Trong thời gian đỉnh điểm dịch bệnh sốt xuất huyết diễn tiến bất thường khiến nhiều gia đình lo lắng tự phun thuốc diệt muỗi hoặc dùng thuốc chống muỗi bôi, xịt cho con trẻ. Trên thị trường hiện đang bán nhiều sản phẩm chống muỗi như: kem, gel, dung dịch bôi, thuốc xịt lên da để bảo vệ và phòng bệnh. Vậy, việc sử dụng các loại thuốc này như thế nào để không gây độc hại cho sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của người dân.
Mục lục
Các loại thuốc chống muỗi đều chứa thành phần DEET
Theo các chuyên gia, các loại thuốc chống muỗi, dù ở dạng nào: kem, gel, dung dịch bôi cho đến các loại thuốc nước, thuốc xịt… của bất kỳ nhà sản xuất nào cũng đều có chung một thành phần chính là thuốc DEET.
DEET đã được biết đến như là một loại thuốc chống côn trùng tốt, với tỷ lệ thấp nhất là 15% cùng một số thành phần khác. Tuy nhiên, dù có tỷ lệ thấp nhưng hóa chất DEET không phải là vô hại. Nhiều người do quá lạm dụng các loại kem chống muỗi nên để lại những tổn hại cho da.
Những phản ứng phụ khi dùng thuốc chống muỗi
Nguy cơ phơi nhiễm hóa chất
Khi các vùng da hở như vết thương, nốt muỗi đốt cũ đã gãi trầy xước…việc tiếp xúc với các loại thuốc chống muỗi, cơ thể dẫn đến nguy cơ bị phơi nhiễm hóa chất qua các vùng da hở này. Các báo cáo về triệu chứng phổ biến của việc nhiễm độc DEET ở trẻ em là đau đầu, run, mất kiểm soát, động kinh và co giật. Hầu hết các trường hợp nhiễm độc do tiếp xúc với DEET được báo cáo đều liên quan trẻ em dưới 8 tuổi.
Đặc biệt, khi dùng loại bình xịt chống muỗi cho vùng mặt và cổ, thuốc xịt có thể lẫn vào không khí và dễ dàng xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp.Việc này cũng giống như việc hít phải chất độc hại.
Gây hại cho da
Bôi kem chống muỗi đốt chỉ có tác dụng tạm thời, do đó bôi kéo dài và bôi nhiều cũng có thể gây hại cho da. Đôi khi còn xuất hiện các tác dụng phụ như phản ứng kích ứng (da đỏ lên, rát, bong vảy) hoặc gây dị ứng da (da sưng nề, đỏ lên, ngứa, mụn nước li ti hoặc có mủ…).
Lời khuyên: Những trường hợp viêm da cơ địa (cả trẻ em và người lớn) có làn da rất mẫn cảm nên cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm chống muỗi.
Sử dụng thuốc chống muỗi cho trẻ em như thế nào?
Hạn chế tối đa việc trẻ tiếp xúc với thuốc
Thuốc chống muỗi khi dùng nhiều cho trẻ em lại là đối tượng dễ bị tác dụng phụ nhất, gây ảnh hưởng lên hệ hô hấp và làn da của bé. Một số loại hóa chất tổng hợp có trong thuốc chống muỗi có thể nguy hiểm cho cơ thể bé khi chúng xâm nhập vào trong da. Vì vậy với trẻ nhỏ, nên sử dụng thuốc dạng nước hoặc kem thay vì thuốc phun xịt, giúp cho trẻ không bị hít quá nhiều thuốc diệt côn trùng, vì khi phun, thuốc dạng bụi nước có xu hướng lan ra khắp nơi.
Sau khi thuốc hết tác dụng (xem hướng dẫn sử dụng) phải tắm rửa cho trẻ sạch sẽ để loại bỏ hóa chất có hại.Với những bé dưới 6 tháng tuổi, tốt nhất không nên cho bé dùng thuốc chỗng muỗi, đặc biệt là các sản phẩm chứa DEET.
Với bé trên 6 tháng tuổi, nên tránh dùng kem chống muỗi bôi trực tiếp lên da. Không bôi thuốc lên tay trẻ, vì trẻ thường xuyên cho tay vào miệng. Một số loại kem (dầu) chống muỗi có mùi hương và nồng độ rất mạnh, dễ gây dị ứng cho làn da nhạy cảm của bé, cũng không nên cho bé dùng.
Phương pháp
Trước khi sử dụng cho toàn thân, nên thử dùng trước cho một vùng da nhỏ mặt trong cánh tay. Nếu không xuất hiện kích ứng, mẩn ngứa thì từ đó mới áp dụng cho toàn bộ cơ thể.
Khi dùng thuốc thuốc xịt, không xịt vào vùng mặt. Nên xịt ra tay và xoa lên các vùng có nguy cơ bị muỗi đốt. Khi bôi cần tránh vùng mắt, mũi, miệng, vết thương hở. Có thể bôi thuốc lên quần áo, chăn, chiếu, màn… cũng cho tác dụng chống muỗi đốt.
Ngoài biện pháp trên, có thể dùng một số sản phẩm từ thực vật để xua muỗi như dầu đậu nành, sả, tuyết tùng, bạc hà, cỏ chanh, phong lữ, dầu khuynh diệp cũng có tác dụng trong thời gian ngắn.
Cẩm nang y học Benh.vn (Theo soha.vn)