Hiện nay, tại một số bệnh viện ở các tỉnh thành trên cả nước xuất hiện bệnh viêm mao mạch dị ứng. Đối tượng chủ yếu mắc bệnh là các em nhỏ dưới 10 tuổi.
Mục lục
Viêm mao mạch dị ứng không phải là một loại bệnh mới, tuy nhiên bệnh cũng hiếm gặp nên gây hoang mang, lo lắng cho không ít phụ huynh trong quá trình tìm hiểu và điều trị căn bệnh này.
Vậy, bệnh viêm mao mạch dị ứng là gì? Nguyên nhân gây bệnh? Cách điều trị bệnh ra sao? Benh.vn sẽ giúp chúng ta giải đáp vấn đề này.
Bệnh viêm mao mạch dị ứng là gì?
Bệnh viêm mao mạch dị ứng là bệnh thứ phát cấp tính, nguyên nhân chủ yếu do dị ứng. Các nguyên cứu đã cho thấy rằng, do có sự phản ứng miễn dịch giữa kháng nguyên và kháng thể diễn ra trên lớp nội mạc mạch (chủ yếu là mao mạch).
Phản ứng kháng nguyên và kháng thể này sẽ giải phóng ra các chất trung gian hóa học, đồng thời xuất hiện sự lắng đọng phức hợp miễn dịch tại lớp niêm mạc của mao mạch. Chất trung gian hóa học và phức hợp miễn dịch này sẽ làm tổn thương, tăng tính thấm thành mao mạch gây hiện tượng thoát quản (xuất huyết).
Bệnh còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như: hội chứng viêm mạch Schonlein-Henoch, ban xuất huyết dạng thấp, ban xuất huyết dạng phản vệ.
Triệu chứng
– Các biểu hiện hay gặp nhất là nổi ban xuất huyết dưới da dạng chấm và nốt ở mặt gấp của cẳng tay, cẳng chân, mông, đùi…không ngứa.
– Triệu chứng còn kèm theo sưng đau khớp, đau bụng, buồn nôn, xuất huyết tiêu hóa, viêm cầu thận, đi tiểu ra máu.
– Một số biểu hiện hiếm gặp có thể xảy ra khác như viêm cơ tim, viêm tinh hoàn, hôn mê, co giật.
Nguyên nhân gây bệnh
– Không lệ thuộc vào tác động cơ học (không phải do sang chấn) mà liên quan tới cơ địa dị ứng, viêm da dị ứng, thức ăn lạ, thay đổi thời tiết…
– Khi cơ thể nhiễm một số chủng vi khuẩn hoặc virut như liên cầu nhóm A, Mycoplasma, Varicella virus, cytomegalovirus, Epstein-Barr virus, Parvovirus B19, Campylobacter…
– Một số nguyên nhân khác chưa xác định được.
Viêm mao mạch dị ứng do thức ăn lạ, thay đổi thời tiết, nhiễm khuẩn (Ảnh minh họa)
Lứa tuổi mắc bệnh
– Bệnh thường gặp ở trẻ em, người trẻ tuổi với 75% các trường hợp xảy ra trước 16 tuổi.
– Tỷ lệ mắc bệnh ở nam nhiều gấp 2 lần so với nữ.
– Bệnh thường xuất hiện hoặc nặng lên về mùa xuân.
Cháu P.H.B.N 5 tuổi (Bắc Giang) bị viêm mao mạch dị ứng
Khi thấy con gái quấy khóc, bỏ ăn, nôn…chị H nghĩ con bị viêm họng, ốm như bình thường….
Tuy nhiên khi thấy bàn chân, cổ chân con nổi những nốt nhỏ li ty…không đi được mà chỉ bò…thì chị H hoảng quá…đưa con lên viện Nhi Trung ương để khám.
Viêm mao mạch dị ứng thường gặp ở các em nhỏ dưới 10 tuổi (Ảnh minh họa)
Sau khi khám và xét nghiệm máu, bác sỹ kết luận cháu N bị viêm mao mạch dị ứng. Rất may vì cháu có những nốt xuất huyết ở chân, đùi kèm theo các triệu chứng rõ rệt của bệnh nên bác sỹ dễ dàng phát hiện và điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp trẻ chỉ đau bụng nên kéo dài thời gian phát hiện bệnh, việc xử lý sẽ lâu hơn. Nếu để lâu bệnh sẽ chạy vào thận, tim… gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Cháu H được bác sỹ cho uống bổ sung vitamin C, một số thuốc kháng sinh. Đặc biệt chú trọng các loại hoa quả tươi và chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất.
Bệnh viêm mao mạch dị ứng xuất hiện từ bao giờ
Bệnh viêm mao mạch dị ứng đã được phát hiện năm 1874 bởi Henoch và được mô tả chi tiết bởi Schonlein vào năm 1941, vì vậy còn được gọi là bệnh Schonlein – Henoch.
Viêm mao mạch dị ứng là một bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em hoặc người trẻ tuổi, rất ít khi gặp ở người cao tuổi, bệnh thường thứ phát và mang tính chất cấp tính.
