nhiễm trùng
Sốt do vi khuẩn, virus thường gặp nhất là ở các nước nhiệt đới gió mùa với khí hậu phức tạp như Việt Nam. Có thể do các nguyên nhân gây sốt nhiễm trùng ở trẻ như sau.
- Cảm cúm: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ em. Trẻ sốt 2-3 ngày, sổ mũi hay nghẹt mũi, đau họng, ho, mệt mỏi, chán ăn.
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên gây sốt, chảy mũi nước, ho, điển hình là bị viêm VA khám thấy họng, amiđan sưng, đỏ, có khi có mủ hoặc giả mạc hoặc viêm thanh quản cấp gây sốt, khàn tiếng hay mất tiếng.
- Viêm xoang: Một số trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp, điều trị không dứt điểm, lâu ngày dẫn đến viêm xoang
- Viêm khí phế quản, viêm phổi, viêm màng phổi, apxe phổi, thường có biểu hiện sốt cao, khò khè, ho, nôn, chán ăn, bỏ bú, lừ đừ, ho khạc đờm hay máu, đau ngực, thở nhanh, thở bất thường, khi bệnh nặng, trẻ có thể bị tím tái môi và móng tay. Cần chụp X-quang lồng ngực, xét nghiệm đờm, máu.
- Viêm tai: làm cho trẻ sốt kèm theo đau trong tai, trẻ rất khó chịu nên quấy khóc hoặc lấy tay gãi vào tai. Trẻ có biểu hiện bứt rứt, bỏ ăn, ù tai, chảy mủ tai, nghe không rõ. Nếu chưa biết nói, trẻ có thể hiện bằng cách kéo kéo tai.
- Sốt phát ban: Thường do các loại virus. Gặp ở các bệnh sởi, thủy đậu, rubella. Thường có viêm long đường hô hấp, nên thấy hắt hơi, sổ mũi, ho. Sau khi sốt 3 ngày đến 1 tuần thì phát ban rõ.
- Sốt xuất huyết: Sốt cao đột ngột liên tục từ 2 đến 7 ngày. Sau đó có biểu hiện xuất huyết như: chảy máu mũi, chảy máu chân răng, kinh nguyệt kéo dài, có những chấm hoặc mảng xuất huyết ở dưới da, đôi khi có xuất huyết nội tạng. Xét nghiệm máu bạch cầu hạ.
- Sởi: Trẻ sốt cao liên tục, ho nhiều, chảy nước mũi, mắt đỏ, từ ngày thứ 4 ban xuất hiện ở mặt, lan ra chân và chi.
- Bệnh tay, chân, miệng cũng là một bệnh gây cho trẻ sốt. Bệnh tay, chân, miệng có thể nhầm với một số bệnh như thủy đậu, bởi vì thủy đậu cũng làm cho trẻ sốt và có xuất hiện các nốt phỏng nhưng ở bệnh tay, chân, miệng ngoài các vị trí như miệng, mông thì thường có ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Bệnh tay chân miệng là một trong những nguyên nhân gây sốt ở trẻ
- Viêm bàng quang, viêm mủ bể thận, viêm cầu thận cấp. Trẻ có biểu hiện tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ít, nước tiểu đục hay hồng, có phù, đau vùng thắt lưng. Cần xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng thận, siêu âm, chụp X-quang vùng thận-tiết niệu.
- Nhiễm trùng huyết: Trẻ có biểu hiện nhiễm trùng, sốt cao liên tục, không ăn uống được, nôn ra tất cả, li bì, mạch nhanh, thở nhanh, có thể có phát ban da…
- Viêm màng não: Sốt kèm theo thóp phồng, cổ cứng (trẻ không cử động cổ được, không cúi đầu xuống được), nhạy cảm với ánh sáng, nôn mửa, li bì.
- Sốt rét: Nghi sốt rét khi trẻ đang sống hoặc có đi đến vùng có nhiều người bị sốt rét trong vòng 6 tháng. Trẻ thường ít có cơn sốt rét điển hình như người lớn (rét run, sốt, vã mồ hôi). Trẻ thường sốt kéo dài, liên tục, có hoặc không kèm lạnh run, đôi khi chỉ ớn lạnh, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ.
- Thương hàn: Nghi thương hàn khi trẻ đang sống hoặc có đi đến vùng có nhiều người bị thương hàn trong vòng 3 tuần. Trẻ thường sốt cao liên tục trên 5 ngày, đau bụng, bụng chướng, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Lao: Trẻ thường có dấu hiệu sốt kéo dài, thường sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm, biếng ăn, đứng cân hay sụt cân, ho nhiều, ho ra máu và không đáp ứng với kháng sinh thông thường.
- Các bệnh thuộc đường hô hấp dưới khi trẻ bị bệnh thường có sốt cao, thậm chí sốt rất cao và có thể gây co giật.
Xem thêm: Sốt ở trẻ em