Tác hại của chì đối với sức khỏe ai cũng biết nhưng sử dụng son môi thường xuyên dẫn đến nhiễm chì cao là hậu quả không thể xem thường cần cảnh báo đối với phái nữ. Do thói quen dùng son môi đẫm màu mà viền lợi của một nữ MC VTV đổi từ hồng sang xám đen. Khi xét nghiệm phát hiện lượng chì trong máu cao gấp hơn 3 lần.
Cảnh báo son môi càng đỏ, lượng chì càng cao
Phát biểu bên lề hội nghị khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc 2017, PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc TT Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, trong suốt hàng chục năm làm nghề thì đây là trường hợp ngộ độc chì vì dùng son môi đầu tiên ông gặp tại Việt Nam.
PGS chia sẻ, cách đấy mấy tháng tình cờ khi ông đến ghi hình thì nữ MC hỏi liệu cô có bị nhiễm chì không khi có nhiều biểu hiện như mất ngủ, táo bón, hay quên…
PGS Duệ khuyến cáo chị em phụ nữ nên cẩn thận khi dùng các son màu đỏ, đỏ cam
Theo PGS Duệ “Khi kiểm tra răng thì phát hiện viền lợi của cô ấy đã chuyển màu đen xám, lấp lánh ánh kim loại. Sau khi lấy máu xét nghiệm, phát hiện lượng chì trong máu lên tới 32mcg/dL, gấp hơn 3 lần ngưỡng cho phép”.
Sau khi hỏi về những thói quen thường ngày, được biết MC này không dùng thuốc nam hay tiếp xúc thường xuyên với các nguồn nhiễm chì khác, ngoại trừ việc dùng son đậm màu đỏ, đỏ cam hàng ngày.
Với ngộ độc chì mãn, sẽ lắng đọng nhiều bộ phận trong cơ thể, trong đó có xương. Bởi vậy “Sẽ cần thời gian dài để thải độc chì vì khi dùng thuốc, chì trong máu sẽ tụt nhanh, khi đó dùng thuốc thêm cũng không có tác dụng. Cần nghỉ một thời gian để chì trong xương nhiễm ra mới có thể tiếp tục thải được”.
Từ trường hợp của MC trên, ông khuyên chị em phụ nữ nên tránh dùng son môi màu đậm, đặc biệt màu đỏ cam và không liếm môi khi đánh son, lau sạch son trước khi ăn.
Chì gây hại cho trẻ em nhiều hơn người lớn
Người lớn đã vậy, đối với trẻ em PGS Duệ cho biết sẽ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất như chậm lớn, trí tuệ kém, tự kỷ, nặng nhất là mất khả năng tự phục vụ vĩnh viễn. Ở trẻ càng nhỏ, tác hại càng nặng.
Trong khi tại Mỹ đã giảm ngưỡng nồng độ chì bình thường trong máu xuống dưới 5mgc/dL thì tiêu chuẩn Việt Nam vẫn là 10mcg/dL. Chì hấp thụ vào cơ thể qua 4 con đường chính gồm tiếp xúc lâu dài qua da, qua hô hấp do hít thở hàng ngày từ bụi sơn chì, do hơi xăng xe.
Ngộ độc chì ở trẻ em để lại những hậu quả nặng nề và dai dẳng
Thứ ba, qua tiêu hóa. Đây là đường phổ biến nhất thông qua các thực phẩm chứa thuốc trừ sâu, chất bảo quản. Ngoài ra, một số trẻ có thói quen ngậm các đồ vật có chì cũng là nguyên nhân gây ngộ độc chì.
Thứ 4, qua nhau thai, sữa mẹ. Nếu mẹ bị nhiễm độc chì, chì sẽ qua nhau thai và sữa mẹ gây ngộ độc cho con. Do nhạy cảm hơn nên mẹ có thể chưa có biểu hiện ngộ độc nhưng con đã ngộ độc chì cấp. Con đường này gây nhiều nguy hại và ảnh hưởng tới trẻ em nhiều hơn do tốc độ chì lắng đọng ở phổi của trẻ cao hơn gấp 2,7 lần người lớn.
Theo PGS Duệ, với trẻ em, khi bị nhiễm chì ở liều thấp (12-54mcg/dL) có thể đi kèm sự thiếu hụt thần kinh. Trong đó nếu nhiễm chì từ 10-20mcg/dL sẽ khiến trẻ giảm 1-3 điểm IQ và tăng lên 5-10 điểm IQ khi lượng chì trong máu lên 30mcg/dL. Tương tự, nếu chì trong máu tiếp tục tăng 1-4mcg/dL, điểm IQ sẽ giảm thêm 2,3-5,2 điểm. PGS Duệ nhấn mạnh “Các nghiên cứu cũng chỉ rõ phơi nhiễm chì thời thơ ấu có ảnh hưởng đáng kể và lâu dài tới sự tái tổ chức vùng vỏ não, liên quan đến chức năng ngôn ngữ”.
Được biết hiện nay việc điều trị thải độc chì được khuyến cáo dùng liên tục, nhiều đợt, nhiều tháng, nhiều năm.
Benh.vn (Theo Vietnamnet.vn)