Lần đầu tiên Heberden (1801) đã thông báo một trường hợp bệnh nhân 5 tuổi bị đau bụng, nôn, phân đen, đau khớp, xuất huyết dạng chấm nốt ở hai chân và có máu trong nước tiểu. Sau đó Willan đã mô tả trường hợp tương tự với tiêu đề “purpura urticans”.
Năm 1837 Schonlein mô tả tình trạng gọi là “peliosis rheumatica” với các biểu hiện đau khớp, xuất huyết điển hình. 37 năm sau (1874) học trò cũ của Schonlein là Henoch mô tả hội chứng mới gồm xuất huyết, đau bụng dữ dội, ỉa phân đen ngoài những biểu hiện tương tự: thấp khớp ở các khớp cổ tay, bàn ngón tay, cổ chân.
Những năm 1895-1914 Osler đã công bố ở Anh nhiều bài báo về các biểu hiện của viêm mao mạch dị ứng có liên quan đến các hiện tượng dị ứng. Sau đó Frank đề nghị đã được sử dụng rộng rãi ở Mỹ, các tác giả châu Âu và Nhật Bản thích dùng tên người tìm ra “hội chứng Schonlein- Henoch”.
Năm 1969, Berger phát hiện sự lắng đọng ở vùng gian mạch các phức hợp của IgA trong bệnh thận IgA tiên phát giống như viêm thận do viêm mao mạch dị ứng. Năm 1980, Conley dùng kỹ thuật kháng thể đơn dòng phát hiện sự lắng đọng gian mạch trong bệnh Berger và chủ yếu là dưới lớp IgA1. Hai năm sau, Sevenson thông báo sự xuất hiện đồng thời IgA và C3 trong các mạch của da, ruột và các vùng gian mạch ở một người lớn bị viêm mao mạch dị ứng.
Phương pháp điều trị viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em
Điều trị bệnh viêm mao mạch dị ứng chủ yếu dựa vào chống dị ứng, bảo vệ thành mạch, nếu xuất huyết gây thiếu máu nhiều sẽ có chỉ định bổ sung hồng cầu hoặc nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn sẽ được dùng kháng sinh điều trị.
Những loại thuốc được sử dụng:
– Thuốc ức chế miễn dịch như cyclophosphamid, cyclosporin, azathioprin (dùng phối hợp với glucocorticoid ở những bệnh nhân có tổn thương thận không đáp ứng với glucocorticoid đơn thuần).
– Các phương pháp điều trị khác như: dapsone, immunoglobulin truyền tĩnh mạch, gạn huyết tương cũng được chứng minh là có hiệu quả làm chậm sự tiến triển của tổn thương thận trong viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em.
– Dùng thuốc chống viêm, giảm đau cho các trường hợp có sưng đau khớp; thuốc lợi niệu nếu bệnh nhân có suy thận; hạ huyết áp nếu có tăng huyết áp cũng rất cần thiết trong điều trị bệnh.
– Tuy vậy, cần dùng thuốc gì, trong thời gian bao lâu là do bác sĩ khám bệnh trực tiếp chỉ định, người bệnh cần tuân theo chỉ dẫn và thực hiện theo đơn của bác sĩ.
– Bên cạnh đó, người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh đi lại nhiều và không nên đứng lâu. Nên ăn uống đủ chất, nhất là các loại thức ăn và quả tươi có chứa nhiều vitamin C, cần kiêng các loại thực phẩm gây dị ứng cho bản thân mình đã từng xảy ra.
Lời kết
Khi nghi ngờ có viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em, người bệnh nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt, không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình hoặc người thân và tự mua thuốc để điều trị… Nếu làm như vậy, bệnh không những không khỏi mà có thể nặng thêm, đôi khi gây nguy hiểm cho tính mạng, đặc biệt là dùng các loại corticoid.
Khi bị viêm mao mạch dị ứng, người bệnh cần nghỉ ngơi, không đi lại nhiều… Đặc biệt cần bổ sung chế độ ăn đủ chất, nhất là các loại thức ăn và quả tươi có chứa nhiều vitamin C, kiêng khem các thực phẩm gây dị ứng.
Định đã bình luận
Mình đã từng bị và chữa khỏi hoàn toàn, bạn nào cần giúp thì liên hệ mình chỉ chỗ lấy thuốc cho
Viet đã bình luận
Con trai mình năm nay 10 tuổi đang mới mắc bệnh này. Bạn chỉ giúp mình nhé, sđt mình 0986938688
Admin đã bình luận
Chào bạn,
Nếu bé được chẩn đoán mới mắc hoặc có nguy cơ cao, bạn nên cho bé tới khám tại chuyên khoa Nhi hoặc chuyên khoa Miễn dịch dị ứng để được các chuyên gia tư vấn. Bạn cũng cần tuân thủ phác đồ hướng dẫn của bác sỹ điều trị, không nên tự ý mua các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng trên mạng để điều trị.